Mã số 338:
Cảnh sống cơ cực của cô bé 14 tuổi nuôi em ăn học
(Dân trí) - 14 tuổi, em chưa một lần được nhìn thấy mặt bố. Mẹ bỏ đi miền Nam, nhiều năm sau quay về mang theo một cậu con trai rồi lại biệt tăm biệt tích.
Hàng ngày, em một buổi đi học, một buổi mò cua, bắt ốc... để nuôi cậu em trai "cùng mẹ khác cha" mới 6 tuổi. Đó là hoàn cảnh đáng thương của em Nguyễn Thị Vân (sinh năm 1997) học sinh lớp 9A, trường THCS xã Thiệu Minh, huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa), ở thôn Đồng Minh, xã Thiệu Minh.
Khi nghe qua hoàn cảnh của Vân, chúng tôi không thể kìm lòng và quyết tâm tìm đến trường THCS Thiệu Minh, huyện Thiệu Hóa gặp em Nguyễn Thị Vân để lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng và mong được chia sẻ với em những khó khăn trong cuộc sống.
Biết chúng tôi về thăm hoàn cảnh em Vân, cô Cù Thị Hoa, Hiệu trưởng trường THCS xã Thiệu Minh rất vui, nhưng từ trong ánh mắt cô luôn hiện lên một nỗi niềm thông cảm và sẻ chia với những khó khăn chồng chất mà cô học trò bé nhỏ của mình đang phải trải qua.
Cô Hoa cho biết, Vân là cô học trò mồ côi bố từ nhỏ, ngay từ lúc lọt lòng, mẹ Vân cũng bỏ vào miền Nam ở, để lại em một mình sống với gia đình bác ruột. Sau nhiều năm sống xa quê, một ngày mẹ em bất ngờ trở về và có mang theo một người em trai của Vân là Nguyễn Văn Tài.
Một thời gian sau khi trở về quê, cuộc sống của ba mẹ con vô cùng vất vả, không đất, không nhà. Không hiểu sao, từ ngày trở về quê, mẹ em bắt đầu có những biểu hiện không bình thường về tinh thần. Hàng ngày chỉ đi lang thang rồi về ngồi một chỗ. Đã nhiều tháng qua, hai chị em Vân không còn được gặp mẹ và người ta cũng không ai biết mẹ hai em đi đâu.
Chúng tôi theo cô giáo chủ nhiệm Hoàng Thị Nguyệt để đến thăm căn nhà của hai chị em Vân ở sát chân đê. Trước mặt chúng tôi, một cô bé với nước da đen sạm và một cậu bé thân hình gầy gò đang loay hoay xếp mớ củi mà cậu em trai vừa đi nhặt về. Trong căn nhà nhỏ không có một thứ gì ngoài chiếc giường cũ nát mà hai chị em ngủ mỗi đêm.
Đã nhiều năm rồi, hai chị em Vân sống nương tựa vào nhau trong căn nhà này với cuộc sống khổ cực. Đây là căn nhà mà bác ruột đi miền Nam làm ăn để lại cho chị em Vân ở nhờ. Từ nhỏ đến khi học lớp 5, Vân về ở nhà một người bác khi mẹ bỏ đi.
Cô Hoàng Thị Nguyệt, giáo viên chủ nhiệm của Vân chia sẻ: “Ở trường Vân rất chăm ngoan, đi học đều đặn, nhiều lần các thầy cô giáo động viên em đi học thêm không thu tiền nhưng em bảo phải tranh thủ đi câu lươn, câu ếch để kiếm tiền nuôi em trai. Năm nay em trai Vân cũng vào lớp một, các thầy cô trong trường không ai là không thương cho hoàn cảnh của Vân cả. Bằng nấy tuổi, nhiều em còn chưa biết làm gì, nhưng Vân đã phải lam lũ để tự nuôi bản thân và chăm em trai như một người mẹ, nhiều lần nghe Vân tâm sự về hoàn cảnh mà tôi không sao cầm được nước mắt”.
Nghe mọi người hỏi về bố mẹ, Vân rơm rớm nước mắt: “Cháu chưa được nhìn thấy mặt bố. Cháu chỉ nghe bác kể lại là sinh cháu ra, mẹ cháu bỏ đi miền Nam. Khi mẹ trở về không hề nói chuyện với cháu. Suốt ngày mẹ cứ đi đi về về, cháu cũng không biết mẹ đi đâu nữa. Đã lâu rồi hai chị em cháu không thấy mẹ đâu nữa”.
Cuộc sống khó khăn cực khổ, nhưng từ ngày mẹ mắc bệnh và bỏ đi, hàng ngày, một buổi đến trường, buổi còn lại Vân đi mò cua bắt ốc, câu lươn, câu ếch về bán kiếm tiền nuôi hai chị em. Mỗi buổi như vậy cũng kiếm được 5 - 10 ngàn đồng mua gạo.
Đã nhiều lần bác ruột bắt em bỏ học đi làm thêm để kiếm tiền nuôi em trai. Nhưng được các thầy cô giáo trong trường đến động viên nên Vân tiếp tục đi học. Con đường đến trường và cuộc sống với chị em Vân chỉ biết ngày một ngày hai và làm sao để có cơm ăn ngày hai bữa là niềm ước ao lớn nhất đối với cô bé mồ côi tội nghiệp.
“Cháu muốn được đi học, nhưng cháu mà đi học thì không ai kiếm tiền nuôi em cháu cả. Cháu thích nhất là có gạo để ăn. Nhiều lần cả hai chị em phải nhịn ăn vì không có tiền mua gạo, cháu thì sao cũng được nhưng em cháu đói cứ khóc mà cháu không biết làm thế nào cả. Năm nay em cháu vào lớp một rồi mà không có tiền mua cho em bộ quần áo hay đôi dép để em đi học”, chúng tôi như muốn khóc theo những lời tâm sự của Vân.
Cô Cù Thị Hòa, Hiệu trưởng trường THCS xã Thiệu Minh cho biết: “Hoàn cảnh Vân đáng thương lắm, mồ côi bố mẹ, còn nhỏ mà em đã phải lăn lộn với cuộc sống rồi. Nhà trường đã kêu gọi các thầy cô giáo quyên góp ủng hộ tiền mua sách vở, nhà trường còn tạo điều kiện không thu bất kỳ khoản đóng góp gì của em. Mỗi khi tết đến, nhà trường đã chuẩn bị nhu yếu phẩm và những thứ cần thiết để động viên chứ nhìn cuộc sống hai chị em mà thấy tội nghiệp lắm”.
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về: 1. Em Nguyễn Thị Vân: Thôn Đồng Minh, xã Thiệu Minh, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa, hoặc lớp 9A, trường THCS xã Thiệu Minh, huyện Thiệu Hóa. ĐT cô giáo chủ nhiệm Hoàng Thị Nguyệt: 0986.705.379 (nếu bạn đọc gọi từ nước ngoài sẽ là 84986.705.379) 2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học & Dân trí - Báo điện tử Dân trí. Ngõ 2 nhà số 48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội (Cạnh cây xăng Kim Mã) Tel: 04. 3. 7366.491/ Fax: 04. 3. 7366.490 Email: quynhanai@dantri.com.vn Bạn đọc ủng hộ qua các tài khoản sau: * Tài khoản VNĐ tại VietComBank: * Tài khoản USD tại VietComBank: Account Number: 045 137 195 6482 Swift Code: BFTVVNVX Bank Name: THE BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM (VietComBank) * Tài khoản VNĐ tại VietinBank: * Tài khoản VNĐ tại Ngân hàng Quân đội (MB) Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí Tại Ngân hàng TMCP Quân đội – Chi nhánh Thái Thịnh - Hà Nội * Tài khoản USD tại Ngân hàng Quân đội (MB) Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí Swift Code: MSCBVNVX Bank Name: MILITARY COMMERCIAL JOINT STOCK BANK - MCSB ( No.3, Lieu Giai str., Ba Dinh Dist., Hanoi, Vietnam) 3. Văn phòng đại diện của báo: VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122 VP Đà Nẵng: 25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0511.3653.725 VP HCM: 40/17/16 Nguyễn Văn Đậu, phường 6 quận Bình Thạnh. Tel: 08. 35107. 331 |