Cảnh đời bệnh phong nghiệt ngã!
(Dân trí) - Khuya, cảnh vật yên ắng, người người đã ngủ say. Nào có ai để ý đến một con người đang vật vã trong cơn sốt nằm bệt bên lề đường giữa làng đại học. Anh không đủ sức lê bước về nhà, bởi vừa bị trận phong giật hành hạ.
Tuổi thơ bất hạnh
Phải cố gặng hỏi và chú ý lắm, tôi mới nghe được câu trả lời thều thào: “Em ở cùng mẹ em. Mẹ đi làm thuê nhà cho em, mua thuốc cho em…”.
Tiếng là nhà, nhưng thực chất đó chỉ là một phòng trọ ọp ẹp, bé xíu trong con hẻm nhỏ thuộc KP.6, P.Linh Trung, Q.Thủ Đức, TPHCM. Người mẹ của anh là bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh đã thuê căn phòng này cho 3 người là bà, một đứa cháu họ và cậu con trai của mình để làm nơi đi về.
Giữa đêm khuya, thấy sự xuất hiện của người khách lạ, bà vội vã thu dọn mấy cái xoong nồi, lấy đĩa đậy vội tô rau muống luộc đã sạm đen lại. Đấy chính là phần rau bữa chiều dành cho con trai bà, anh Nguyễn Văn Mung. Đồ đạc trong phòng, giá trị nhất chỉ có cái nồi cơm điện.
Qua trao đổi với người mẹ, tôi xót lòng khi biết về cảnh đời đầy đau khổ, bất hạnh của cả gia đình, đặc biệt là người con trai tật nguyền tên Nguyễn Văn Mung.
Năm 1984, bà Ánh sinh đứa con trai đầu lòng. Nhưng niềm vui chưa trọn đã nặng gánh lo âu, bởi lẽ “suốt 14 tháng, nó chỉ nằm như một cục bột, yếu đến nỗi không đủ sức để lật mình”. Và cũng từ đấy, người cha của Mung trở nên bi quan. Ông sinh ra ăn nhậu tối ngày, bỏ bê công việc, trút mọi gánh nặng gia đình lên vai người vợ.
Sau Mung, bà Ánh sinh thêm 2 người con trai và 1 người con gái. Đến lúc này mà Mung vẫn chưa biết đi, chưa biết nói. “5-6 tuổi mà nó cứ như đứa trẻ mấy tháng vậy.” Bất hạnh không dừng lại ở đó, những cơn sốt dồn dập còn khiến Mung bị bại liệt toàn thân.
Người mẹ kéo vạt áo lau nước mắt, nghẹn ngào: “Tiền bạc không có đồng nào, vẫn phải lo chạy chữa cho con. Hai bên nội ngoại đều nghèo, thương cháu nhưng đành bó tay. Đi vay cũng chẳng ai cho vì người ta sợ mình không trả nổi. Nhiều khi tôi chỉ còn biết ngồi nhìn cháu nó vật vã trong những cơn co giật… ba đứa kia thì ôm nhau khóc vì đói.”
Quê bà Ánh ở Hậu Giang, mỗi năm 2 vụ lúa. Nhà không có ruộng nên phải đi làm mướn cho người ta. Những đứa con nối tiếp nhau ra đời thay vì được anh chăm sóc, thì chúng lại phải thay nhau trông giữ anh. Người mẹ đi làm nhưng lúc nào cũng đau đáu lo con mình “lộn cổ xuống sông” vì quanh nhà toàn là sông nước.
Cả bốn anh em đều thất học. Riêng Mung thì mãi đến năm 12-13 tuổi mới tập đi và tập nói bập bẹ.
Nuôi hy vọng sống mong manh
Năm 2000, vì quá thương đứa con tật nguyền, bà Ánh đã rời quê, để lại 3 đứa con cho chồng ở nhà nuôi dạy. Bà đưa Mung lên TPHCM với hi vọng sẽ tìm được việc làm ổn định để chạy chữa cho con. Tuy nhiên, với mức lương làm trong xưởng gỗ chỉ hơn 1 triệu đồng mỗi tháng, sống giữa đô thị, trong cơn bão giá như hiện nay, mẹ con bà ngày càng lâm vào tình cảnh bi đát.
Bận đi làm, không chăm sóc được con nên bà đành phó mặc số phận để Mung ngày ngày lang thang trong làng đại học để lượm ve chai và xin ăn.
Đôi chân bên lớn bên bé, tập tễnh bước từng bước khó nhọc, cánh tay phải bị liệt, trở nên bé xíu, co quắp lại. Còn cánh tay trái khỏe mạnh, nhưng khốn thay, nó đang bị bệnh phong quái ác làm cho lở loét, các đốt ngón tay đang bị cụt dần, riêng ngón út chỉ còn một đốt. Máu mủ không ngừng rỉ ra từ mấy vết loét, ruồi muỗi thi nhau bâu vào, mặc sức chích, hút…
Trong cơn đau hành hạ, con người ấy vẫn chăm chỉ nhặt nhạnh, bới tìm ve chai bằng cánh tay duy nhất của mình trong các sọt rác. Vậy mà, những lúc quá mệt mỏi hay quá đói, Mung còn bị lên cơn co giật, vật vã nằm giãy giữa đường. Khi hỏi Mung: “Nếu cụt hết các đốt chân tay thì lấy gì nhặt rác?”, anh trả lời một câu tưởng như đùa “em nhặt bằng miệng”!
Với nhiều người dân trong làng đại học, việc Mung bị co giật đã trở thành chuyện thường ngày. Ông Hà Đình Nam, chủ một quán cơm cho biết: “Thỉnh thoảng lại thấy nó lên cơn co giật dữ dội. Mấy lần đầu mọi người đều hoảng hốt bởi không hiểu nguyên do, song khi biết nó bị bệnh phong thì ai cũng thấy bình thường… Bọn tôi quen rồi.”
Mỗi tối, người mẹ đều để cửa đến nửa đêm chờ con về để lo thuốc thang, tắm giặt. Bà tâm sự: “Tuy sự hiểu biết của nó chỉ bằng đứa trẻ lên 5 lên 6, nhưng nó có hiếu với tôi lắm. Ai cho gì cũng để phần mang về cho mẹ . Nó đi lượm ve chai cả ngày chỉ được 6 - 7 ngàn thôi. Hôm nào tôi cũng chờ nó về để rửa ráy, tắm giặt, cho uống thuốc rồi hai mẹ con mới đi ngủ”.
Được biết cha của Mung đã chết cách đây 1 năm. Cái chết của ông càng làm cho gia đình kiệt quệ. Mấy người em thì đi làm mướn ở quê. Hiện, tiền thuốc cầm hơi cho Mung cũng tiêu tốn đến hơn 30 nghìn đồng mỗi ngày. Lương công nhân của người mẹ không đủ để trang trải cho cuộc sống. Vì thế bà đành bất lực ngồi nhìn tử thần từng bước kéo con mình đi.
Dù biết, việc tiếp xúc sẽ khiến bà có nguy cơ lây bệnh cao nhưng bà không muốn đưa con mình vào trại phong. Vì Mung chưa bao giờ sống xa bà và hơn thế nữa, anh không thể tự lo như mọi người.
Hiện, Mung đang trong thời kỳ phát bệnh, thường xuyên bị các cơn đau hành hạ, có ngày lên cơn co giật đến 2, 3 lần. Nhưng anh vẫn phải đi bới rác, nhặt ve chai.
Để nhen nhóm hy vọng sống, con người khốn khổ này đang cần đến sự giúp đỡ từ những tấm lòng.
Mọi sự giúp đỡ xin gửi về địa chỉ:
1. Nguyễn Thị Ngọc Anh (mẹ anh Mung) số nhà 623 đường Hà Nội, khu phố 5, phường Linh Trung, quận Thủ Đức, TPHCM.
Số điện thoại: 088.781.765 gặp bà Trần Thị Nga, chủ nhà trọ.
2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học và Dân trí - Báo điện tử Dân trí (Hà Nội)
* Số 2/48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội (Đối diện Lăng Phùng Hưng - sau bến xe Kim Mã)
* Tel: 04.7366.491 - máy lẻ 403/ Fax: 04.7366.490
* Email: quynhanai@dantri.com.vn
* Tài khoản VNĐ:
Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí
Số TK: 10 201 0000 220 639
Tại: Chi nhánh Ngân hàng Công thương Hoàn Kiếm Hà Nội
* Tài khoản USD:
Tên TK : Báo Khuyến học & Dân trí
Số TK : 10 202 0000 004346
Switch Code : ICBVVNVX106 639
Tại : Sở Giao dịch I – Ngân hàng Công thương Việt Nam.
Vân Sơn