1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

Bốn bà cháu, một hy vọng

(Dân trí) - 6 giờ chiều, ba đứa trẻ còn mặc đồng phục học sinh, đôi mắt hớt hải, đang cố lẩn trốn sau bờ rào nhà người bà con bên cạnh. Bên kia, cha chúng - Tô Văn Lắm mặt đỏ gắt, “chân nam đá chân chiêu” đang lè nhè sai các con đi mua... nợ rượu.

Hơn 10 năm nay, ba chị em bé Tô Thị Kim Oanh (11 tuổi), Tô Thị Kim Yến (10 tuổi), Tô Mạnh Hùng (7 tuổi) ở 21 Cửa Trài, Phú Bình, Thành phố Huế đã hình thành một phản xạ: khi ba say rượu, mấy chị em dắt díu nhau chạy trốn.

Tuổi thơ nhọc nhằn và nỗi ám ảnh khó quên

Từ khi bé Hùng chưa đầy tháng, các bé đã chứng kiến những trận cãi vã nảy lửa của cha mẹ. Nó trở thành nỗi ám ảnh trong tâm trí cô bé 11 tuổi. Tấm thân bé bỏng, đôi mắt trong veo nhưng đã sớm ẩn chứa nỗi buồn: Mẹ bỏ đi theo người khác, cha nghiện rượu nặng. Bà nội 71 tuổi lưng còng sát đất, buôn thúng bán mẹt vẫn không nuôi nổi ba cháu ăn học và đứa con trai nghiện rượu. 
 
Bốn bà cháu, một hy vọng - 1

Tổ ấm của bà cháu bé Oanh là căn nhà cũ nát, chắp vá bằng nhiều mảnh bạt
“Có đêm, ba mạ tụi hắn cãi nhau rồi đem ba đứa nhỏ vứt vào thùng rác. Hàng xóm phải ra bồng vô, đứa mô mình mẩy cũng nồng nặc mùi rác”, bà Ngọc - một người hàng xóm cho biết.

Cuộc sống vốn chật vật, lại thêm ba đứa con dại, khó khăn nhân lên gấp bội. Chị Dương Thị Lịch - mẹ các em trước kia bán nước ở chợ Đông Ba, sau chuyển sang... đánh bài, cầu mong may - rủi. Anh Lắm đạp xích lô không khuyên được vợ đành bất lực, chán nản chỉ biết tìm niềm vui trong men rượu. 
 
Cách đây gần hai năm, chán cảnh nghèo túng, chồng say xỉn chị Lịch đã đi theo người đàn ông khác để lại ba đứa con thơ dại. Gánh nặng chồng chất lên chiếc lưng còng của bà nội đã ở cái tuổi “cổ lai hy”.

Mẹ bỏ đi, cha lại càng nghiện rượu hơn. Hôm nào không có tiền uống rượu, tay chân ông run rẩy, đi đứng xiêu vẹo lại sai con đi mua nợ rượu. Bé Oanh tâm sự: “Lần nớ, ba em say bị bổ giữa trời mưa. Bốn bà cháu dìu ba không nổi, không biết làm răng, cả năm người ngồi dưới mưa mà khóc”.

Có hôm, mâm cơm tối vừa dọn ra, người cha say khướt đá đổ tất cả. Bốn bà cháu đành nhặt thức ăn vương vãi dưới sàn mà... ăn lại. Nhìn những gì cả ngày khó nhọc mới kiếm được văng tung tóe, bà nội chỉ còn biết thở dài.
 
“Có lần em không chịu nổi đã hét lên: Con ghét ba! Nhưng làm răng mà em ghét được! Dù răng ba, mẹ cũng có công sinh ra mình mà!” - Bé Oanh tâm sự.
Mỗi lúc như vậy ba chị em lại ước có mẹ bên cạnh. Nhưng đã gần hai năm nay, mẹ chưa bao giờ về nhà thăm . “Nhà em nghèo, khổ quá chắc mẹ không chịu nổi nên bỏ đi. Nhưng em nhớ mẹ lắm, ước gì mẹ về thăm tụi em, một lần cũng được!”, hai chị em thẫn thờ nhìn ra con sông sau nhà.
 
Gánh nặng trên đôi vai tấm lưng còng

Suốt mấy năm nay bà Phường trở thành lao động chính trong gia đình. Mỗi ngày, bà phải dậy từ rất sớm làm bánh đi bán rong. Bốn bà cháu quần quật làm nuôi nhau vẫn không đủ sống. Thỉnh thoảng, bà phải xin những người xung quanh cho miếng cơm, manh áo: “Cực quá, tui vừa đi bán, vừa đi xin”, bà Phường vừa nói vừa nhìn vào khoảng không phía trước.

Các cháu đến tuổi đi học, đêm nào bà nội cũng trằn trọc: có cho cháu đi học không? Tiền xoay chạy ở đâu bây giờ?... Nhưng mỗi khi thấy ánh mắt khao khát của các cháu nhìn chúng bạn đến trường, bà Phường không sao cầm lòng được: “Tui suy nghĩ nhiều lắm! Có đi học mới mong tụi nó bớt khổ. Đời tui thất học, khổ nhiều rồi…”, nói đến đây hai hàng nước mắt tuôn trào lăn dài trên gò mắt cụ bà với khuôn mặt khắc khổ.

Lo có cái ăn, cái mặc, bốn bà cháu đã phải giật gấu vá vai. Nay, thêm tiền học của ba cháu, tấm lưng còng của bà mỗi ngày một còng hơn. Thương bà, ba chị em bé Oanh mỗi người mỗi việc phụ giúp nội thêm thu nhập. Kim Oanh học lớp 6, buổi sáng nhận giữ trẻ cho nhà hàng xóm, buổi trưa đến trường. Kim Yến đang học lớp 5, buổi sáng đi học, buổi chiều tất tả mang thúng mủng cùng bà đi bán bánh rong, chăm thêm đàn vịt. Đứa út còi cọc như đứa trẻ lên 5, da dẻ tái xanh… cũng chạy loăng quăng giúp chị khi cần. Buổi trưa, buổi chiều bà nội bán hàng về muộn, bé Oanh lại thay mẹ chăm sóc các em, làm việc nhà.

Trước kia, mỗi lần đi hoc, bé Oanh, bé Yến thường bị bạn bè trêu chọc. Tủi hổ, hai chị em chỉ biết khóc về sau cũng quen dần các bé mặc kệ những lời ác ý của bạn. Mỗi ngày, bé Oanh vẫn thường nhắc nhở hai em: “Mình học giỏi sẽ không ai dám trêu chọc về gia đình mình nữa, ba chị em mình phải cố gắng”.

Suốt ngày bận rộn, tối đến Oanh, Yến, Hùng mới có thời gian dành cho việc học. “Đêm nào ba không say, tụi em học sớm. Đêm nào ba say, tụi em phải đợi tới khi ba ngủ, rồi mới học”, bé Oanh cho biết.

Vất vả là thế nhưng năm nào bé Oanh, bé Yến cũng đạt danh hiệu học sinh xuất sắc, tiên tiến. Em Hùng đau ốm, suy dinh dưỡng nhưng vừa rồi vẫn đạt học sinh xuất sắc. Học kỳ 1 - 2009, Kim Oanh được nhận một cây đèn học và 10 quyển vở do báo Hoa học trò tặng cho học sinh nghèo học giỏi.
 
Ước mơ của bé

Mỗi ngày qua đi, ba chị em luôn nỗ lực thật nhiều để được đi học, được thực hiện  ước mơ. Bé Oanh thủ thỉ: “Em muốn học giỏi được làm bác sĩ để chữa bệnh suy dinh dưỡng cho em Hùng, để không phải khổ như bà nội”. Nhưng trên hết, ba chị em vẫn đau đáu hi vọng: “Em ước ba không còn nghiện rượu, không quát mắng tụi em nữa. Và em mong không phải bỏ học giữa chừng…”.
 
Mọi sự giúp đỡ xin gửi về:
 
1. Bà Trần Thị Phường, 21 Cửa Trài, Phú Bình, Thành phố Huế
 
2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học và Dân trí - Báo điện tử Dân trí (Hà Nội) 
Số 2/48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội
Tel: 04. 3. 7366.491/ Fax: 04. 3. 7366.490 
Email: quynhanai@dantri.com.vn
 
* Tài khoản VNĐ:
Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí
Số TK: 10 201 0000 220 639
Tại: Chi nhánh Ngân hàng Công thương Hoàn Kiếm Hà Nội  
* Tài khoản USD:
Tên TK : Báo Khuyến học & Dân trí
Số TK : 10 202 0000 004346
Switch Code : ICBVVNVX106 639
Tại : Sở Giao dịch I - Ngân hàng Công thương Việt Nam  
3. Văn phòng đại diện của báo:
 
VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122
 
VP Đà Nẵng: 25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0511.3653.725

VP HCM:
40/17/16 Nguyễn Văn Đậu, phường 6, Quận Bình Thạnh. Tel: 08.35107331
 
VP Cần Thơ: 53/13 Lý Tự Trọng, Q Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Tel: 071.3.733.269

Võ Thảo