Mã số 1853:
“Bố không có, mẹ không còn, chúng con khổ lắm”
(Dân trí) - “Cháu rất muốn đi học để sau này ra trường được làm cô giáo dạy chữ cho các em học sinh. Nhưng cháu không có bố, mẹ cũng đã mất rồi chỉ còn lại 3 chị em nên không biết những ngày tháng phía trước sẽ phải sống như thế nào nữa…”
Lời tâm sự của cháu Lê Thị Tiểu Vi (SN 2002, học sinh lớp 6, Trường THCS xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong), thốt lên đầy đau đớn như xoáy sâu vào tâm can những người nghe chuyện. Tuy vậy, hoàn cảnh của các em bây giờ thật quá trớ trêu, mẹ hiền đã bỏ các em ra đi mãi mãi để lại 3 chị em bơ vơ giữa cõi đời.
Trong cái nắng hè oi bức, ông Nguyễn Quý, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học xã Triệu Thành dẫn chúng tôi đến thăm nhà của mấy chị em Vi đang ở thuộc xóm đò, thôn An Tiêm, xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong.
Căn nhà của mấy chị em Linh chật hẹp và đã xuống cấp
Dù đã nghe giới thiệu qua về hoàn cảnh hiện tại của mấy chị em nhưng đến tận nơi, chứng kiến cuộc sống của mấy chị em chúng tôi cũng không khỏi xót xa. Căn nhà của mấy chị em Vi đang ở rộng chỉ hơn chục m2, nhà được xây dựng từ lâu nên đã quá cũ kỹ, ẩm thấp. Gian giữa nhà được người thân của em kê chiếc bàn nhỏ làm nơi thờ tự cho bà ngoại và mẹ của Vi. Gian kế bên là chỗ đặt giường ngủ và nơi sinh hoạt cho mấy chị em.
Lúc còn sống, vì luôn mong muốn các con mình được sống và phát triển như chúng bạn nên chị Lê Thị Hoa (mẹ của Vi) đã không quản ngại vất vả, làm đủ mọi nghề để kiếm tiền trang trải cuộc sống và chu cấp cho các con học hành. Có lẽ, trong tâm khảm của mình, chị cảm thấy thương cho các con khi lớn lên trong sự thiếu thốn tình thương của người cha. Chị luôn cố gắng để bù đắp cho các con những sự thiếu hụt đó và luôn thương con hết mực.
Hàng ngày, chị Hoa lên chợ thị xã Quảng Trị để mua thực phẩm, rau củ, quả…rồi len lỏi vào từng ngõ ngách của xóm làng để bán cho những ai có nhu cầu. Những khi rảnh thì chị đi làm thuê cho những người trong thị xã, chị làm bất cứ mọi việc từ dọn dẹp vệ sinh, làm thợ hồ, làm vườn…miễn sao có được nguồn thu nhập. Tuy nhiên, những đồng tiền làm công ít ỏi đó cũng chưa đủ để trang trải cuộc sống cho mấy mẹ con và bù lại những hao tổn về sức khỏe. Nhiều lần chị ngã bệnh nhưng cũng cố gượng dậy đi làm để nuôi con và mẹ già.
Những ngày tháng làm lụng vất vả đã khiến bệnh tật của chị trở nên nặng thêm. Năm 2011, chị ngã bệnh nên phải điều trị nhiều đợt tại bệnh viện. Đến lúc này chị mới hiểu được tình trạng sức khỏe của mình. Những khi nằm viện, lòng chị lại ngổn ngang, lo sợ các con bị đứt bữa nên cố dấu đi mọi bệnh tật để lao đầu vào công việc thường nhật. Đột nhiên, giữa năm 2015, căn bệnh lao quái ác đã cướp đi sự sống của chị. Chị Hoa ra đi để lại 3 đứa con chưa đến tuổi trưởng thành, 2 con còn đang đi học.
Chia sẻ về hoàn cảnh gia đình chị Hoa, ông Nguyễn Qúy cho biết, người dân trong xã này ai cũng biết rõ về hoàn cảnh của mẹ con chị Hoa phải một thân một mình lao động vất vả nuôi ba đứa con và mẹ già. Cũng vì thương cảm với hoàn cảnh của chị, nhiều bà con trong xóm thường xuyên lui tới động viên chị vượt qua khó khăn, sẵn sàng dang tay giúp đỡ, thậm chí còn quyên góp tiền để tạo điều kiện cho chị làm ăn. Đáng mừng là các con của chị Hoa đều học hành rất giỏi, đó cũng là niềm an ủi lớn lao nhất đối với chị. Bà ngoại các cháu mới mất cách đây hơn một năm, bây giờ thì đến mẹ các cháu. Ngày chị Hoa nằm xuống, chính quyền và người dân địa phương phải đứng ra lo hậu sự cho chị. Từ lúc chị ấy mất, 3 đứa con lâm vào cảnh mồ côi, không nơi nương tựa, anh em cũng chẳng còn mấy ai, kinh tế khó khăn nên không giúp được gì nhiều. Nhìn các cháu mà thấy tội nghiệp lắm!
Ngồi sát bên bàn thờ của mẹ, khói hương vẫn còn nghi ngút, Vi chỉ rơm rớm nước mắt rồi chậm rãi kể về những bất hạnh của gia đình. “Từ khi được sinh ra, chúng cháu đều không biết mặt bố, nhà chỉ có bà ngoại và mấy mẹ con. Thế nhưng, lần lượt bà ngoại và mẹ đều bỏ các cháu ra đi, nay chỉ còn 3 chị em cháu thôi”.
Kể từ ngày mẹ mất, mấy chị em Vi chỉ biết nương tựa vào nhau để sống. Vi là em út trong gia đình có 3 chị em gái. Chị đầu là Lê Thị Bình, vừa học đến lớp 9 thì mẹ mắc bệnh nên phải nghỉ học ở nhà phụ giúp mẹ và đi làm thêm kiếm tiền nuôi các em. Cháu thứ 2 là Lê Thị Mỹ Linh, hiện đang học lớp 10 trường THPT Nguyễn Huệ, thị xã Quảng Trị, nhưng cũng tranh thủ đi trông quán giúp cho người bà con trong họ để kiếm tiền tự trang trải việc học tập.
Câu chuyện Vi kể với chúng tôi thỉnh thoảng lại bị ngắt quãng do em không cầm được cảm xúc của mình. Có thể, với độ tuổi của em Vi bây giờ chưa thể cảm nhận được những khó khăn, vất vả đang chờ đón mấy chị em ở phía trước, nhưng em cũng đủ nhận thức được sự thiếu vắng, nỗi mất mát lớn lao khi mất đi những người thân yêu nhất.
Cháu Linh cho biết, sau khi mẹ mất, chị gái đầu của cháu đi làm may mặc ở tận Đông Hà, khi rảnh thì đi phụ giúp tại các quán ăn, còn cháu thì một buổi đi học, buổi còn lại đi trông quán cho người bà con. Không còn mẹ nữa nên chúng cháu phải cố gắng để tự nuôi sống mình. Nếu dư được chút nào thì dành để mua sách, vở, trang trải việc học.
Khi chúng tôi hỏi em về dự định của mình trong tương lai, cháu Linh ngước mắt nhìn lên di ảnh của mẹ trên bàn thờ rồi quay ra phía ngoài cửa, giọng em chùng xuống: “Em rất muốn học tiếp cho đến khi tốt nghiệp lớp 12, rồi vào Đại học, nhưng với hoàn cảnh hiện tại không biết em có làm được không? Em biết rằng, đi học Đại học sẽ rất tốn kém, trong khi mấy chị em không còn người thân chăm sóc, giúp đỡ nên mọi việc phải tự xoay sở. Nếu không thì học xong chương trình phổ thông, em sẽ đi làm thêm rồi học nghề để cùng chị nuôi em”.
Cháu Vi mơ ước sau này được trở thành cô giáo, nhưng với hoàn cảnh hiện tại, ước mơ đó của cháu sẽ khó thực hiện được
Nghe lời tâm sự tận đáy lòng của cháu Linh, chúng tôi thấy càng thương em hơn. Không có mẹ bên cạnh, cuộc sống của các em sắp tới sẽ đối diện với rất nhiều chông gai. Dù hoàn cảnh khó khăn nhưng hai chị em Linh và Vi luôn nỗ lực trong học tập. Kết quả học tập của hai chị em Linh và Vi những năm qua đều rất khá. Cháu Vi bộc bạch: “Cháu mơ ước khi lớn lên sẽ trở thành cô giáo để dạy chữ cho học sinh”.
Nhìn hoàn cảnh của mấy chị em Vi, chúng tôi chợt nghĩ đến câu dân gian thường nói: “Mồ côi mẹ lót lá mà nằm”. Dường như câu nói ấy cũng có phần tương đồng với hoàn cảnh của các em bây giờ. Số phận đã run rủi đẩy các em rơi vào cảnh mồ côi quá sớm. Không biết rồi đây tương lai của các em sẽ đi về đâu?
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về: 1. Mã số 1853: Em Lê Thị Mỹ Linh (xóm đò, thôn An Tiêm, xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) Số ĐT: 0167.267.6298 - 2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học & Dân trí - Báo điện tử Dân trí. Ngõ 2 nhà số 48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội Tel: 04. 3. 7366.491/ Fax: 04. 3. 7366.490 Email:quynhanai@dantri.com.vn Bạn đọc ủng hộ qua các tài khoản sau: * Tài khoản VNĐ tại VietComBank: * Tài khoản USD tại VietComBank: Account Number: 045 137 195 6482 Swift Code: BFTVVNVX Bank Name: THE BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM (VietComBank) * Tài khoản VNĐ tại VietinBank: * Tài khoản VNĐ tại Ngân hàng Quân đội (MB) Tên TK:Báo Khuyến học & Dân trí Tại Ngân hàng TMCP Quân đội – Chi nhánh Thái Thịnh - Hà Nội * Tài khoảnUSD tại Ngân hàng Quân đội (MB) Tên TK:Báo Khuyến học & Dân trí Swift Code: MSCBVNVX Bank Name: MILITARY COMMERCIAL JOINT STOCK BANK - MCSB ( No.3, Lieu Giai str., Ba Dinh Dist., Hanoi, Vietnam) * Tài khoản VND tại Ngân hàng Agribank: - Tên tài khoản: Báo Khuyến học và Dân trí - Số tài khoản VND: 1400206027950. - Tại Ngân hàng: Agribank CN Láng Hạ * Tài khoản USD tại Ngân hàng Agribank: - Account Name: Bao Khuyen hoc & Dan tri - Account Number: 1400206027966 - Swift Code: VBAAVNVX402 - Bank Name: Vietnam Bank for Agriculture and Rural Development, Lang Ha Branch 3. Văn phòng đại diện của báo: VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122 VP Đà Nẵng: 25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0511.3653.725 VP TPHCM: số 39L đường 11 (Miếu Nổi), phường 3, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Tel: 0866786885 VP Cần Thơ: 53/13 Lý Tự Trọng, Q Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Tel: 0710.3.733.269 |
Đăng Đức