1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

Bao nhiêu năm mẹ khóc, con cười

(Dân trí) - Bà năm nay 62 tuổi. Cả thôn Hà Phương 4, xã Thắng Thủy, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng đều biết đến một người đàn bà gầy rộc, mắt đỏ hoe đi mò cua bắt ốc, đi tước lá dừa bất kể thời tiết để đem ra chợ bán lấy vài nghìn bạc nuôi các con.

Ngang trái đến khó tin

 

Bà là Nguyễn Thị Rụt - cả làng vẫn gọi bà bằng tên chồng là bà Đương gái, lấy chồng sau khi đi thanh niên xung phong dọc tuyến đường Trường Sơn. Năm đó bà mới 21 tuổi. Chồng bà bị dị tật, tay chân khòng khoeo, não có chút vấn đề, bà không quản. Bà cầm lấy tay tôi, hồi tưởng: “Chúng tôi chơi với nhau từ nhỏ, từ lúc còn chơi đùa nhảy dây, đánh đáo, hồi ấy chúng tôi như những con chim chích. Tôi lấy ông vì tình thương, vì nghĩa nặng, hai gia đình đã thương nhau mà gả tôi cho ông”.

 

Lấy ông, bà sinh được ba mụn con. Ông nhà đã mất gần chục năm trước. Ông bỏ bà ở lại với những ngổn ngang, bề bộn của cuộc sống. Cũng chính từ lúc này, cuộc đời bà khóc ròng với những giọt nước mắt chảy ngược mà có lẽ ít ai trong đời này có thể tưởng tượng được.

 

Con trai út của bà - anh Bùi Tiến Duẩn, 32 tuổi từ bé đã có biểu hiện tâm thần, dù đôi lúc giúp bố mẹ được việc nhà nhưng đi lại vô thức. Một lần đi lang thang lấy dưa ăn, anh Duẩn bị đẩy ngã, rồi bị tâm thần, không ý thức được gì nữa. Đã 4, 5 năm nay, anh cứ ngồi nhà, bạ đâu ăn đấy, cười khúc khích một mình.

 

Bao nhiêu năm mẹ khóc, con cười - 1
Anh Duẩn chỉ biết ngồi cười khóc vô thức trên giường

 

Người con trai thứ hai của bà - anh Bùi Tiến Dân được đặt trên vai trọng trách là nguồn lao động chính của cả nhà. Anh Dân sinh ra khỏe mạnh bình thường. Nhưng vì gia đình quá túng thiếu, bất lực trước cuộc sống, trước khoản nợ vài triệu đồng không thể trả nổi, anh Dân tự tử từ hơn 7 năm trước. Bà Rụt nhắc đến con, nước mắt lại trào ra: “Nó chê nhà tôi nghèo, nó bảo có cố cũng không thoát được nghèo nên nó cũng bỏ tôi đi rồi”.

 

Người con gái cả - chị Bùi Thị Đan những tưởng là người may mắn nhất, chị lấy chồng, có hai con. Hai người con chị giờ đã lớn cả. Vài tháng trước, dân làng thấy xác chồng chị ngoài bờ ao đối diện ngôi nhà anh chị đang ở. Chị choáng váng suốt mấy tháng trời. Rồi hơn một tháng trước, cứ hằng đêm, người ta thấy chị đến các nhà đập cửa, gào khóc. Người đàn bà mất chồng ấy đã hóa điên. Giờ, chị cứ cầm những cành cây, đạp xe chạy khắp làng, hát những câu khiến không ít người phải giật mình, phải choáng váng: “Mẹ đi mò con ốc xinh xinh, mẹ đẻ ra con, con lớn rồi con bị thần kinh, con chẳng làm được việc gì giúp mẹ”…

 

Bà Rụt bảo: “Tôi phải nhốt con trong nhà, chỉ sợ nó đi khắp làng làm phiền hàng xóm. Nó cứ cười, cứ hát suốt ngày như thế, tôi đã nhờ hàng xóm giữ nó, đưa nó đi khám, bác sĩ bảo phải điều trị lâu dài mới khỏi. Nhìn tôi thế này, tôi lấy đâu ra tiền đưa nó đi. Trong nhà có bao giờ có được hơn mấy chục ngàn”.

 

Bao nhiêu năm mẹ khóc, con cười - 2
Chị Đan cả ngày cười nói chạy khắp nơi

 

Người cháu "tứ quý"

 

Có lẽ đã trải qua quá nhiều biến cố, bà Rụt không nhớ nổi nhiều biến cố khác của cuộc đời mình, cũng như không nhớ rõ tên hai người cháu ngoại. Bà chỉ tự hào khoe thằng cháu trai con chị Đan: “Nó học giỏi lắm, ngoan lắm. Nó là tứ quý nhà tôi đấy. Nó sinh giờ Dậu, tháng Dậu, ngày Dậu, năm Dậu”.

 

Ông Tống Phú Lâm, hàng xóm nhà bà và cũng là cán bộ phòng Lao động thương binh xã hội của huyện cho hay: “Cháu trai bà tên là Quyên, cháu học lớp 10, học giỏi lắm, nhưng có lẽ phải nghỉ học đấy. Tôi cũng đang cố gắng hoàn tất thủ tục giúp cháu không phải đóng học phí, nhưng đó là thứ yếu thôi, cháu còn không có ăn, không đảm bảo được cuộc sống, gia đình lay lắt thế…”

 

Tôi đã từng được nghe qua về tứ quý trong sách báo, người mà "tứ quý" thì có tài, không biết điều đó đúng sai ra sao, chỉ biết rằng, với hoàn cảnh như vậy, cả hai anh em Quyên đều khó có thể đi học cho đến nơi đến chốn.

 

“Điều kỳ diệu” của cuộc đời

 

Bà bảo ba năm trước, bà được nhà nước quan tâm, cấp cho 5 triệu đồng để xây nhà, thế nên giờ bà mới có được ngôi nhà như bây giờ. Tôi ái ngại với căn nhà lợp tạm mái Pờ rô xi măng, rộng vẻn vẹn 14m2. Trong nhà có hai cái giường cũ, một bàn uống nước đã sắp sập, ngoài ra chẳng có gì. Bà gọi đấy là: “Điều kỳ diệu”. Vì nếu không có 5 triệu đồng ấy, giờ bà vẫn ở nhà đắp đất, mưa gió không biết tránh đâu.

 

Bao nhiêu năm mẹ khóc, con cười - 3

Ngôi nhà mà bà Rụt gọi là “Điều kỳ diệu”

 

Sau khi chồng mất, rồi các con đứa mất, đứa hóa điên, người đàn bà ấy có thể đã quỵ ngã nếu như không có một ngày. Bà gặp một người đàn ông đi hàn nhôm - ông Tạ Đăng Huyên, quê ở Khoái Châu, Hưng Yên. Ông có nhà cửa, con cái đủ cả, nhưng ông thương bà nhà tranh vách đất, sống lay lắt một mình chăm các con điên dại, ông tình nguyện ở lại giúp bà mò cua bắt ốc, giúp bà bón anh Duẩn ăn, đổ phân cho anh Duẩn, giúp bà chạy đuổi theo xe cô con gái bị tâm thần khắp làng xã, giúp bà đỡ cực.

 

Khi tôi nói chuyện ở nhà bà, bà con hàng xóm cũng quan tâm, kéo đến nói chuyện. Ông Tống Phú Lâm bảo: “Chính quyền xã thấy bà khổ, lại thấy có người tình nguyện giúp đỡ bà, chúng tôi cũng để cho ông Huyên ở lại, thế mà cũng gần 9 năm rồi”.

 

Có điều, mấy tháng trước, ông Huyên đi đường, bị xe máy đâm vào, ông bị gãy chân. Đến giờ, ông phải chống nạng để đi lại. Ông Huyên bảo: “Tôi phải về rồi, không ở đây đỡ đần bà ấy được nữa, chân cẳng thế này, tôi chỉ là gánh nặng cho bà thôi”.

 

Bà Rụt lặng lẽ vuốt nước mắt.

 

Người đàn bà chưa một lần thoát khỏi cảnh cực ấy vẫn sống gắng gượng chống lại bất hạnh cuộc đời, có những niềm vui tưởng như quá nhỏ bé với mọi người nhưng cũng là nguồn hạnh phúc lớn đối với bà. Ai cũng khóc khi bà nói: “Tôi đã định chết đi, nhưng còn thằng Duẩn, con Đan, còn các cháu, tôi đi rồi, con cháu tôi vẫn sống, chúng nó biết làm sao? Tôi đã đau đớn, cực khổ quá nửa cuộc đời rồi, nhưng cũng không thể vì mình mà làm khổ con khổ cháu.”

 

Từ biệt người đàn bà ấy với bao ngổn ngang suy nghĩ, cuộc đời này còn nhiều lắm những bất hạnh, tôi biết, nhưng có mấy ai đau đớn đến thế, mấy ai nghị lực đến thế. Rồi bà vẫn bước tiếp, vẫn chống chọi tiếp những sóng gió cuộc đời cho đến khi sức bà còn có thể, và tôi vẫn nhớ dáng điệu của bà khi thẫn thờ: “Giờ nghĩ đến vay mấy chục nghìn đã hãi lắm rồi, còn gia đình tôi đã nợ đến vài triệu, chắc chết đi tôi vẫn ôm nợ bà con hàng xóm…”.

 

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:

1. Bà Nguyễn Thị Rụt - Thôn Hà Phương 4, xã Thắng Thủy, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng

2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học và Dân trí - Báo điện tử Dân trí (Hà Nội)

 

Nhà 48, khu số 2 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội

Tel: 04.7366.491/ Fax: 04.7366.490 

Email: quynhanai@dantri.com.vn

 

* Tài khoản VNĐ:

 

Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí

 

Số TK: 10 201 0000 220 639

 

Tại: Chi nhánh Ngân hàng Công thương Hoàn Kiếm Hà Nội

 

* Tài khoản USD:

 

Tên TK : Báo Khuyến học & Dân trí

 

Số TK : 10 202 0000 004346

 

Switch Code : ICBVVNVX106 639

 

Tại : Sở Giao dịch I – Ngân hàng Công thương Việt Nam

 

3. Văn phòng đại diện của báo:

 

VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122

 

VP Đà Nẵng: 25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0511.3653.725

 

VP HCM: 24 Trương Quốc Dung, P8, Quận Phú Nhuận, TPHCM. Tel: 08.3.294.3896

 

VP Cần Thơ: 53/13 Lý Tự Trọng, Q Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Tel: 071.3.733.269

 

Hồng Thuận