1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

Bảo hiểm Y tế như vật phòng thân cứu cánh lúc ốm đau

Hồng Ngân

(Dân trí) - Chị Vỵ chia sẻ hoàn cảnh gia đình khó khăn, vợ chồng chị không đủ khả năng mua BHYT, nên khi ốm đau gia đình chị chỉ biết cắn răng chịu đựng mua thuốc về nhà tự điều trị.

Chị Đặng Thị Vỵ (33 tuổi, trú xóm 12, xã Quỳnh Thạch, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) có hoàn cảnh hết sức khó khăn. Ngoài chăm sóc 4 con gái (lớn nhất 12 tuổi, nhỏ nhất hơn 1 tuổi), vợ chồng chị Vỵ còn phụng dưỡng mẹ chồng gần 80 tuổi bị mù một mắt, lưng còng, sức khỏe yếu và một người anh chồng 49 tuổi bị tàn tật bẩm sinh, nằm một chỗ, hưởng trợ cấp của xã hội.

Chị Vỵ nuôi 4 con nhỏ, chăm sóc mẹ chồng, anh chồng nên không thể làm gì có thu nhập. Cuộc sống của cả gia đình trông chờ vào mấy sào ruộng cùng tiền công thợ cơ khí bấp bênh của anh Nguyễn Bá Phương (39 tuổi, chồng chị Vỵ). Hoàn cảnh khó khăn, không thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo nên nhiều năm nay, vợ chồng chị Vỵ không đủ khả năng mua BHYT.

Bảo hiểm Y tế như vật phòng thân cứu cánh lúc ốm đau - 1

Chị Đặng Thị Vỵ và 4 con đang tuổi ăn học (Ảnh: Nguyễn Phê).

"Những lần vợ chồng hoặc con cái ốm đau, tôi chỉ biết cắn răng chịu đựng hoặc mua thuốc về tự điều trị ở nhà. Chỉ những lúc đau quá, tôi mới nhập viện điều trị, khó khăn thêm chồng chất.

Dù biết BHYT rất có giá trị và bản thân tôi cũng xem đó như vật phòng thân nhưng vì hoàn cảnh gia đình nên đành chấp nhận. Nhiều năm qua, tôi cũng ước có tiền để mua BHYT cho cả gia đình để không còn bất an, lo lắng những khi ốm đau nhưng chưa năm nào được trọn vẹn cả", chị Vỵ chia sẻ.

Chuẩn bị vào năm học mới, chị Vỵ gánh thêm nỗi lo tiền sách vở, học phí cho 2 con. Còn về khoản tiền để mua BHYT, với hoàn cảnh hiện tại, dù có muốn, gia đình chị cũng phải gác lại...

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội tỉnh Nghệ An, đến thời điểm này trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu còn 2.836 học sinh, sinh viên chưa mua thẻ BHYT.

Chị Trần Thị Liệu công chức UBND xã Quỳnh Thanh, huyện Quỳnh Lưu chia sẻ, nhiều năm qua, tỷ lệ người dân tham gia BHYT trên địa bàn xã còn thấp so với mặt bằng chung của toàn huyện.

Nguyên nhân chính là do đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, không đủ khả năng về tài chính. Người dân chủ yếu làm nông nghiệp, lao động tự do, thu nhập không ổn định. Nhiều người nhận thức còn hạn chế, chưa thấy được những lợi ích, ý nghĩa và tầm quan trọng của chính sách BHYT.

"Đến nay tỷ lệ người tham gia BHYT trên địa bàn xã Quỳnh Thanh đạt 75%. Tỷ lệ người tham gia BHYT tự nguyện chưa bền vững, nhất là hộ gia đình do không đủ khả năng về tài chính để tham gia BHYT", chị Trần Thị Liệu thông tin.