Báo Dân trí tiếp tục mang Tết đến với những đứa trẻ bị bỏ rơi tại chùa Hồng Quang
(Dân trí) - Hầu hết các em sinh ra đều bị bố mẹ bỏ rơi, thậm chí có em bị bố, mẹ bỏ lại cổng chùa còn chưa kíp cắt rốn, có em hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, bố mẹ gửi nương nhờ cửa phật..."Xuân Yêu Thương" của báo Dân trí và các nhà hảo tâm luôn mong muốn các em có được cái Tết ấm áp hơn...
Trong hành trình "Xuân Yêu Thương", báo Dân trí cùng các mạnh thường quân trở lại thăm ngồi chùa Hồng Quang (còn gọi là mái ấm Hồng Quang), tại xã Tân Hoà, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, từ hàng chục năm nay ngôi chùa này "bỗng" nổi tiếng và trở thành địa chỉ tin cậy của hàng trăm đứa trẻ mồ côi, bị bỏ rơi được chăm sóc bởi trụ trì Thích Thiện Thông.
Những ngày Tết, ngôi chùa được Hồng Quang được trang trí, tô điểm để thầy trò đón năm mới. Nhận được sự chung tay, quan tâm của cộng đồng, những tấm lòng nhân ái vài năm gần đây, mái ấm dù còn nhiều khó khăn nhưng đã đón một mùa xuân ấm no hơn. Chí ít bây giờ gạo thóc có mạnh thường quân hỗ trợ, chùa không phải đi mua gạo như trước
Với sư thầy Thích Thiện Thông, người chăm sóc những đứa trẻ bị bỏ rơi từ khi lọt lòng cho đến khi có những em vào đại học thì đây đã điều rất may mắn.
Tại chùa, sư thầy ăn chay nhưng trẻ vẫn ăn mặn, sư thầy nói "trẻ ăn mặn một cách công khai, ăn có thông báo, có thực đơn và ăn.... Nhiều người hỏi, các bé ăn gì để gửi tặng, thầy nói, các bé ăn mặn, các cô các bác có lòng cứ gửi xuống, bỏ tủ lạnh các bé ăn dần.
Theo sư Thầy Thích Thiện Thông, quan niệm đến với tín ngưỡng là phải thật sự hiểu biết, tự nguyện. Còn các bé là bị “bỏ lại Chùa” vì nhà những hoàn cảnh quá éo le, nhà nghèo, không cha, không mẹ hay bị bỏ rơi, có nhiều bé bị khuyết tật...là đã quá bất hạnh, thiếu thốn trăm bề.
"Cái gì cũng thiếu mà giờ đến cái ăn còn bắt trẻ phải “kiêng khem” thì quá tội nghiệp! Nên Thầy quyết định để trẻ ăn uống bình thường. Nhiều Phật tử lúc đầu cũng phản ứng nhưng sau họ rất hiểu và chia sẻ", Thầy bộc bạch.
Thầy tâm tư, số lượng trẻ bị bỏ rơi chùa tiếp nhận ngày càng quá tải, vượt quá điều kiện của chùa và sức của Thầy. Dù đau lòng, thầy buộc phải chia tay với nhiều đứa con mình từ chăm sóc từ bé để thầy tìm những mái ấm, trung tâm chuyên biệt phù hợp với hoàn cảnh của các bé như các bé khuyết tật, bé có HIV... để gửi vào. Nhưng thật không hề dễ dàng vì nhiều nơi không nhận.
Khó khăn nhất của chùa lúc này là nhân sự. Mượn người vào làm, điều kiện không cho phép, chùa chỉ có thể trả công cán không đáng kể, lương tháng 2 triệu/người, thì 5 - 7 người đã là một khoản tiền rất lớn.
Đích thân Thầy mỗi ngày dậy từ 3 - 4 giờ sáng cho các bé sơ sinh uống sữa, nấu nướng, giặt dũ, dọn dẹp chùa, gọi các con dậy đi học. Các bé lớn hơn cũng được thầy chỉ dẫn để phụ việc cùng thầy, chăm các em nhỏ.
Cùng với giáo viên, học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở Đồng Nai, TPHCM, chương trình Xuân yêu thương 2020 do báo Dân trí thực hiện còn trao những phần quà đến những đứa trẻ tại chùa Hồng Quang như một sự chung tay để thầy trò nhà chùa đón một xuân ấm áp hơn.
Chương trình có sự đồng hành của Tập đoàn Đỉnh Vàng - Golden Top, Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền phong, Tập đoàn Nestle, Công ty NutiFood, Công ty CP dầu thực vật Tường An và Acecook Việt Nam
Hoài Nam
Clip: Như Quỳnh/ Ảnh: Phạm Nguyễn