1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

Bài 3: Những đứa trẻ sinh ra để… người khác khổ

(Dân trí) - Khi tôi tìm hiểu những đứa trẻ có hoàn cảnh không may tại trung tâm, những đứa trẻ mới sinh ra đã gặp muôn vàn gian khổ khi thiếu mắt, thiếu tay chân, thiếu tình yêu thương của bố, của mẹ, tôi mới phát hiện ra một trớ trêu rằng, ở trung tâm này còn có những đứa trẻ sinh ra để làm… người khác khổ.

Sở dĩ tôi có suy nghĩ như vậy, đơn giản các em là những đứa trẻ bị bại não. Bệnh bại não khiến chúng chỉ biết hoặc nằm, hoặc ngồi, giương đôi mắt ngây dại hoặc nụ cười hềnh hệch vào người đối diện. Các em không có trí khôn, do đó các em làm sao mà biết được mình khổ. Ăn cũng phải có người đút, mà đút từng ly từng tý chứ mạnh tay một cái là trớ hết cả ra. Uống sữa cũng phải có người cầm. Lại phải có người vệ sinh thân thể, lau quét chùi dọn gian phòng bởi mùi xú uế mà chúng tiện đâu là làm đấy, thích lúc nào thì tiểu tiện, đại tiện lúc ấy bất kể thời gian.
 
Những đứa trẻ bại não chỉ biết ngồi 1 chỗ trên ghế với mọi tư thế, có em lại nằm lăn ra giữa sàn

Những đứa trẻ bại não chỉ biết ngồi 1 chỗ trên ghế với mọi tư thế, có em lại nằm lăn ra giữa sàn
 
Các em không biết mình khổ, mà ngược lại chỉ làm người khác khổ. Nên tôi thật sự cảm phục những cô bảo mẫu ở trung tâm này khi ngày cũng như đêm, quanh năm ngày tháng phải chăm lo cho bọn trẻ không được sống cái “phần người” đáng có của chúng. Thượng đế thật là nhẫn tâm, khi sinh bọn trẻ ra mà lại lấy đi cái trí khôn của chúng, để chúng sống không bằng chết, ngây ngây dại dại, vạ vật giữa cuộc đời.
 
Một em bé giương đôi mắt ngây dại lên nhìn

Một em bé giương đôi mắt ngây dại lên nhìn

Ở Trung tâm chăm sóc người già và trẻ tàn tật Thụy An, Ba Vì, Hà Nội có tất thảy 96 đứa trẻ bị bại não. Chúng ở mọi lứa tuổi, từ đứa bé sơ sinh nhỏ như con mèo con cho đến anh chàng năm nay đã chứng 17, 18 tuổi. Tất cả chúng đều bị bố mẹ bỏ rơi ngay khi vừa mới sinh ra. 96 em chia thành 6 căn nhà, mỗi nhà khoảng 16 em. Tùy theo mức độ bại não nặng hay nhẹ mà chúng được xếp vào từng khu nhà riêng biệt.

Thăm các em ở các khu nhà, bỗng dưng tôi phát hiện cho riêng mình một cách “đong đếm” mức độ bại não của những đứa trẻ. Mức độ bại não nặng hay nhẹ phụ thuộc vào chiều cao tính từ đầu của đứa trẻ xuống mặt đất. Đứa nào mà đầu càng gần mặt đất thì mức độ bại não càng nặng. Nghĩa là, vào trung tâm này, hễ thấy bé nào, em nào chỉ nằm 1 chỗ thì rất nặng. Ngồi thì khá hơn, mà đứng dậy có thể đi lại là khá hơn nữa.
 
Những em bé ở trung tâm, đầu càng cúi sát mặt đất thì mức độ bại não càng nặng

Những em bé ở trung tâm, đầu càng cúi sát mặt đất thì mức độ bại não càng nặng

Anh Lợi, Phó Giám đốc Trung tâm Thụy An đưa chúng tôi đi 1 vòng xem các khu chăm sóc trẻ bại não của trung tâm. Những ánh mắt vô hồn, dài dại, những nụ cười hềnh hệch, những cái khươ tay giữa không trung làm người thăm vừa có cảm giác sợ hãi vừa xót xa cho những kiếp người. Những kiếp người mà đặt đâu thì ngồi đấy, cho ăn thì ăn, không cho ăn thì cùng lắm cũng chỉ biết kêu lên những tiếng vô nghĩa mà thôi.

Lúc này, chúng tôi mỗi người cầm một hộp sữa để cho những đứa trẻ bại não uống. Những đứa trẻ đáng thương đến mức cái việc cầm hộp sữa tự uống cũng không thể làm được. Thậm chí có những đứa nếu uống trực tiếp từ ống hút sẽ trớ hết cả ra, mà thay vào đó phải dùng từng thìa để bón cho các em. Chưa bao giờ tôi và mọi người lại có cảm giác khó tả như lúc đút sữa cho những đứa trẻ bại não ở đây uống như vậy. Một cảm giác gì đó vừa đắng đót, vừa xót xa, vừa lo âu sợ hãi. Đắng vì thương các em trước trêu ngươi của tạo hóa. Xót vì chẳng biết mỗi tuần, mỗi tháng các em sẽ có bao nhiêu lần được uống sữa ? Lo âu sợ hãi vì những đứa trẻ vốn không làm chủ được mình liệu sẽ có những hành vi không hay như cào cấu, cắn xé, nhất là hầu hết những người trong đoàn là chị em phụ nữ.
 
Sợ hãi cũng đúng thôi, bởi nhiều em ở trung tâm, các bảo mẫu còn phải lấy dây vải mềm buộc tay, bụng các em vào thành ghế. Nếu không, chúng sẽ quậy phá, chạy nhảy khắp nơi, đặc biệt là rất dễ vấp ngã mà nguy hiểm đến tính mạng. Chị Yên, một bảo mẫu ở nhà số 5 của trung tâm cho tôi hay: “Các em ở đây chúng em thường phải khóa cửa lại, khi nào cần vệ sinh, cho ăn uống mới mở cửa. Không khóa thì các em hay chạy ra ngoài và rất dễ bị lạc, vì các em không biết cách tìm đường về nhà. Thỉnh thoảng tranh ăn uống chúng còn đánh cả nhau bươu đầu mẻ trán”.
 
Các em bại não xếp hàng chờ uống sữa

Các em bại não xếp hàng chờ uống sữa
 
Những hộp sữa chúng tôi phát cho bọn trẻ, chẳng mấy chốc hết sạch. Mỗi đứa một hộp sữa, nhưng cứ uống hết hộp sữa chúng lại nhao lên đòi hộp khác, thậm chí đang cầm hộp này tay kia vẫn giành hộp mà đứa khác đang cầm. Nhưng đáng thương hơn, có những đứa trẻ dù rất muốn uống sữa, nhưng chỉ biết kêu lên những tiếng ú ớ, tay khua loạn xạ giữa không trung, ánh mắt nhìn khẩn thiết.
 

Cũng là bại não, nhưng chúng vẫn ý thức được chúng cần được ăn, được uống. Và chắc hẳn chúng cũng cần được yêu thương, được vỗ về. Một bàn tay xoa dịu hay gãi những vết ngứa ngáy trên thân thể quanh năm “chưa bao giờ tắm rửa” có lẽ không ai dám làm, kể cả những cô bảo mẫu vốn rất chịu khó, nhẫn nại chăm lũ trẻ của trung tâm.

Với chúng, người ta cũng chỉ có một cái cũi để cho chúng ngồi, một gian phòng ẩm thấp được đặt hẳn một cái máy quạt gió và một vòi nước xịt đủ mạnh quét tất tần tật thứ xú uế mà chúng phóng thả hàng ngày. Một bữa cơm có canh, có thịt hình như cũng quá là xa xỉ. Nên nói gì đến chuyện một bàn tay yêu thương….

Những đứa trẻ sinh ra để làm người khác khổ. Thì tình yêu thương dành cho chúng, tôi cứ tự nghĩ mình đang mơ đến một điều gì đó quá xa vời ?!!!
 
Thế Nam