1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

Bà mẹ già và những người con tật nguyền

(Dân trí) - Cuộc sống của một gia đình gồm mẹ già và 5 người con tật nguyền, quanh năm chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng khô cằn trên mảnh đất thép. Họ đang cố sức chèo chống mong vượt qua quãng đời gian khổ trên con thuyền định mệnh...

 
Bà mẹ già và những người con tật nguyền - 1
Anh Lê Văn Ngai (phải) bên mẹ và người anh trai tật nguyền.
 
Cảnh bần hàn của gia đình tật nguyền

 

Khi đến xã Tân Thạnh Đông của huyện Củ Chi, tôi đã được các cán bộ lãnh đạo xã kể cho nghe về hoàn cảnh bi thương của gia đình bà cụ Nguyễn Thị Biếu (74 tuổi). Ông Đoàn Thanh Vân, Chủ tịch xã nói: “Gia đình bà Biếu là một hộ đặc biệt của xã, bà có 5 người con thì cả 5 đều bị tật nguyền do ảnh hưởng chất độc màu da cam. Cuộc sống của họ rất khốn khó vì nguồn thu nhập chính chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng”.

 

Lội qua con đường đất lầy lội trong mùa mưa của vùng Nam Bộ, tôi đứng trước căn nhà trống huơ trống hoác. Phía bên trong ngôi nhà một người đàn ông, trông chỉ còn da bọc xương lồm cồm bò dậy một cách khó nhọc, rướn người nhìn ra ngoài sân theo hướng chó sủa.

 

Ra đón tôi là một người phụ nữ, đôi mắt mí trên bị kéo sa xuống, để nhìn thẳng về phía tôi chị phải hơi ngước mặt lên trời. Người phụ nữ đó là chị Lê Kim Thảo, con gái của cụ Biếu năm nay đã ngoài 40. Tại căn nhà này tôi đã được nghe kể về hoàn cảnh thương tâm của cả gia đình.

 

Vợ chồng bà Biếu sinh được 6 người con nhưng một người đã mất từ lúc 3 tuổi do bị bệnh nặng không có tiền chữa trị. Năm người con còn lại của bà, ngày nhỏ vẫn phát triển bình thường nhưng khi gần đến tuổi trưởng thành thì mỗi người một bệnh, “không chứng nọ cũng tật kia nó làm cho các con tôi trở thành những người tật nguyền”, bà Biếu nói với đôi mắt ngân ngấn nước.

 

Người mẹ đã không còn đủ sức để lao động. Các con bà đã lớn tuổi, nhưng chỉ duy anh Lê Văn Ngai, con trai thứ 5 trong gia đình là người phát triển tương đối bình thường. Việc lớn, việc nhỏ trong gia đình hầu hết chỉ mình anh gánh vác, ba người chị thì một đã đi lấy chồng xa hai người còn lại bị dị tật nặng chỉ quanh quẩn ở nhà, rất ít tiếp xúc với mọi người.

 

Tâm sự với tôi anh Ngai cho biết: “Trước đây khi ba tôi còn sống, hai cha con thường đi kéo than bùn cho người ta, nên cũng kiếm được đồng ra đồng vào sống đắp đổi qua ngày. Nhưng sau khi lo cưới vợ được cho tôi thì ông cụ đã mất cách đây hơn 2 năm do tuổi đã già lại mang bệnh lao lực. Từ khi ông mất tôi cũng chẳng biết làm gì nữa chỉ quanh quẩn ở nhà xem có ai kêu gì thì làm nấy”.

 

Bệnh tật hành hạ trong nghèo khó
 

Khi nói về nguồn thu nhập của gia đình anh Ngai trầm ngâm cho biết: “Cái nghề làm mướn như tôi, tháng có tháng không… nếu vào ngày mùa thì làm không hết việc nhưng vào những ngày nhàn tháng rỗi của nhà nông thì chẳng ai mướn. Khi đó chỉ biết ở nhà nuôi con heo, con gà để lấy phân bón ruộng và kiếm thêm vài đồng”.

 

Người bị bệnh nặng nhất trong gia đình bà Biếu là anh Lê Văn Sáng (40 tuổi). Khi sinh ra anh vẫn phát triển bình thường, nhưng đến năm 17 tuổi, sau một trận ốm thập tử nhất sinh anh Sáng bắt đầu có những phát triển không bình thường về mặt thể chất. Cơ thể bắt đầu teo tóp, miệng méo dần đi… Gia đình đã đưa anh đi nhiều bệnh viện khám, các bác sỹ đều kết luận anh bị ảnh hưởng chất độc màu da cam.

 

Cho đến năm 30 tuổi anh Sáng vẫn có thể làm được những việc nhẹ trong gia đình. Nhưng từ 30 tuổi trở đi bệnh tình trong anh đã có nhiều biến chứng mới như co rút các cơ bắp, lên cơn co giật… mất hẳn sức lao động.

 

Khi người cha còn sống, mỗi tuần ông đều cố gắng kiếm cho Sáng một liều thuốc bổ bên cạnh các loại thuốc dùng để trị bệnh. Nhưng từ khi ông lâm bệnh nặng và mất đi thì chế độ thuốc thang của anh Sáng cũng bị cắt. Bởi lẽ để mong cứu được cha mình, anh Ngai đã cùng mẹ mang sổ đỏ - tài sản duy nhất của gia đình đi cầm cố được 20 triệu đồng, nhưng số tiền đó không đủ để cứu mạng sống của ông. Mẹ con bà Biếu đã phải nhìn ông ra đi trong sự đau khổ và bất lực.

 

Hơn 2 năm sau khi người cha qua đời anh Ngai phải một mình “kéo cày trả nợ”. Khoản vay 20 triệu đồng cùng tiền lãi chưa trả hết thì tai họa lại tiếp tục giáng xuống gia đình anh. Bà Biếu tuổi đã cao lại mắc bệnh tim mạch và hen suyễn nên thường xuyên đổ bệnh. Những người hàng xóm của gia đình cho biết, bà Biếu đã phải nằm bệnh viện Củ Chi cả tuần, mới được gia đình đưa về vài ngày.

 

Mẹ nằm viện, anh Sáng ở nhà thiếu sự chăm sóc của gia đình nên cũng đổ bệnh theo. Để có tiền chạy chữa cho mẹ và anh trai, anh Ngai đã phải tiếp tục vay mượn bà con lối xóm với số tiền lên đến gần 20 triệu đồng.

 

Gia đình anh Ngai đã lâm vào cảnh khốn khó, bà Biếu sau khi đỡ bệnh về nhà đã phải nhặt nhạnh từng cọng rau trong vườn mang ra chợ bán. Mấy tạ thóc mới thu hoạch được từ vụ mùa để trong nhà là nguồn lương thực, đồng thời cũng là tài sản lớn nhất còn sót lại của cả gia đình cũng có nguy cơ phải rời chủ ra đi.

 

Người mẹ nhìn xuống cái sân gạch cũ nát, giọng buồn buồn, bà thều thào: “Tôi già rồi nên chẳng còn tiếc gì nữa, chỉ thương cho mấy đứa con và thằng Sáng bệnh tật triền miên…”. Để làm vơi đi phần nào những đau thương do hậu quả của chiến tranh để lại, và giúp gia đình vượt qua những khó khăn hiện tại, mẹ con bà Biếu đang rất cần sự chung tay giúp sức của các nhà hảo tâm.
 
 

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:

 

1. Anh Lê Văn Ngai - tổ 10, ấp 7, xã Tân Thạnh Đông huyện Củ Chi.

2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học và Dân trí - Báo điện tử Dân trí (Hà Nội)

Số 2/48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội
Tel: 04. 3. 7366.491/ Fax: 04. 3. 7366.490 
Email:
quynhanai@dantri.com.vn

* Tài khoản VNĐ:

Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí

Số TK: 10 201 0000 220 639

Tại: Chi nhánh Ngân hàng Công thương Hoàn Kiếm Hà Nội


* Tài khoản USD:

Tên TK : Báo Khuyến học & Dân trí

Số TK : 10 202 0000 004346

Switch Code : ICBVVNVX106 639

Tại : Sở Giao dịch I – Ngân hàng Công thương Việt Nam

3. Văn phòng đại diện của báo:

VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122

VP Đà Nẵng: 25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0511.3653.725


VP HCM: 40/17/16 Nguyễn Văn Đậu, phường 6 quận Bình Thạnh. Tel: 08.6.294.3896


VP Cần Thơ: 53/13 Lý Tự Trọng, Q Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Tel: 071.3.733.269

 

Vân Sơn