1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

Anh Trần Quang Trung bị sốc nhiễm khuẩn đã mãi mãi ra đi

(Dân trí) - Sau khi lo xong mọi thủ tục cho chồng ở quê, chị Đinh Thị Dung mới bình tĩnh gọi điện thông báo với chúng tôi anh Trung đã không còn. Anh đã mãi mãi ra đi sau hơn 3 tháng nằm viện với tổng kinh phí lên đến hơn 400 triệu đồng.

Anh chính là người đàn ông đáng thương trong bài viết: “Vợ run rẩy nhìn chồng chết mòn vì sốc nhiễm khuẩn” đăng trên báo điện tử Dân trí ngày 25/4. Ban đầu chỉ là những cơn sốt, đau đầu thông thường, anh Trung dần chuyển sang giai đoạn sốc nhiễm khuẩn phải đưa đi cấp cứu tại bệnh viện Nhiệt Đới TW sau đó chuyển điều trị khoa Hồi sức cấp cứu của bệnh viện Bạch Mai. Tại đây anh được tiến hành lọc máu, thở máy và sử dụng cùng lúc nhiều loại thuốc kháng sinh đặc trị với chi phí vô cùng tốn kém.

Hơn 3 tháng nằm điều trị, anh Trung đã mãi mãi ra đi.
Hơn 3 tháng nằm điều trị, anh Trung đã mãi mãi ra đi.

Kiệt quệ về kinh tế, đau đớn về tinh thần, chị Dung được bạn đọc Dân trí động viên kịp thời nên đã hi vọng về 1 ngày không xa chồng sẽ tỉnh lại và được xuất viện trở về nhà. Nhưng tin dữ lại đột ngột ập đến khi những ngày cuối cùng của chồng trên bệnh viện, qua kết quả kiểm tra, sinh thiết phát hiện anh Trung bị ung thư di căn tủy xương nên không còn con đường chữa trị. Hoảng loạn và hoàn toàn mất phương hướng, mẹ con chị Dung vẫn phải ngậm ngùi lo mai táng cho chồng trong nỗi đau không gì sánh được.

“Cắm nhà em cũng đã làm rồi, đi vay các nơi em cũng đã làm những mong cứu được tính mạng của anh về với mẹ con em. Nhưng cuối cùng anh vẫn bỏ mà đi chị ạ. Giờ anh không còn nữa mà số nợ để lại cho mẹ con em là hơn 400 triệu đồng, em không biết đến khi mô mới trả được cho người ta”.

Anh không còn nữa nhưng số nợ để lại cho vợ con lên đến hơn 400 triệu đồng.
Anh không còn nữa nhưng số nợ để lại cho vợ con lên đến hơn 400 triệu đồng.

Chị Dung nghẹn ngào tâm sự trong tiếng nghẹn nấc như chặn lại nơi cổ họng. Chồng mất cộng với khoản tiền nợ khổng lồ khiến chị run sợ và bế tắc. Chị không biết phải làm gì và bắt đầu từ đâu khi anh giờ không còn nữa. Một khoảng trống vô hình đủ sức giết dần, giết mòn thể xác và tâm hồn chị khiến chúng tôi cũng nghẹn ngào, đau xót.

“Cố lên chị, còn các con. Chị phải sống để làm chỗ dựa cho chúng vì chúng giờ đã không còn bố rồi”. Đó là câu duy nhất chúng tôi có thể nói những mong 1 chút an ủi, động viên đến người đàn bà đáng thương. Nước mắt lại trào ra, chị biết mình phải vững vàng vì còn 2 đứa con nhỏ nhưng chống chếnh, chênh vênh như người bước hụt chân. Là chị nhớ anh trong nỗi cào xé nhưng bất lực không làm gì khác được vì số phận đã phân chia người âm, người dương trùng trùng xa cách.

Chị Dung hoàn toàn mất đi phương hướng và hoảng loạn vì chồng không còn nữa.
Chị Dung hoàn toàn mất đi phương hướng và hoảng loạn vì chồng không còn nữa.

“Anh ấy không còn nữa nhưng em tin trong những ngày cuối đời anh cảm nhận được hết những tấm lòng và sự quan tâm của bạn đọc Dân trí đến với gia đình em. Thay mặt cho anh, em muốn gửi lời cám ơn đến quý báo và mọi người đã ở bên cạnh, động viên trong suốt thời gian qua. Đó những tình cảm thiêng liêng, quý báu mà anh nhà em đã nhận được trong những ngày cuối cùng của cuộc đời chị ạ”.

Không quên gửi lời cám ơn đến bạn đọc, chị Dung hứa sẽ cố gắng lấy lại tinh thần sớm để tiếp tục lo cho cuộc sống của các con. Nhưng sâu thẳm trong tôi là nỗi lo lớn bởi một người phụ nữ bé nhỏ, nghèo túng như chị sẽ xoay sở ra sao với việc ăn, học của các con và khoản nợ khổng lồ treo lơ lửng ngoài kia?.

Phạm Oanh