VietinBank:
4.000 tấn gạo nghĩa tình gửi miền Trung ruột thịt
(Dân trí) - 4.000 tấn gạo nghĩa tình với tổng trị giá 36 tỷ đồng đã được VietinBank trao tặng đồng bào miền Trung ruột thịt tại ba tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi và Quảng Nam.
Chủ tịch HĐQT VietinBank Phạm Huy Hùng trao biển tài trợ tượng trưng cho đồng bào bị bão lụt miền Trung
Với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, Chủ tịch HĐQT VietinBank Phạm Huy Hùng đã trực tiếp trao tài trợ cho tỉnh Quảng Ngãi. Tổng Giám đốc, Ủy viên HĐQT Nguyễn Văn Thắng và Ủy viên HĐQT Nguyễn Hồng Vân đại diện trao tài trợ tại tỉnh Bình Định. Phó Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch Công đoàn Nguyễn Văn Du đã đại diện trao tài trợ tại tỉnh Quảng Nam. Sau lễ tài trợ, lãnh đạo VietinBank đã trực tiếp tới thăm hỏi, động viên và trao tặng gạo cho các gia đình chịu thiệt hại lớn trong đợt bão lũ lần này.
Đắng lòng cảnh miền Trung sau lũ
Miền Trung vốn là rốn lũ của cả nước, phải chịu nhiều thiệt hại về thiên tai. Cơn bão số 10, 11 vừa qua đi thì cơn bão số 14 đã ập đến. Nhưng theo ghi nhận của chính quyền địa phương cũng như người dân, đợt mưa lũ trung tuần tháng 11 vừa qua được coi là đỉnh điểm trong nhiều năm trở lại đây. Áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, nước lũ lớn đổ về,Lượng nước lớn dâng nhanh, dồn dập đã khiến không ít người dân bị mất tích, tử nạn trong mưa lũ. Nhiều huyện, hàng trăm xã, hàng trăm ngồi nhà bị ngập sâu trong lũ, bị cô lập vì giao thông chia cắt. Hàng ngàn ngôi nhà bị tốc mái, đổ sập.Nhiều huyện 80 -90% hoa màu, cây lương thực của người dân bị mất trắng. Trong đó ba tỉnh chịu thiệt hại nặng nề nhất là Quảng Ngãi, Quảng Nam và Bình Định. Ước tính thiệt hại về người và của trong đợt mưa lũ vừa qua của ba tỉnh lên đến hàng ngàn tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Anh, sống tại thôn Giao Thủy, xã Đại Hoà, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam xúc động khi nhận gạo do VietinBank cứu trợ. Ông chia sẻ: Mấy ngày qua gia đình chúng tôi cơm không có ăn, áo không có mặc. Bão lũ về cuốn trôi hết mọi thứ, nhà cũng không ở được, phải đi ở nhờ nhà hàng xóm vùng lân cận trên cao. Ruộng vườn, gia súc, gia cầm, hoa màu cũng mất hết. Từ hôm lũ về đến nay, gia đình tôi chỉ ăn mì tôm của các đoàn cứu trợ. Nay có gạo chúng tôi vui lắm và không biết nói gì hơn là ngàn lần cảm ơn VietinBank.
Ông Phạm Văn Hiếu, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định cho biết: Đây là cơn lũ mang tính chất lịch sử, lớn nhất từ trước tới nay. Không một thôn, xã nào tại huyện Tuy Phước không bị thiệt hại. Ước tính thiệt hại sơ bộ của huyện là 500 tỷ đồng. Nhiều nhà dân bị sập, kể cả nhà kiên cố cũng bị sập, đường sá giao thông nhiều nơi vẫn chưa được thông. Thậm chí học sinh tại xã Phước Hòa của huyện chúng tôi đến hôm nay vẫn chưa thể đến trường để học tập.
Những hạt gạo sẻ chia nghĩa tình
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch HĐQT VietinBank Phạm Huy Hùng xúc động bày tỏ: Chúng tôi tin tưởng và hy vọng rằng sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, Nhà nước và sự hỗ trợ của đồng bào nhân dân cả nước nói chung và của VietinBank nói riêng sẽ góp phần xoa dịu những thiệt hại to lớn về người và tài sản do mưa lũ gây ra. Đồng bào nhân dân ba tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam và Bình Định sẽ phát huy những truyền thống tốt đẹp của địa phương, sớm vượt qua những khó khăn, tổn thất do mưa lũ gây ra nhanh chóng ổn định cuộc sống, khôi phục, xây dựng và phát triển kinh tế của địa phương.
Trong niềm hân hoan được đón nhận những cân gạo đượm nghĩa tình từ VietinBank, ông Võ Hồng Mạnh, trú tại xã Nghĩa Hưng, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Nhà tôi nước ngập sâu hơn 1m, toàn bộ gia súc, gia cầm đều bị lũ cuốn trôi. Lúa thì mọc mầm hết cả, còn gạo đều đã hỏng vì ngâm nước. Mấy ngày nay gia đình chỉ sống bằng mỳ tôm và nước lọc. Nghe được thông tin VietinBank cứu trợ gạo, tôi đã rất vui mừng. Nhờ số gạo Ngân hàng hỗ trợ, gia đình chúng tôi không còn lo bị đói nữa.
Đèo bao gạo do VietinBank tặng về nhà, chị Lê Thị Cước, người dân xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định chia sẻ: Gia đình tôi có 4 người, hai vợ chồng và hai con nhỏ. Đợt lũ vừa rồi đã luồn cát vào phần móng nhà khiến nhà tôi sập hoàn toàn. Các phòng đều đã hư hỏng nặng, không ở được. Gia đình 4 người hiện chỉ ở trong phần diện tích 30m2 còn lại. Đến xưởng mộc nhà tôi cũng bị lũ cuốn trôi toàn bộ gỗ và máy móc. Nhận được gạo cứu trợ của VietinBank, gia đình tôi vui lắm. Đây là món quà ấm lòng giúp gia đình tôi qua ngày trong hoàn cảnh ngặt nghèo hiện tại.
Cụ bà Lê Thị Mười, trú tại thôn Đồng Me, xã Đại Hòa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, mặc dù đã 80 tuổi nhưng cụ đã đến điểm cứu trợ gạo của VietinBank từ sáng sớm. Nhà cụ có hai sào ruộng nhưng lũ lên khiến hoa màu mất sạch. Cây đổ làm căn nhà của cụ cũng sập. Giờ có gạo ăn cụ mừng đến rơi nước mắt.
Ông Lê Hữu Lộc, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết: Toàn tỉnh Bình Định đang tập trung khắc phục hậu quả, trong đó ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là đảm bảo nhân dân có gạo ăn, có nước uống. VietinBank là đơn vị đầu tiên ủng hộ gạo cho nhân dân Bình Định. Xin cảm ơn nghĩa cử cao đẹp của cán bộ, nhân viên VietinBank dành cho chúng tôi. Chúng tôi hứa rằng với sự hỗ trợ hiện nay thì chúng tôi sẽ chuyển số hàng trợ cấp đến tận tay người thiệt hại đúng mục đích, đúng đối tượng.
Có thể nói, 4.000 tấn gạo do VietinBank ủng hộ là sự hỗ trợ kịp thời, thiết thực đối với người dân tại ba tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam và Bình Định. Đây không chỉ là một nghĩa cử cao đẹp thể hiện truyền thống tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách mà còn là những “hạt gạo nghĩa tình” chứa đựng tình cảm và trách nhiệm của gần 20 ngàn cán bộ, nhân viên, người lao động VietinBank. Thông qua nghĩa cử cao đẹp này, VietinBank muốn chung tay cùng Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các tổ chức và toàn xã hội khắc phục hậu quả lũ lụt để đồng bào chịu thiệt hại sớm ổn định cuộc sống sau trận mưa lũ.
Bên cạnh việc hỗ trợ đồng bào lũ lụt tại ba tỉnh kể trên, những năm qua VietinBank đã tích cực chia sẻ trách nhiệm xã hội, đóng góp hơn 4.000 tỷ đồng cho công tác an sinh xã hội tại khắp 63 tỉnh, thành trên cả nước. VietinBank đã xây dựng gần 30 ngàn ngôi nhà ở cho người nghèo; 855 cầu, đường giao thông nông thôn; Tài trợ 1.558 con trâu, bò cho các hộ nông dân nghèo; 54 công trình Nhà văn hoá sinh hoạt cộng đồng, phòng tránh thiên tai; 420 trường học, gần 500 phòng học và nhà ở nội trú cho học sinh dân tộc nội trú; 64 trạm y tế, 225 xe ô tô cứu thương và nhiều trang thiết bị y tế cho các bệnh viện, trạm y tế cho các huyện xã khó khăn…