30 năm chăm chồng mù, nuôi con đỗ đạt
(Dân trí) - Ở làng Kênh Cầu (xã Đồng Than, Yên Mỹ, Hưng Yên) có một người phụ nữ đã hơn 30 năm nay vất vả chăm người chồng thương binh mù cả hai mắt mà không một tiếng thở than. Đáng phục hơn, một tay chị còn nuôi 4 người con ăn học thành đạt.
Đến đầu làng Kênh Cầu, hỏi chị Đặng Thị Hiếu ai cũng biết. Chị có “tiếng” là một người vợ hiền, dâu thảo, một người mẹ đảm đang nuôi dạy con đỗ đạt. Bây giờ, gánh nặng trên vai chị đã vợi bớt phần nào khi các con chị đều đã thành đạt, chỉ còn thằng út đang học năm cuối đại học. Nhớ lại những tháng năm vất vả vì chồng, vì con, chị cũng không hiểu sao mình lại có được một nghị lực phi thường đến thế. Có lẽ nó xuất phát từ tình yêu đối với người chồng của mình, anh Đặng Công Tác.
Đóng quân tận Bình Thuận nhưng anh vẫn thường xuyên viết thư ra thăm hỏi chị và gia đình. Năm 1974, trong một trận chiến đấu, anh trúng phải đạn cối của địch. Bị sức ép và mảnh đạn bắn vào hai mắt, anh bị mù và điếc từ đó.
Sau trận đánh ấy, chị không hề nhận được một dòng tin nào của chồng nữa. Ở nhà, chị chỉ chăm chăm vào làm, không nề hà vất vả. Bà mẹ chồng nhớ con trai bao nhiêu thì cũng thương cho cô con dâu trẻ đẹp bấy nhiêu.
Cuối năm 1975, có một cô điều dưỡng ở đoàn an dưỡng 255 ở Hà Bắc viết thư về báo tin, chị mới biết chồng mình đang được điều trị tại đó. Khăn gói lên thăm, chị không giấu nổi xúc động khi chứng kiến người chồng của mình giờ đã thành người tàn phế. Thương tật của anh được các bác sỹ kết luận lên tới 92%. Người anh gầy rộc đi, chị nhìn anh mà không ngăn nổi dòng nước mắt.
Thế là, của nả trong nhà có bao nhiêu, chị đem bán hết, chạy vạy khắp nơi chữa bệnh cho chồng. Nghe ở đâu có thầy thuốc giỏi là chị lặn lội đến mời về. Nhưng bao thầy thuốc chị tìm đến cũng đều lắc đầu. Thương chồng, chị làm đơn xin đưa anh về nhà chăm sóc.
Để giúp chồng không bị mặc cảm vì cảnh mù loà và có nghị lực vươn lên, thời gian đầu, suốt ngày chị Hiếu chỉ ở bên anh động viên, tập cho anh dò dẫm đi lại trong nhà. Khi bình phục tinh thần, chị lại tiếp tục hướng dẫn cho anh làm việc từ quét dọn nhà cửa, giặt giũ đến nhổ cỏ, làm đất, đập lúa, xay thóc. Đi lại, làm được việc, anh Tác cũng cảm thấy vui, lạc quan, yêu đời, đỡ đần nhiều việc.
Những lúc trái gió trở trời, anh lại bị những mảnh đạn trong đầu hành hạ. Chị luôn là người bên cạnh động viên, an ủi chồng, giúp anh vượt qua cảm giác đau đớn ấy. Trong cuộc sống hàng ngày, chị vừa là “đôi mắt”, vừa là “đôi tai” của anh. Dù không nhìn thấy, không nghe thấy rõ, nhưng mọi chuyện trong nhà, ngoài ngõ, anh đều biết với sự giúp đỡ của người vợ hiền.
Một tay đưa 3 con vào đại học
Khó khăn, cực khổ, nhưng chị vẫn cố gắng cho các con mình ăn học đến nơi đến chốn. Bốn đứa con chị luôn hiểu và thương cho sự vất vả của mẹ, đứa nào cũng chăm chỉ học hành, đồng thời giúp mẹ rất nhiều việc gia đình.
Chị Hiếu tâm sự, vất vả nhất với chị là ngày mới đón anh về. Chị một tay chăm anh, một tay lo việc đồng áng. Rồi 4 đứa con lần lượt ra đời, đôi vai chị ngày thêm nặng trĩu.
Để nuôi chồng và 4 đứa con ăn học, ngoài việc tham gia công tác xã hội, làm thư ký đội mỗi tháng kiếm thêm vài cân thóc, chị còn nhận làm trên 1 mẫu ruộng. Từ việc cày bừa, gieo cấy, thu hoạch chị đều tự làm lấy chứ không bao giờ thuê ai. Chị nhặt nhạnh từng bông lúa, củ khoai, tích cóp từng đồng, nuôi chồng và lo cho các con ăn học.
Thấu hiểu nỗi vất vả và nỗi khao khát của mẹ, các con chị càng chú tâm chăm chỉ học hành hơn. Và rồi niềm vui ấy cũng đến với chị khi cậu con trai lớn Đặng Văn Hoàng thi đỗ vào trường Đại học Giao thông - Vận tải. Lần đầu tiên cầm giấy báo trúng tuyển đại học của con trên tay mà chị không tin vào mắt mình, suốt đêm chỉ khóc vì vui sướng.
Tiến Nguyên - Vi Lay