2.000 quyển vở đến với học sinh nghèo huyện Thới Lai
(Dân trí) - VP báo Dân trí tại TP. Cần Thơ kết hợp với Nhóm nhân ái Chia sẻ yêu thương ở TP. Hồ Chí Minh và Cần Thơ đến huyện Thới Lai trao 2.000 quyển vở tới các học sinh nghèo trường tiểu học Xuân Thắng, trường cấp 2,3 Trường Xuân.
Khoảng 9 giờ, PV Dân trí có mặt tại UBND xã Xuân Thắng, dù còn hơn 1 tiếng đồng hồ nữa mới đến giờ phát vở nhưng đã có hàng trăm phụ huynh, học sinh đến ủy ban ngồi đợi. Một số phụ huynh nhiệt tình cùng với cán bộ xã chuẩn bị bàn ghế, phông màn cho chương trình “Một triệu cuốn vở đến với học sinh nghèo, vùng sâu, vùng xa” sắp diễn ra.
Chia sẻ với PV, cha con anh Nguyễn Thanh Hiên - ấp Thới Hiệp B cho biết: “Nghe tin được nhận vở, cháu nó mừng lắm nên cứ nằng nặc đòi đi. Mấy hôm nay tui cũng định bán mấy con gà để mua sách vở cho cháu, cũng may báo Dân trí và các nhà hảo tâm đến tặng quà kịp thời nên gia đình tui đỡ phải lo khoản này, gia đình tôi biết ơn nhiều lắm!”
Chị Vân Đại - Trưởng nhóm Chia sẻ yêu thương trao tận tay các phần quà cho các học sinh nghèo trường tiểu học thị trấn Thới Lai
Theo nhà trường và UBND xã cho biết, 100% học sinh được nhận vở đợt này đều là con em của những hộ nghèo trong xã nên mỗi đầu năm học chuyện lo sách vở, quần áo, tiền trường, … đối với các phụ huynh nghèo là một gánh nặng không hề nhỏ.
Nhận được vở mới, em Nguyễn Thị Thiên Kiều – học sinh lớp 3 trường tiểu học Thị Trấn Thới Lai cười tươi cho biết: “Đến đầu năm học, để có tiền mua sách vở cho em đi học là ba mẹ em phải còng lưng đi làm thuê cả tuần lễ. Năm nay em được nhận số vở này cha mẹ em không phải lo chuyện sách vở nữa, em mừng và vui lắm!”
2.000 phần quà được nhóm "chia sẻ yêu thương" gói cẩn thận và xinh xắn
Cô Trương Thị Hồng Hạnh – Hiệu trưởng trường tiểu học Xuân Thắng cho biết, trường có 14 khối lớp với tổng số học sinh 450 học sinh, trong đó có đến 100 học sinh thuộc hộ nghèo. Mặc dù đa số gia đình các em học sinh thuộc diện khó khăn tuy nhiên năm học qua không có trường hợp nào bỏ học vì hoàn cảnh khó khăn.
Ông Nguyễn Văn Dũng – Phó chủ tịch xã cho biết, toàn xã có hơn 6.000 dân nhưng còn đến 222 hộ nghèo và trên 300 hộ cận nghèo. Đây cũng là nỗi trăn trở và quyết tâm của lãnh đạo xã trong việc xóa đói giảm nghèo, từng bước nâng cao dân trí, … tiến tới xây dựng nông thôn mới.
Sau khi Nhóm nhân ái Chia sẻ yêu thương trao 1.000 quyển vở kèm bút, thước, cặp… tới các học sinh nghèo trường tiểu học Xuân Thắng và trường tiểu học thị trấn Thới Lai, đoàn tiếp tục đến trường THCS và THPT Trường Xuân trao 1.000 quyển vở giúp các em học sinh nghèo nơi đây.
Tiếp đoàn, thầy Nguyễn Văn Lất – Phó hiệu trưởng trường cho biết: “Trường cấp 2,3 Trường Xuân mới tách ra được 1 năm nay (từ trường THPT Thới Lai) nên về cơ sở vẫn còn thiếu thốn nhiều. Nhưng điều nhà trường quan tâm hơn hết là điều kiện học tập của các em còn nhiều khó khăn, từ việc đi đứng, dụng cụ học tập, sách vở, …Các em còn phải cố gắng nhiều. Đa số gia đình các em sống bằng nghề nông, làm thuê, chật vật với cái ăn nên chuyện đầu tư cho con đi học là cả một vấn đề!”
Thầy Nguyễn Văn Lất trao vở đến các học sinh trường cấp 2,3 Trường Xuân
Theo thầy Lất cho biết, trường có tổng cộng 962 em học sinh nhưng số học sinh nghèo chiếm đến 30%. Nhưng trong năm học 2011 -2012 vừa qua, trường có 55 học sinh lớp 12 dự thi tốt nghiệp đầu tiên và 100% các em đều đỗ tốt nghiệp.
Thực tế, trường THCS và THPT Trường Xuân thuộc xã Trường Xuân B – đây là một xã nghèo, vùng sâu, vùng xa của huyện Thới Lai. Đặc điểm nổi bật của vùng đất này là sông ngòi chặt chịt, đò ngang cách trở. Vì thế đây cũng là lí do báo Dân trí bắc cây cầu mang tên Khuyến học và Dân Trí thứ 3 tại địa phương này.
Trước khi chia tay với đoàn, đại diện BGH và học sinh trường cấp 2,3 Trường Xuân, thầy Nguyễn Văn Lất bày tỏ lời cám ơn đến báo Dân trí, nhóm nhân ái “Chia sẻ, yêu thương” đã đến trường tặng những phần quà ý nghĩa (gồm: 1.000 quyển vở, sách giáo, quần áo cũ, bút, cặp, …) Ngoài ra, thầy Lất chúc cho trường trình: “Một triệu cuốn vở đến với học sinh nghèo vùng sâu, vùng xa” của báo Dân trí ngày càng phát triển để tiếp sức với các học sinh nghèo vào mỗi đầu năm học mới.
Ngô Nguyễn