1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

16 năm lặn lội vì con

(Dân trí) - Nhìn con quằn quại từng ngày chịu không nổi, cô Huỳnh Thị To lặn lội hết bệnh viện này đến bệnh viện khác mong tìm cách chữa trị cho đứa con nhỏ bị chứng bại não, co rút cơ nặng. Thấm thoát đã 16 năm…

Bất hạnh chất chồng bất hạnh

 

Sinh năm 1955, đến năm 1969, mới 14 tuổi cô bé Huỳnh Thị To con người chiến sĩ Ba Núi đã nối bước cha tham gia cách mạng, làm cô giao liên xinh đẹp tại quê hương mình, vùng đất Hưng Long, Bình Chánh, Sài Gòn (nay là xã Hưng Long, huyện Bình Chánh, TPHCM). Đến cuối năm 1969, giặc tấn công dữ dội, cô cùng chị em trong tổ giao liên tản cư lên chiến trường Phước Long, Bình Phước chờ tình hình dịu đi.

 

Năm 1971, cô tiếp tục trở về quê làm giao liên đưa đón bộ đội cho đến ngày giải phóng. Sau đó, cô kết hôn cùng anh bộ đội Huỳnh Văn Cá, chiến đấu ở chiến trường An Lộc - Bình Long. Vài năm sau, cô sinh được hai người con trai. Con đầu là anh Huỳnh Văn Hiếu (sinh 1980), con thứ 2 là Huỳnh Anh Khoa (sinh 1984). Dù cho Hiếu có hơi bị nghễnh ngãng, Khoa bị dị tật bàn tay 6 ngón, nhưng cuộc sống kể cũng còn may mắn.

 

Ngờ đâu, do ảnh hưởng của chất độc da cam bị nhiễm trong thời gian chiến đấu ở Bình Phước, liên tiếp 3 đứa con sau đều chết khi còn nhỏ, đứa lâu nhất thì nuôi được vài tháng, đứa mau chỉ sống được vài ngày. Đến cháu út là Huỳnh Anh Thế (sinh 1993) thì sống được, nhưng chẳng may lại mắc chứng bại não nặng, cơ gồng liên tục co rút (như bị chuột rút toàn thân), không thể đi đứng nói năng, tay chân càng ngày càng teo tóp lại…

 

16 năm lặn lội vì con - 1
 Mỗi lần phát bệnh, tay chân Thế co cứng lại, quằn quại lăn lóc trên giường.

 

Cô kể, lúc còn nhỏ, mỗi ngày Thế bị co rút cơ mấy chục lần. Đau lắm nhưng em chỉ chảy nước mắt, nước dãi và quằn quại, lăn lộn trên giường, miệng thì ú ớ chứ chẳng kêu la được tiếng nào. Nhìn con đau đớn mà đứt từng đoạn ruột. Không thể chịu đựng được nữa, cô bế con đi khắp các bệnh viện lớn nhỏ tìm phương cứu chữa.

 

Ban đầu cô cho Thế chữa tại Bệnh viện Nhi TPHCM. Mỗi năm cô đều đưa con lên chữa trị vài tháng, hết tiền thì về quê làm lụng dành dụm tiếp để năm sau đi. Năm nào làm được nhiều tiền thì cô bế con đến bệnh viện ở hẳn 5 - 7 tháng, năm ít tiền thì ở 1 - 2 tháng.

 

Ngày ngày chăm bón cho con ăn, nắn bóp toàn thân cho con, tập vật lý trị liệu, nắn cơ cho tay chân thẳng thớm… Những công việc này cô làm hầu như là 24 giờ mỗi ngày, 7 ngày mỗi tuần. Vì chứng cơ gồng có thể phát bất cứ lúc nào, càng ít nắn bóp cơ thì tần suất phát bệnh càng cao.

 

Chăm con được vài năm thì vốn liếng dành dụm thời trẻ của cô hết sạch, người chồng thì chán nản cảnh nhà khó khăn bỏ theo vợ bé, nhưng riêng cô vẫn bền lòng đưa con đi về, cố gắng chữa trị, giảm thiểu nỗi đau cho đứa con tật nguyền.

 

Nỗ lực không ngừng

 

Đến năm Thế 6 tuổi thì không thể chữa trị ở Bệnh viện Nhi được nữa, cô đưa em sang Trung tâm Phục hồi chức năng Lý Thường Kiệt. Lại tiếp tục những năm tháng bồng bế con đi về, nửa năm đưa con vào viện chữa bệnh, nửa năm hai mẹ con về nhà tự chăm sóc, tập luyện và làm lụng kiếm tiền đi bệnh viện tiếp.

 

Đến năm Thế 13 tuổi thì hầu như cô đã trắng táy, trong nhà chẳng còn gì, ruộng đất không còn một mẩu, chỉ còn một miếng đất cất căn lều rách nát cho mẹ con cô chui ra chui vào. Đúng lúc ấy Trung tâm Lý Thường Kiệt cũng không còn chữa trị miễn phí nữa, vì chương trình trợ cấp của nước ngoài đã hết, cô đành đem Thế về nhà tự lo.

 

Lúc này thế đã lớn, cô thì càng già yếu nên chăm sóc con cũng khó khăn hơn. Có khi Thế phát bệnh, cô ngồi bên nắn bóp bị Thế quật ngã, gồng siết đến thâm tím mình mẩy. Nhưng Thế nào muốn vậy, em không thể tự chủ được mình khi phát bệnh. Em rất yêu mẹ, điều ấy thể hiện rõ ở ánh mắt của em khi được mẹ săn sóc.

 

16 năm lặn lội vì con - 2

Căn nhà tình thương xây dang dở thì hết tiền.

 

Chẳng thế mà mỗi khi em không nghe lời, cô To chỉ cần dọa: “Ngày mai đi quận 12 nhé!” là em toét miệng cười và ngoan ngoãn lại ngay. Thì ra, Hội Nạn nhân Chất độc da cam/Dioxin TPHCM có hứa nếu cô không đủ sức chăm sóc Thế nữa thì để họ gửi sang một cơ sở từ thiện bên quận 12. Nhưng cô không muốn xa con, Thế cũng chẳng muốn rời mẹ.

 

Hết ruộng đất, hàng ngày cô đi làm mướn kiếm tiền sinh sống và nuôi con. Cô cho biết: “Ai thuê gì làm nấy, có khi đắp đất bờ ruộng, cắt cỏ, giặt quần áo thuê… Làm đủ ngày cũng được 40 ngàn, không đủ ngày thì 2, 3 chục”.

 

Hai đứa con lớn không phụ giúp được gì cho cô à? Cô chép miệng than: “Thằng Hiếu nghệnh ngãng nhưng cũng có gia đình riêng rồi. Khù khờ chẳng biết làm ăn gì, đi theo người ta làm mướn đủ ăn đã là may. Thằng Khoa thì chẳng được học hành gì, đi làm xí nghiệp lương tháng 800 ngàn cũng chỉ đủ cho nó sống. Nên cô phải cố gắng làm lụng nuôi mình với thằng Thế”.

 

Mỗi khi cô đi làm, Thế được đặt trên phản, do chú chó trung thành của gia đình bảo vệ. Cô cho biết, nếu không có cô thì con chó sẽ chẳng cho ai lại gần Thế, nó cũng sẽ giữ cho Thế không rơi xuống phản.

 

Chỉ cần lo được cho con là yên lòng…

 

Làm thuê làm mướn sống qua ngày, nhưng cô cũng tặn tiện dành dụm để một năm dành ra vài chục ngày đưa con đến các bệnh viện thăm khám xem có hy vọng gì không. Cô còn xin đóng nẹp chân cho Thế để con mình đứng được, nhưng bác sĩ không cho vì bệnh cơ gồng vẫn chưa hết, đóng nẹp rất nguy hiểm.

 

Nhờ nỗ lực trên, năm 2007 cô đã tìm thấy Hội Nạn nhân Chất độc da cam/Dioxin TPHCM, được Hội hỗ trợ xây nhà tình thương, hướng dẫn làm hồ sơ cho các con cô được hưởng trợ cấp hàng tháng diện nạn nhân chất độc da cam.

 

Tuy nhiên, cả năm đã trôi qua mà thủ tục vẫn chưa xong. Ngày chúng tôi đến, cô vẫn đang loay hoay với thủ tục, giấy tờ, phòng Lao động Thương binh Xã hội bảo thế này, xã bảo thế nọ nên vẫn chưa xong. Phóng viên Dân trí đã cùng cô đến xã xin gặp Chủ tịch xã làm thủ tục, nhưng vẫn chưa thể hoàn tất được vì nhiều giấy tờ cần xác minh lại, vì sự chênh nhau của giấy tờ cũ và mới, vì những quy định của ngành…

 

Hội Nạn nhân Chất độc da cam /Dioxin Thành phố hướng dẫn cô làm thủ tục xin trợ cấp cho cả 3 đứa con còn sống là Hiếu, Khoa và Thế. Nhưng cô bảo: “Hai đứa kia còn sức lao động, dù nghèo nhưng đủ sức nuôi sống mình, còn thằng Thế thì không. Vả lại, thủ tục khó khăn thế này, cô chỉ cần lo được cho nó là yên lòng…”.

 

Nhìn bà mẹ tất tả ngược xuôi, bao năm gian khó khiến trình độ đọc hiểu được con chữ của bà cũng đã không còn, nhưng vẫn phải tất bật với giấy tờ này, thủ tục nọ, lật tìm từng mảnh giấy chứng minh bệnh trạng của con, chứng minh hoạt động kháng chiến của mình… mà chúng tôi không khỏi đau lòng.

 

Bà chỉ mong “cho nó có khoản trợ cấp hàng tháng, để chẳng may cô có nhắm mắt xuôi tay, hai anh nó còn có cái để lo cho thằng em tật nguyền”.

 

Mong ước ấy sao vẫn còn gian nan quá! Gian nan như cuộc hành trình chữa chạy cho con của cô vậy…

 

Mọi sự giúp đỡ cô Huỳnh Thị To và Huỳnh Anh Thế xin gửi về:  

1. Cô Huỳnh Thị To - nhà số A6/4, tổ 5, ấp 1, xã Hưng Long, huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh

2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học và Dân trí - Báo điện tử Dân trí (Hà Nội)

Nhà 48, khu số 2 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội 
Tel: 04.7366.491/ Fax: 04.7366.490  
Email: quynhanai@dantri.com.vn

* Tài khoản VNĐ:

Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí

Số TK: 10 201 0000 220 639

Tại: Chi nhánh Ngân hàng Công thương Hoàn Kiếm Hà Nội

* Tài khoản USD:

Tên TK : Báo Khuyến học & Dân trí

Số TK : 10 202 0000 004346

Switch Code : ICBVVNVX106 639

Tại : Sở Giao dịch I – Ngân hàng Công thương Việt Nam

3. Văn phòng đại diện phía Nam của báo:

Lầu 1 - số 24 Trương Quốc Dung, P.8, Q.Phú Nhuận, TPHCM 
Tel: 08.844.5263 - 08.294.3896

 

Tùng Nguyên