Techcombank sẽ chia cổ phiếu thưởng ở mức 1: 2

(Dân trí) - Trong những ngày đầu tháng 6, thị trường chứng khoán đón nhận một mã chứng khoán được đánh giá hot nhất trong vòng 10 năm trở lại đây - mã TCB của Techcombank. Dù giá cổ phiếu TCB sụt giảm trong ba phiên giao dịch đầu tiên, song đã liên tiếp tăng trong các phiên sau đó.

Theo các nhà phân tích, đây đang là thời điểm tốt để sở hữu một cổ phiếu có giá trị tiềm năng như TCB, nhất là khi ngân hàng này đang chuẩn bị trình kế hoạch chia cổ phiếu thưởng ở mức kỷ lục 200% tại Đại hội cổ đông bất thường vào ngày 14/6.

Dư địa tăng trưởng cổ phiếu TCB vẫn còn mạnh

Trước khi chính thức chào sàn vào ngày 4/6, Techcombank đã trở thành một “hiện tượng” khi thu hút được 922 triệu USD từ các nhà đầu tư toàn cầu trong đợt chào bán cổ phiếu trước thềm niêm yết. Sau vài phiên giảm ban đầu, mã TCB đã bật tăng và cùng với một số cổ phiếu ngân hàng khác tiếp tục thể hiện vai trò dẫn dắt trên thị trường. Đến hết phiên ngày 12/6/2018, giá cổ phiếu TCB hiện ở mức 105.000 đồng/cổ phiếu.

Trên thực tế, việc giá cổ phiếu giảm trong những phiên đầu không nằm ngoài dự đoán của giới đầu tư. Thời điểm TCB lên sàn là lúc thị trường chứng khoán đang chững lại, sau khi tăng rất nhanh vào đầu năm, khiến cổ phiếu đối diện với những phiên điều chỉnh là điều khó tránh khỏi. Nhưng nguyên nhân chính là áp lực chốt lời từ các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Trên thị trường OTC, khoảng một năm trước, giá TCB chỉ khoảng 20.000 - 30.000 đồng/cổ phiếu. Và ngay khi lên sàn, giá cổ phiếu TCB đã được giao dịch ở mức tham chiếu 128.000 đồng/cp, tạo nên mức sinh lời khủng đến 500 – 600% chỉ sau gần 1 năm, khiến các nhà đầu tư khó có thể “cưỡng lại” sức hút chốt lời.

Techcombank sẽ chia cổ phiếu thưởng ở mức 1: 2 - 1

Nhưng theo các chuyên gia đầu tư chứng khoán, điểm “chốt lời” của người này có thể là điểm “phát lời” của người khác. Sở hữu một cổ phiếu có giá trị tiềm năng như TCB chưa bao giờ là muộn. Và các NĐT cần cân nhắc tìm đúng thời điểm để đầu tư. Theo đánh giá của các nhà phân tích, vẫn còn dư địa tăng trưởng cổ phiếu TCB, nhất là khi ngân hàng đã công bố về kế hoạch trình Đại hội đồng cổ đông bất thường thông qua phương án bổ sung vốn điều lệ từ lợi nhuận giữ lại, thặng dư vốn cổ phần, và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ của ngân hàng.

Sau khi thực hiện, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ tăng từ 11.655 tỷ đồng lên 34.956 tỷ đồng và tổng số lượng cổ phiếu sau khi tăng vốn sẽ là khoảng 3.5 tỷ cổ phiếu. Thủ tục sẽ được hoàn tất sau trong vòng khoảng 3 tuần kể từ ngày Đại hội cổ đông bất thường, tức khoảng đầu tháng 7. Theo đó, mỗi cổ đông đang sở hữu 1 cổ phiếu sẽ được nhận thêm 2 cổ phiếu mới.

Cơ hội cho nhà đầu tư dài hạn

Kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu lần này sẽ giúp tăng tính thanh khoản, tạo thuận lợi cho cổ đông và nhà đầu tư giao dịch trên sàn đồng thời giúp ngân hàng có thêm nguồn vốn để tái đầu tư phát triển mạnh mẽ hơn trong các năm tới. Tổng giám đốc Techcombank Nguyễn Lê Quốc Anh cho biết, vấn đề mà ban điều hành ngân hàng quan tâm nhất là tập trung vào phát triển chiến lược kinh doanh để có được dịch vụ tốt nhất đáp ứng nhu cầu khách hàng cao nhất. Khi đạt hiệu quả cao trong hoạt động thì mới có thể có được kết quả kinh doanh vượt trội, bứt phá. Và giá trị của Techcombank sẽ ngày càng tăng lên trong con mắt của các NĐT trong nước và quốc tế.

Cơ sở để cổ phiếu NH tiếp tục tăng trưởng chính là lợi nhuận ngày càng tích cực, quá trình xử lý nợ xấu đẩy nhanh hơn kể từ khi Nghị quyết 42 ra đời. Riêng Techcombank, ngoài ưu thế lợi nhuận tăng trưởng cao, toàn bộ khoản nợ xấu mua về từ VAMC đã được xử lý triệt để. Ngân hàng này còn có những lợi thế nổi trội hứa hẹn mang lại nguồn thu lớn, bền vững như ngân hàng dẫn đầu thị trường bán lẻ tập trung chủ yếu vào phân khúc khách hàng có thu nhập khá trở lên, thể hiện qua sự tăng trưởng mạnh mẽ về các loại hình dịch vụ như thẻ tín dụng, cho vay mua nhà để ở, mua ô tô và sản phẩm bảo hiểm liên kết với ngân hàng…

Cơ cấu tổng thu nhập hoạt động của Techcombank khá bền vững khi năm 2017 thu nhập ngoài lãi chiếm gần 45% tổng thu nhập hoạt động (TOI), trong đó thu nhập dịch vụ chiếm 23,3% và tăng gần 95% so với 2016. Năm 2017, Techcombank ghi nhận Tổng Thu nhập hoạt động 16,3 ngàn tỉ đồng, và Lợi nhuận trước Thuế (PBT) hơn 8 ngàn tỉ đồng. Năm 2018, Techcombank đặt mục tiêu doanh thu tăng 20%; lợi nhuận trước thuế ở mức 10.000 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2017.

Kết quả hoạt động trong các năm vừa qua khẳng định mục tiêu chiến lược và định hướng, cũng như năng lực triển khai của Ngân hàng. Tháng 4 vừa qua, hai tổ chức S&P và Moody’s nổi tiếng trên thế giới cũng đã đưa ra đánh giá độc lập và xác định vị thế dẫn đầu của Techcombank trong ngành ngân hàng bằng cách nâng xếp hạng tín dụng lên mức cao nhất trong nước; ngang bằng với mức xếp hạng của quốc gia. Điều này trùng hợp với kết quả đánh giá khảo sát của các tổ chức tư vấn hàng đầu thế giới như McKinsey hay Korn Ferry Hay Group, trong đó sức khỏe doanh nghiệp và mức độ hiệu quả nhân sự của Techcombank ở trong nhóm dẫn đầu trên thế giới trong ngành ngân hàng.

Một điểm đáng lưu ý là nhà đầu tư rót vốn vào cổ phiếu ngân hàng cần có tầm nhìn dài hạn, chú trọng vào khả năng sinh lời lâu dài chứ không phải “chốt lời sớm”. Tiêu chí quan trọng nhất đối với các nhà đầu tư cổ phiếu ngân hàng chính là giá trị của ngân hàng đó, vì vậy không nên đầu tư “lướt sóng” ngày một ngày hai, mà phải là một quá trình. Bởi, dù có thời điểm giá cổ phiếu đó trên thị trường giảm, nhưng giá trị ngân hàng không thay đổi và giá của kỳ vọng sinh lời vẫn gia tăng theo thời gian.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm