Tái cơ cấu ngân hàng và "hành trình" đi tìm chính mình
Ngân hàng Nhà nước khẳng định, nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2017 là tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của các TCTD.
"Hành trình" đi tìm chính mình
Năm 2011, năm đầu tiên thực hiện đề án tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng (giai đoạn 2011-2015) và đề án xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng Việt Nam. Ngân hàng Nhà nước đã công bố danh sách 9 tổ chức tín dụng yếu kém: SCB, Đệ Nhất, Tín Nghĩa, Habubank, Tienphongbank, GPBank, Navibank, TrustBank và Western Bank.
Trong đó, hầu hết các ngân hàng tiến hành sáp nhập, hợp nhất còn GPBank bị mua lại 0 đồng. 2 ngân hàng được tự tái cấu trúc bằng nguồn lực của chính mình là Navibank và TPBank. Hiện 2 ngân hàng này đã thay đổi tên và có những thành quả nhất định.
Điển hình với Navibank, quyết định tự tái cơ cấu của ngân hàng được thị trường đánh giá là quyết định táo bạo, tất yếu và rất khó khăn. Với sự tham gia của các cổ đông mới và các cán bộ quản lý, điều hành mới là những người có nhiều kinh nghiệm về quản trị ngân hàng cùng với sự quan tâm chỉ đạo của NHNN, hoạt động tái cấu trúc đã giúp ngân hàng này dần đi vào quỹ đạo ổn định.
Đầu năm 2014, ngân hàng này chính thức khoác lên mình "cái áo" mới: Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB), trụ sở chính cũng từ Nam tiến ra Bắc.
Với việc đẩy mạnh tái cơ cấu, tính đến thời điểm này, tổng tài sản của NCB ước đạt 65.243 tỷ, tăng 35% so với năm 2015. Hoạt động cho vay khách hàng ước đạt 27.363 tỷ, tăng 25% so với 2015. Huy động từ khách hàng ước đạt 43.700 tỷ, tăng 28% so với 2015. Lợi nhuận từ kinh doanh năm 2016 ước đạt vượt kế hoạch, tăng mạnh so với 2015; nợ xấu duy trì ở mức dưới 3%.
Đặc biệt, NCB cũng là ngân hàng có nhiều hoạt động đóng góp cho cộng đồng với hành trình thiện nguyện của Quỹ hoạt động cộng đồng do Tiến sỹ Nguyễn Tiến Dzũng khởi xướng trải dài trên 21 tỉnh thành trên cả nước.
Giai đoạn II của quá trình tái cơ cấu
Đề cập tới tái cơ cấu ngân hàng năm 2017, ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng phụ trách, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết: Trên cơ sở các kết quả đã đạt được của quá trình cơ cấu lại hệ thống các TCTD và xử lý nợ xấu trong giai đoạn vừa qua, cũng như việc phân tích, xác định các tồn tại, yếu kém của hệ thống các TCTD, NHNN đã xác định cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2017. Theo đó, NHNN đã xây dựng Đề án Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020.
Hiện nay, NHNN đang hoàn thiện Đề án theo chỉ đạo của Thường trực Chính phủ để báo cáo Bộ Chính trị. Trên cơ sở phê duyệt và chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ đối với Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020”, trong năm 2017, NHNN sẽ xây dựng kế hoạch cũng như tập trung nguồn lực để triển khai quyết liệt, toàn diện các giải pháp tại Đề án.
Đối tượng cơ cấu lại trong thời gian tới bao gồm tất cả các TCTD, trong đó có cả các NHTM mua bắt buộc (ngân hàng 0 đồng). Về nguyên tắc là đảm bảo ổn định hệ thống và bảo vệ quyền lợi người gửi tiền. Theo đó, các TCTD phải xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và triển khai thực hiện phương án cơ cấu lại. Riêng đối với các NHTM mua bắt buộc, NHNN đã có Đề án riêng trình Chính phủ, Bộ Chính trị.
Bên cạnh đó, các nhóm giải pháp cũng sẽ được chia thành các nhóm giải pháp cơ cấu lại các TCTD theo từng loại hình, bao gồm: Nhóm NHTM Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ; Nhóm NHTM Cổ phần, công ty tài chính và cho thuê tài chính; Nhóm TCTD nước ngoài; NH Hợp tác xã, Quỹ tín dụng nhân dân và các tổ chức tài chính vi mô.
Trong mỗi nhóm đều có các giải pháp cơ cấu lại đối với các TCTD lành mạnh và TCTD yếu kém.