Người dân trồng cà phê phấn khởi đón vốn vay từ dự án VnSAT

Trong bối cảnh nhu cầu tái canh cà phê của bà con Tây Nguyên là rất lớn thì nguồn vốn vay của dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững VnSAT được người dân trồng cà phê đánh giá là có nhiều ưu điểm vượt trội giúp bà con tự tin tái canh bền vững.

Người dân trồng cà phê phấn khởi đón vốn vay từ dự án VnSAT - 1

Ngân hàng Agribank chi nhánh Lộc An tiến hành thẩm định nhu cầu vốn tái canh của gia đình anh Nguyễn Văn Đô –Thôn Đức Quý – Xã Lộc An – Tỉnh Lâm Đồng

Dự án chuyển đổi Nông nghiệp bền vững VnSAT có tổng số vốn 300 triệu USD, trong đó 237 triệu USD vốn vay từ Ngân hàng thế giới (WB). Dự án có bốn hợp phần chính, gồm: Tăng cường năng lực thể chế phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp; phát triển lúa gạo, cà-phê bền vững và quản lý dự án.

Dự án chuyển đổi Nông nghiệp bền vững (VnSAT) được triển khai tại 5 tỉnh Tây Nguyên với mục tiêu hỗ trợ nông dân về kỹ thuật, công nghệ canh tác bền vững và tái canh cà phê, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân làm cà phê. Để thực hiện mục tiêu này Dự án đã thực hiện đồng bộ nhiều hoạt động trong đó có việc tháo gỡ bài toán nguồn vốn tái canh cho bà con nông dân.

400 triệu cho 1 hecta tái canh cà phê sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm

Hiện nay dự án VnSAT đang cung cấp nguồn tín dụng nhằm hỗ trợ các cá nhân, hộ gia đình tại 5 tỉnh Tây Nguyên vay để tái canh và ghép cải tạo vườn cà phê với mức cho vay tối đa hiện tại là 280 triệu đồng/ha (chưa bao gồm hệ thống tưới), và 400 triệu đồng/ha (đã bao gồm hệ thống tưới tiết kiệm); thời hạn cho vay tối đa 9 năm; lãi suất cho vay ở mức 6,5% trong thời gian ân hạn là từ 1 – 4 năm sau đó lãi suất được tính theo lãi suất thương mại.

Anh Nguyễn Văn Đô –Thôn Đức Quý – Xã Lộc An – Tỉnh Lâm Đồng:

“Gia đình tôi có vay 300 triệu để tái canh hơn 1 hecta cà phê từ nguồn vốn của dự án VnSAT. Tôi thấy nguồn vốn này cho vay thời gian dài đến 9 năm phù hợp với thực tế tái canh của bà con. Bên cạnh đó lãi suất lại chỉ có 6,5% trong 3 năm đầu như vậy là rẻ hơn đến 2% so với vay tín dụng nông nghiệp dài hạn thông thường ”.

Linh động trong việc xử lý tài sản đảm bảo

Một trong những cản trở lớn nhất khiến bà con nông dân các tỉnh Tây Nguyên khó tiếp cận nguồn vốn tái canh đó là nhiều hộ nông dân đã sử dụng sổ đỏ để thế chấp ngân hàng vay tiêu dùng, mặc dù hạn mức tín dụng của sổ vẫn còn nhưng không thể trả khoản nợ cũ để có thể vay vốn tái canh cà phê. Để giải quyết vấn đề này Ban quản lý dự án VnSAT trung ương đã tổ chức nhiều cuộc làm việc với các ngân hàng tham gia giải ngân nguồn vốn tín dụng của VnSAT nhằm tìm phương án tháo ghỡ. Sau hội nghị thúc đẩy dòng vốn tín dụng của Dự án VnSAT cho tái canh cà phê tại 5 tỉnh Tây Nguyên diễn ra vào T4/2017 đến nay vấn đề này đã được các ngân hàng giải quyết một cách linh hoạt giúp tháo ghỡ khó khăn cho bà con trong quá trình vay vốn

Ông Nguyễn Vũ Nhật Trường – Trưởng phòng kinh doanh của ngân hàng Agrilbank chi nhánh Lộc An – Tỉnh Lâm Đồng:

“Ví dụ nếu bà con đã có 1 tài sản cầm cố ở Ngân hàng Nông nghiệp với hạn mức vay là 500 triệu , đã vay tiêu dùng là 200 triệu và muốn vay tiếp 300 triệu để tái canh cà phê từ nguồn vốn VnSAT thì không cần phải trả khoản nợ cũ mà ngân hàng chúng tôi sẽ tạo điều kiện vay tiếp luôn và chỉ cần bổ sung thêm phụ lục vào hợp đồng vay vốn”.

Thủ tục nhanh gọn – Giải ngân trong vòng 48h

Để người dân có thể nhanh chóng tiếp cận nguồn vốn tín dụng tái canh ưu đãi , dự án VnSAT đã chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền, Hội nông dân, Hội phụ nữ, cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền, vận động các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân tích cực hưởng ứng chương trình, đồng thời tiến hành khảo sát nhu cầu vốn tái canh, cải tạo giống cà phê từ đó xây dựng “bản đồ” tái canh cà phê chi tiết đến đơn vị hành chính thôn, bản.

Công khai quy trình, thủ tục hồ sơ vay vốn, tạo mọi điều kiện thuận lợi, hướng dẫn thủ tục vay vốn đến từng tổ chức, hộ gia đình và cá nhân có nhu cầu, tăng cường cán bộ thẩm định cho vay đối với các địa bàn trọng điểm, đáp ứng kịp thời vốn đầu tư. Đồng thời phối hợp với Phòng Nông nghiệp, Trung tâm Khuyến nông của các huyện để nắm bắt công tác triển khai của địa phương, tư vấn cho khách hàng sử dụng vốn vay có hiệu quả.

Ông Trần Văn Yên – Trưởng ban Mặt trận thôn 9 – Xã Lộc An – Tỉnh Lâm Đồng:

“Bà con nông dân thôn 9 vay được nhiều từ nguồn vốn tái canh của dự án VnSAT, mỗi hecta tái canh vay được 280 triệu nếu có nhu cầu lắp hệ thống tưới tiết kiệm thì vay thêm được 120 triệu nữa. Lãi suất cho vay là 6,5% trong 3 năm đầu và lãi suất theo thị trường trong 6 năm còn lại. Như gia đình nhà tôi từ lúc nộp đơn xin vay vốn đến lúc được giải ngân thời gian chỉ có 2 ngày thủ tục rất nhanh gọn”.

Tính đến hết tháng 11 năm 2017 Dự án VnSAT đã giải ngân 258,4 tỷ VNĐ cho các tổ chức, hộ nông dân có nhu cầu vay vốn tái canh và ghép cải tạo cây cà phê. Nếu như trước đây, vốn tái canh là bài toán khó giải đối với người dân trồng cà phê thì với nguồn vốn tín dụng linh hoạt và ưu đãi của dự án VnSAT bài toán này đã có lời giải và góp phần đẩy nhanh quá trình tái canh cà phê ở Tây Nguyên.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm