“Gánh nặng” từ hợp đồng tín dụng mẫu
Quyết định áp dụng hợp đồng mẫu cho các tổ chức tín dụng (TCTD) được Bộ Công thương đưa ra nhằm bảo vệ người tiêu dùng (NTD) khỏi những khiếu kiện về lãi suất. Tuy nhiên, với việc áp dụng quy định này, nhiều tổ chức cho vay cũng đang oằn mình gánh thêm không ít phiền phức, những vướng mắc này đã tác động rất lớn đến quá trình phát triển kinh doanh cũng như trong đáp ứng nhu cầu của người dân.
Áp dụng hợp đồng tín dụng mẫu có khả thi?
Theo quyết định số 35/2015/QĐ-TTg các TCTD sẽ phải đăng ký mẫu hợp đồng, điều kiện giao dịch chung đối với các dịch vụ gồm: Phát hành thẻ ghi nợ nội địa, mở và sử dụng dịch vụ tài khoản thanh toán (áp dụng cho khách hàng cá nhân), vay vốn cá nhân (nhằm mục đích tiêu dùng).
Trên thực tế, Quyết định trên đã có hiệu lực vào cuối năm 2015 song do thực tế khó khăn của các ngân hàng nên cơ quản lý nhà nước đã đồng ý giãn thời gian thực hiện Quyết định này.
Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc điều hành Công ty Luật BASICO cho biết, thực thi quy định về đăng ký hợp đồng mẫu, các tổ chức cho vay sẽ chịu rất nhiều ảnh hưởng tiêu cực. Bởi việc đăng ký hợp đồng mẫu là điều kiện bắt buộc, hợp đồng chỉ được áp dụng cho NTD khi việc đăng ký được hoàn thành. Như vậy, ngân hàng sẽ phải chờ đợi một thời gian khá lâu (20 ngày làm việc) mới có thể nhận được quyết định chấp thuận hay không chấp thuận mẫu hợp đồng từ cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Các tổ chức cho vay sẽ gánh chịu rủi ro lớn trước những trục trặc pháp lý từ nghĩa vụ đăng ký mẫu hợp đồng. Với mỗi ngày giao dịch, vô số hợp đồng tín dụng tiêu dùng cũng như giao dịch thẻ… được tiến hành. Chỉ cần mẫu hợp đồng giao dịch, điều kiện giao dịch chung chưa đăng ký, ngân hàng sẽ lĩnh hậu quả vì giao dịch có thể bị tuyên vô hiệu.
Một khi các giao dịch vô hiệu, phần thiệt luôn thuộc về phía đơn vị cho vay vì khó mà thu hồi về phần lãi, phí. Trong khi, lãi và phí lại là mục đích tồn tại hoạt động trong kinh doanh của các tổ chức tín dụng.
Không chỉ riêng hệ thống ngân hàng, thời gian gần đây các công ty tài chính cũng đã lên tiếng phản đối bởi về việc áp dụng chung một mẫu hợp đồng. Họ dẫn chứng rằng, hiện nay có rất nhiều đơn vị cho vay tiêu dùng để NTD lựa chọn. Các thông tin về sản phẩm dịch vụ (chi phí, lãi suất…) đều được niêm yết công khai.Vì vậy, có thể tự do lựa chọn nơi có dịch vụ phù hợp với nhu cầu của mình để giao dịch.
Đồng tình với các quan điểm trên, giới chuyên gia cho rằng, sản phẩm, dịch vụ TCTD rất đa dạng, nên áp dụng chung một mẫu hợp đồng cho tất cả các lọai sản phẩm, dịch vụ là bất khả thi. Ví như trong lĩnh vực vay tiêu dùng, việc vay vốn cá nhân được thể hiện ở rất nhiều các loại sản phẩm tín dụng khác nhau. Trong đó, mỗi loại sản phẩm tín dụng này có một đặc thù riêng. Vì vậy, việc đăng ký Điều kiện giao dịch chung đối với loại địch vụ này là không phù hợp.
Mặt khác khách hàng có quyền đề nghị sửa đổi nội dung thỏa thuận trong hợp đồng theo đúng quy định. Nếu phải đăng ký lại sẽ gây khó khăn cho khách hàng, tổ chức cho vay cũng sẽ mất cơ hội kinh doanh, tốn kém chi phí, rủi ro pháp lý.
Cần nâng cao kiến thức tài chính tiêu dùng cho người dân
Quyết định áp dụng hợp đồng mẫu cho các TCTD được Bộ Công thương đưa ra nhằm bảo vệ NTD. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định, nếu chính những người đi vay không chuẩn bị sẵn cho mình kiến thức tài chính thì dù hợp đồng vay có theo một mẫu chung cũng không phát huy được hết hiệu quả như mong muốn.
Ở Việt Nam, khái niệm giáo dục kiến thức tài chính vẫn còn rất mới mẻ, từ việc xây dựng, quản lý, đến chi tiêu tài chính cá nhân. Do vậy, nâng cao kiến thức tín dụng tiêu dùng chính là việc hướng dẫn người dân kiến thức về tiền, cách làm ra tiền và chi tiêu sao cho đúng và hiệu quả. TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, bên cạnh việc khuyến khích các công ty tài chính mở rộng cho vay đối với tín dụng tiêu dùng, việc đào tạo kiến thức về tín dụng tiêu dùng ngay từ trên ghế nhà trường là một bước đi mang tính lâu dài.
“Việc làm này sẽ giúp người học ý thức được việc quản trị chi tiêu cá nhân ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường. Những kiến thức học được sẽ giúp hình thành thói quen quản trị tín dụng tiêu dùng và sẽ giúp ích rất nhiều cho cuộc sống sau này của mỗi người dân”, TS. Nguyễn Đức Thành nói.
Theo ThS. Nguyễn Tiến Thành, giảng viên khoa Tài chính – ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế – Đại học Quốc gia Hà Nội, tín dụng tiêu dùng đóng một vai trò quan trọng không chỉ đối với các cá nhân mà còn đối với tổng thể nền kinh tế – xã hội.
“Khi tín dụng tiêu dùng được quan tâm hơn, các cá nhân sẽ có kế hoạch quản lý tài chính phù hợp, khi đó, từ việc chi tiêu, tiết kiệm cho đến đầu tư trở nên hiệu quả hơn rất nhiều. Đây sẽ là đòn bẩy thúc đẩy phát triển các sản phẩm dịch vụ tài chính trên thị trường như: Tiết kiệm, bảo hiểm hay các sản phẩm đầu tư tài chính và nhất là tín dụng tiêu dùng.
Thông qua các nhà quản lý hay tư vấn tín dụng tiêu dùng, thông tin về sản phẩm sẽ được đưa tới các nhà đầu tư hay các cá nhân một cách nhanh nhất. Nhờ đó, nền kinh tế một lần nữa được hưởng lợi, phát triển nhanh và bền vững hơn”, ThS. Nguyễn Tiến Thành cho biết.
Hà Anh