Thị trường tài chính tiêu dùng hoang mang trước “giờ G”
Sự thiếu rõ ràng ở việc xác định đối tượng áp dụng đuôi “trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác” trong Bộ Luật Dân sự 2015 có thể ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của thị trường tài chính Việt Nam.
Bộ luật Dân sự 2015 sẽ chính thức có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2017. Trong đó, đáng chú ý, Khoản 1, Điều 468 của Bộ luật quy định: Lãi suất do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20% của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác.
Trước hết cần khẳng định, việc sửa đổi Điều 468, Bộ luật Dân sự về quy định trần lãi suất trong quan hệ vay mượn dân sự là hết sức cần thiết. Bởi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, các quy định của pháp luật cũng phải tiệm cận hơn với quy luật thị trường, đặc biệt là càng phải dự liệu được những tình huống sẽ nảy sinh khi thực hiện nền kinh tế thị trường đầy đủ. Và do đó, càng cần có nhiều công cụ để bảo vệ người dân, bảo vệ các hoạt động kinh tế lành mạnh.
Có ý kiến cho rằng, nếu chỉ quy định trần lãi suất vay mượn dân sự, mà không quy định trần lãi suất vay mượn thương mại (tức hoạt động tín dụng), thì sẽ làm nảy sinh sự “không công bằng”. Và rằng, nếu không quy định trần cho vay tín dụng thương mại, thì các ngân hàng sẽ đẩy lãi suất lên mức quá cao khiến doanh nghiệp không kiệt quệ vì không đủ sức. Khái niệm là như vậy nhưng về bản chất, hai loại hình vay mượn trên hoàn toàn khác nhau. Do vậy, khái niệm “công bằng”, nếu chỉ hiểu theo nghĩa là phải quy định trần như nhau, thì là một cách hiểu rất… “thiếu công bằng” đối với các định chế tài chính có chức năng hoạt động tín dụng như các ngân hàng thương mại, các công ty tài chính…
Bởi lẽ, các định chế tài chính này được thành lập và hoạt động theo những quy định khá khắt khe của luật chuyên ngành; cần có rất nhiều điều kiện đảm bảo sự an toàn khi hoạt động, phải chịu sự kiểm tra, giám sát thường xuyên của cơ quan quản lý chuyên ngành, cũng như của các thiết chế giám sát khác. Không chỉ vậy, họ còn phải công bố báo cáo tài chính thường niên, thậm chí theo quý cho cơ quan quản lý nhà nước…
Trong khi đó, hoạt động vay mượn dân sự (do Bộ luật Dân sự sửa đổi điều chỉnh) là một hoạt động tự do, nảy sinh trong vô vàn các quan hệ dân sự mà nếu không có một bên khởi kiện thì các hành vi vi phạm Luật Dân sự cũng… không được biết tới. Vì thế, không nên coi việc “áp đặt trần lãi suất” là một sự “công bằng”.
Ý kiến khác lại cho rằng, nếu không áp trần lãi suất thì làm cách nào để quản được việc các tổ chức tín dụng đẩy mức lãi suất cho vay lên cao? Để trả lời câu hỏi này không khó, bởi thực tế hiện nay, Ngân hàng Nhà nước vẫn luôn “quản” trần lãi suất thông qua việc quy định TLS huy động ngắn hạn, để đảm bảo tính hiệu quả của các chính sách tiền tệ khác như quản lý thị trường vàng, thị trường ngoại hối…
Hơn nữa, do hoạt động trong kinh tế thị trường, các định chế tài chính này cũng phải tuân theo các quy luật thị trường, mà trong đó, quy luật cung - cầu là yếu tố điều tiết mạnh mẽ nhất. Các định chế này theo đó cũng phải chịu tác động của yếu tố cạnh tranh. Vì vậy, việc định giá vốn (lãi suất chính) không thể do các tổ chức tín dụng hay tổ chức tài chính vi mô và quỹ tín dụng nhân dân tự định đoạt. Thay vào đó thị trường sẽ tự định đoạt mức lãi suất nào là hợp lý. Thị trường lại vốn luôn công bằng, nhiều khi “công bằng” đến mức khắc nghiệt.
Bày tỏ quan điểm về cách áp trần lãi suất một cách có hiệu quả, TS. Đỗ Văn Đại, Phó khoa Luật Dân sự, Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, chúng ta nên theo hướng phải có quy định về trần lãi suất cho vay nhưng giới hạn phạm vi điều chỉnh của nó.
Cụ thể hơn, vẫn giữ trần lãi suất cho vay trong Bộ luật Dân sự, nhưng không áp dụng trần lãi suất cho vay này đối với một số đối tượng vay. Việc xác định đối tượng không chịu sự chi phối bởi cho vay của Bộ luật Dân sự nên được tiến hành theo tinh thần sau: Vì trần lãi suất cho vay có chức năng bảo vệ bên vay nên những người có khả năng và nhận thức tự bảo vệ được mình khi vay với lãi suất cao thì pháp luật không cần can thiệp để bảo vệ. Những chủ thể vay có đủ nhận thức và phương tiện để chấp nhận vay với lãi suất cao thì chúng ta không nhất thiết phải dùng các quy định về trần lãi suất để bảo vệ họ.
Việc giải phóng lãi suất của các bên không ảnh hưởng xấu tới nền kinh tế nói chung, bởi như chúng ta đã thấy, không có cơ sở nào để khẳng định trần lãi suất cho vay có chức năng điều tiết mà chủ yếu là để hạn chế và xử lý việc cho vay nặng lãi nhằm bảo vệ bên vay.
Từ thực trạng trên, thiết nghĩ Nhà nước cần sớm ban hành thêm các Thông tư hướng dẫn thực hiện Bộ luật Dân sự 2015 cụ thể hơn, giúp người dân hiểu được rằng các tổ chức tín dụng được phép thực hiện theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, được phép thỏa thuận mức lãi suất vay tiêu dùng, khuyến khích hoạt động cho vay tiêu dùng phát triển, phục vụ cải thiện đời sống xã hội và góp phần phát triển nền kinh tế đất nước.
Hà Anh