Đà Nẵng: Toạ đàm về việc thực hiện nghĩa vụ theo pháp luật của ngân hàng

(Dân trí) - Ngày 29/6/2018, tại Đà Nẵng, diễn ra Tọa đàm “Đánh giá việc thực hiện Quy định pháp luật hiện hành về Các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ"

Chương trình toạ đàm về việc thực hiện các nghĩa vụ theo pháp luật của các ngân hàng vừa diễn ra trong ngày 29/6 tại Đà Nẵng
Chương trình toạ đàm về việc thực hiện các nghĩa vụ theo pháp luật của các ngân hàng vừa diễn ra trong ngày 29/6 tại Đà Nẵng

Chương trình do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp với Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) với sự tham dự của đại diện Ngân hàng nhà nước, các Ngân hàng thương mại cổ phần, Trung tâm Đăng ký giao dịch tài sản, văn phòng công chứng... đóng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Theo đó, tại buổi toạ đàm, các đại biểu đã nghe các diễn giả là các cán bộ, chuyên gia trong lĩnh vực trình bày các chuyên đề về thực tiễn áp dụng các quy định bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong Bộ luật Dân sự năm 2015; về thực trạng áp dụng các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ theo quy định hiện hành.

Trong đó, có một số nội dung nổi bật, thu hút nhiều ý kiến thảo luận như ý kiến của ông Nguyễn Thành Long - Phó Tổng Giám đốc VPBank, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng bàn về thực tiễn thực hiện các quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm - Những khó khăn gặp phải - Quan điểm của Ngân hàng thương mại; ý kiến về thực tiễn hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng hiện nay của ông Phan Ngọc Hà thuộc Khối Quản lý rủi ro -Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn khi bàn về “tín chấp”.

Ông Phan Ngọc Hà trình bày những khó khăn của các ngân hàng khi cho vay tín chấp - một trong những nghĩa vụ được quy định trong Bộ luật Dân sự 2015
Ông Phan Ngọc Hà trình bày những khó khăn của các ngân hàng khi cho vay tín chấp - một trong những nghĩa vụ được quy định trong Bộ luật Dân sự 2015

Theo ông Hà, “tín chấp” thực tế là dùng uy tín cá nhân để vay, không dùng tài sản để thế chấp, không gắn liền với bất cứ trách nhiệm về tài sản cụ thể nào; mặc dù có sự xác nhận của trưởng đơn vị ký, đóng dấu (nếu cá nhân làm việc tại các đơn vị nhà nước, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội...) nhưng trưởng đơn vị lại hoàn toàn không chịu nghĩa vụ trả nợ thay. Đây thật sự là khó khăn trong việc thu hồi nợ của các tổ chức tín dụng nếu có nợ xấu xảy ra.Ông Hà bày tỏ băn khoăn liệu có nên kiến nghị đến các nhà làm luật bãi bỏ nghĩa vụ này trong quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015

Giải đáp ý kiến của ông Hà, Tiến sĩ Hồ Quang Huy - Phó Cục trưởng, Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và giám sát việc thi hành pháp luật, Bộ Tư pháp - cho rằng "tín chấp" thường có liên quan đến khoản vay thấp, giữa cá nhân với các Ngân hàng Chính sách thường hay áp dụng, mục đích là giúp cho bà con, nhân dân ở những vùng sâu, vùng xa giải quyết những khó khăn nhỏ, tức thời, thực hiện đúng mục đích khoản vay... Do đó, TS. Huy cho rằng nên giữ lại nghĩa vụ này.

Trên cơ sở những góp ý và thảo luận tại Tọa đàm, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và IFC đã lắng nghe, tiếp thu các ý kiến đóng góp để có cái nhìn khái quát nhất, thiết thực nhất trong việc thực hiện các quy định về các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.

Thuỳ An

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm