Zalo hiện đã có mặt tại thị trường Myanmar?

Theo tiết lộ của ông Vương Quang Khải, người sáng lập của Zalo, sản phẩm này đã “âm thầm” tiến sang Myanmar vào giữa năm 2016.

“Tương lai của Zalo group sẽ như thế nào trong 5 năm nữa khi các lãnh đạo đều đã trên 30 tuổi?” - Một câu hỏi được chính nhân viên đặt ra với Vương Quang Khải cũng như đội ngũ lãnh đạo trong đợt Team building vừa diễn ra cuối tuần qua.


Tập thể Zalo group trong chuyến team building mới đây. Ảnh: FB Ngô Trần Hải An

Tập thể Zalo group trong chuyến team building mới đây. Ảnh: FB Ngô Trần Hải An

Trả lời cho câu hỏi này, ông Khải cho rằng con người muốn trẻ lâu thì phải thường xuyên tập thể dục, tổ chức muốn phát triển cũng cần luôn vận động. Truyền thống của Zalo group là liên tục đặt ra những thách thức đòi hỏi tất cả thành viên phải liên tục làm mới mình.

Ông Khải cũng chỉ ra rằng, nếu Zalo group không dũng cảm thay đổi thì hiện nay, những gì người Zalo có chỉ là website nghe nhạc nhiều người dùng nhất Việt Nam chứ không phải là hàng loạt sản phẩm đứng đầu thị trường mobile như Zalo, Zing Mp3, Zing.vn...

Ông Khải cũng tiết lộ rằng thách thức mới nhất của tập thể Zalo group là đưa sản phẩm Zalo tiến ra nước ngoài. Cụ thể là thị trường Myanmar.

Vào tầm giữa năm 2016, một nhóm dự án đã được thành lập để thực hiện mục tiêu nói trên. Người xung phong nhận trách nhiệm chính trong dự án này là ông Trương Anh Tuấn. Trước đây, ông Tuấn đã từng rất thành công trong khâu phân phối sản phẩm Zalo đến người dùng Việt Nam. Đảm nhận vai trò này nghĩa là ông Tuấn và các thành viên của dự án này gần như phải bắt đầu lại ở vạch xuất phát từ khâu nghiên cứu thị trường đến việc đưa ra chiến lược tiếp thị, phân phối sản phẩm.

Như vậy, sau khi có 50 triệu thành viên ở Việt Nam, sản phẩm này đã chính thức “xuất ngoại”. Tuy nhiên, việc duy trì thành công ở đất nước này không hề dễ dàng bởi ngoài việc cần phải am hiểu hành vi người dùng Myanmar thì Zalo còn phải tiếp tục cạnh tranh với Viber, Line, Beetalk hiện đã có mặt ở thị trường này từ rất sớm.

Ngoài ra, ông Khải cũng đặt ra "đề bài" đối với đội ngũ làm báo Zing.vn trong việc hướng đến thị trường toàn cầu, đưa ra những mục tiêu lớn hơn trong chiến lược phát triển.

Cũng trong dịp này, ông Khải cũng chia sẻ 4 niềm tin quan trọng mà theo ông đây sẽ là bốn yếu tố cần thiết để Zalo tồn tại và phát triển trong thế giới công nghệ.

(1) Thế mạnh của Zalo chính là nhân lực.

(2) Người Việt hoàn toàn có thể đạt đến đẳng cấp thế giới

(3) Internet là lĩnh vực thay đổi không ngừng nên những kinh nghiệm có thể chính là những rào cản cho việc tiếp cận cái mới. Do đó, người Zalo group cần phải luôn cởi mở với những ý tưởng mới, sẵn sàng học hỏi và tiếp cận vấn đề theo góc nhìn khác.

(4) Trong lĩnh vực Internet, những người càng trẻ càng có nhiều lợi thế. Ở Zalo, họ sẽ được tạo cơ hội để học hỏi và phát triển.

Theo Ictnews