1. Dòng sự kiện:
  2. Triển lãm CES 2025

Ý định bắt Apple sản xuất iPhone tại Mỹ của Donald Trump liệu có thành hiện thực?

(Dân trí) - "Tôi sẽ mang việc làm lại cho chúng ta. Tôi sẽ buộc Apple sản xuất máy tính, và iPhone của họ trên nước Mỹ, chứ không phải là Trung Quốc." Lời "hứa hẹn" này của tỷ phú Trump được ông phát biểu nhiều lần trong chiến dịch tranh cử tổng thống, gây ra nhiều tranh cãi trong dư luận xung quanh việc điều này có thể thành sự thực hay không?

Ý định bắt Apple sản xuất iPhone tại Mỹ của Donald Trump liệu có thành hiện thực? - 1

Vào hôm thứ 3 vừa qua, ứng viên tổng thống Mỹ thuộc đảng Cộng hòa là ông Donald Trump đã tiếp tục khẳng định rằng ông sẽ buộc Apple sản xuất iPhone trên đất Mỹ, thay vì tại Trung Quốc như trước đây. "Chúng ta sẽ được lợi điều gì khi họ (Apple) sản xuất iPhone tại Trung Quốc?", Trump nhấn mạnh.

Ý tưởng về những chiếc iPhone made in USA đã được nhắc đến rất nhiều trước đây, và đáng lưu tâm nhất là lần Tổng thổng Mỹ Barrack Obama đã đưa một câu hỏi tương tự cho CEO Steve Jobs trong một bữa tiệc ở thung lũng Silicon năm 2011. Tuy nhiên, đại diện từ phía Apple cho biết, đây không phải là một điều khả thi, bởi những yếu tố sau:

Khó khăn với các nguồn cung cấp linh kiện

Ý định bắt Apple sản xuất iPhone tại Mỹ của Donald Trump liệu có thành hiện thực? - 2

Nếu Apple lắp ráp iPhone tại Mỹ, họ sẽ gặp rất nhiều khó khăn với các nguồn cung cấp thiết bị. Một chiếc iPhone thực tế được cấu thành từ hàng trăm bộ phận khác nhau như chip xử lý, pin, mô-đun camera, màn hình, và nhiều linh kiện khác nữa. Trong đó, có hơn 90% không được dán mác Mỹ, mà hầu hết đến từ các quốc gia Đông Á.

Nếu như đặt nhà máy sản xuất chính tại Mỹ, Apple sẽ phải đợi nhiều ngày, thậm chí hàng tuần để chuyển linh kiện từ Trung Quốc sang Mỹ. Điều này sẽ khiến các sản phẩm của Apple bị chậm trễ hơn nhiều so với dự kiến và phải rất khó khăn để duy trì đều đặn số lượng.

Nhân công tại Trung Quốc tốt hơn

Ý định bắt Apple sản xuất iPhone tại Mỹ của Donald Trump liệu có thành hiện thực? - 3

Nhân công là yếu tố cốt lõi thúc đẩy các hoạt động sản xuất của Apple diễn ra trơn tru và hiệu quả. Trung Quốc có nguồn cung nhân công lớn hơn Mỹ rất nhiều và công nhân của Trung Quốc có những kỹ năng cần thiết để chế tạo các thiết bị phức tạp mà không phải mất quá nhiều chi phí cho họ. "Nhân công Trung Quốc có một khả năng tập trung đến phi thường vào công việc sản xuất tại nhà máy", CEO Tim Cook chia sẻ tại một buổi họp báo.

Như vậy nếu vừa muốn đặt nhà máy tại quê nhà và đảm bảo chất lượng sản xuất, Apple sẽ buộc phải bố trí việc làm và chỗ ở cho hàng ngàn nhân công Trung Quốc tới Mỹ, hoặc phải đầu tư một khoản tiền khổng lồ để tìm kiếm, đào tạo nhân công Mỹ. Cả 2 điều này đều sẽ khiến Apple gặp rất nhiều khó khăn về mặt tài chính.

Bên cạnh đó, làm thêm giờ cũng là một tiêu chuẩn cơ bản tại Trung Quốc, khi mỗi công nhân hầu như đảm bảo trung bình 60 tiếng lao động mỗi tuần, nếu không tính các trường hợp đặc biệt. Phí nhân công tại Trung Quốc cũng rẻ hơn rất nhiều nếu so sánh với điều kiện tại Mỹ.

Vị trí nhà máy tại Trung Quốc tiện lợi hơn

Ý định bắt Apple sản xuất iPhone tại Mỹ của Donald Trump liệu có thành hiện thực? - 4

Mô hình chuỗi nhà máy của Apple tại Trung Quốc về cơ bản là linh hoạt hơn rất nhiều so với việc đặt chúng tại Mỹ. Điển hình như việc hầu hết nhân công tại Trung Quốc ở tại ký túc xá gần nhà máy. Do đó nếu có một sự thay đổi nào trong lịch làm việc, công việc có thể được bắt đầu ngay lập tức - ngay cả trong đêm khuya. Có thể nhiều người không đồng thuận với mô hình này, nhưng nó chính là thực tế mà chuỗi cung ứng sản phẩm của Apple đang áp dụng.

Một trưởng bộ phận của Apple từng chia sẻ rằng chuỗi sản xuất của họ tại Trung Quốc mang đến "tốc độ và sự linh hoạt ấn tượng" - điều mà theo ông không một nhà máy nào tại Mỹ có thể đáp ứng được.

Apple có chấp nhận đặt nhà máy sản xuất iPhone tại Mỹ?

Ý định bắt Apple sản xuất iPhone tại Mỹ của Donald Trump liệu có thành hiện thực? - 5

Những yếu tố kể trên không nhằm đề cập tới sự phụ thuộc của Apple vào nguồn lao động "rẻ mạt", hiệu quả cao của Trung Quốc để có thể tạo ra được một chiếc iPhone. Nhưng với những bất lợi và rủi ro về mặt kinh tế, nhân công, hay chậm trễ trong khâu vận chuyển linh kiện khi đặt nhà máy tại Mỹ, thì một công ty công nghệ hàng đầu như Apple, vốn luôn đề cao tính lợi nhuận thu được sẽ không bao giờ chấp nhận và liều lĩnh "đổi mình".

Tất nhiên, chúng ta cũng không thể biết được những điều mà Trump có thể làm nếu ông trở thành đương nhiệm tổng thống Mỹ và thực hiện hóa tuyên bố trên. Trước đây, tỷ phú này từng đề nghị chính phủ Mỹ thiết lập mức thuế nhập khẩu lên tới 45% từ thị trường Trung Quốc, nhưng nếu nó thực sự được áp dụng, sẽ có rất nhiều doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng chứ không riêng gì Apple.

Một hướng tốt hơn được các nhà phân tích khác đề ra để Apple có thể đưa một vài công đoạn sản xuất về Mỹ đó là giảm thuế. Apple hiện nay đang giữ một khoản tiền đầu tư gần 200 tỷ USD đặt tại nhiều quốc gia trên thế giới, nhằm tránh đối mặt với mức thuế là 35% tại Mỹ. Trên thực tế, đây chính là rắc rối lớn nhất khiến Apple không muốn đưa toàn bộ mô hình sản xuất về nước. CEO Tim Cook cũng đã nhiều lần điều trần trước Nhà Trắng, yêu cầu một sự "đơn giản hóa" trong các điều luật thuế doanh nghiệp nhưng chưa được thông qua.

Cuối cùng, những luận điểm về yêu cầu bắt Apple dời nhà máy về Mỹ của tỷ phú Donald Trump dường như đang trở thành vũ khí chống lại chính ông trong quá trình tranh cử tổng thống. Nó cho thấy sự thiếu hiểu biết của ông về chuỗi cung ứng toàn cầu, và đặc biệt là các công đoạn để sản xuất một chiếc máy tính, cũng như smartphone. Bên cạnh đó Trump cũng "mất điểm" khi không giữ được lập trường cứng rắn của mình, khi vẫn "tweeting" bằng iPhone cá nhân, mặc dù đã kêu gọi tẩy chay các sản phẩm của Apple trong cuộc chiến với FBI gần đây.

Nguyễn Nguyễn

Ý định bắt Apple sản xuất iPhone tại Mỹ của Donald Trump liệu có thành hiện thực? - 6