Xiaomi tấn công thị trường Việt Nam liệu có khả thi không?
(Dân trí) - Hôm qua, thương hiệu Xiaomi chính thức công bố về một chiếc smartphone được cho là nhanh nhất thế giới hiện nay mang tên Mi4 đồng thời cũng công bố sẽ bán chính thức sản phẩm này tại Việt Nam.
Chia sẻ tại sự kiện, thương hiệu đến từ Trung Quốc này cho biết, họ đang có kế hoạch sẽ tấn công vào các thị trường mới ở Đông Nam Á, đặc biệt như Singapore, Indonesia hay Việt Nam. Với điều này, có thể thấy rằng, trong thời gian tới đây, nhiều khả năng thương hiệu này sẽ tấn công người dùng Việt bởi họ luôn nổi tiếng về mức giá rẻ cùng cấu hình mạnh mẽ, hơn hẳn so với các thương hiệu khác. Điều này phù hợp tại những đất nước đang phát triển, ở những nơi người dùng đang cần một chiếc smartphone tốt với mức giá phải chăng.
Sao lưu ứng dụng tin nhắn SMS và chuyển về IP ở Trung Quốc
Tuy nhiên, một điều mới bất ngờ xảy ra, theo trang tin Ocworkbench, một nhóm nghiên cứu của IMA Mobile (Hồng Kông) phát hiện ra một điều khá bí ẩn đến từ dòng sản phẩm smartphone của Xiaomi, cụ thể là sản phẩm Redmi Note. Theo đó, chuyên gia Nenny Li kiểm tra và phát hiện trên dòng sản phẩm này đã cài sẵn một ứng dụng chạy ngầm "giúp" người dùng có thể đồng bộ hoá và sao lưu các thông tin cá nhân như tin nhắn SMS, hình ảnh hay các tập tin đa phương tiện... đồng thời nó tự động gửi về một máy chủ đặt tại Trung Quốc. Mặt khác, theo Li, việc đồng bộ hoá và chuyển các tập tin này về máy chủ ở Trung Quốc chỉ được thực hiện bằng Wi-Fi, trong khi đó ở chế độ 3G thì máy không gửi để tránh sự phát hiện của người dùng.
Những IP này đến từ Trung Quốc
Một điểm khá đặc biệt mà Li đã chia sẻ thêm, đó là việc khi tiến hành Root máy (can thiệp sâu vào hệ thống của sản phẩm), nhóm nghiên cứu của IMA Mobile đều không thể xoá được ứng dụng này. Chính vì vậy, Li cho rằng phần mềm chạy ngầm này được tích hợp vào trong firmware và người dùng không thể xoá bỏ được ứng dụng trên. Trong nghiên cứu, các sản phẩm Redmi Note được thử nghiệm là phiên bản dành cho thị trường hồng Kông, Đài Loan và Trung Quốc đều dính ứng dụng chạy ngầm này.
Ngoài ra, IMA Mobile cũng cho biết, họ hiện chỉ mới thử nghiệm trên Redmi Note và phát hiện một ứng dụng chạy ngầm khá bí ẩn trên, chưa biết các dòng sản phẩm khác của Xiaomi có cài sẵn ứng dụng trên hay không. Vi thế, người dùng đang sở hữu sản phẩm của Xiaomi hãy kiểm tra lại thiết bị của mình để kịp thời ngăn chặn và tránh vấp phải các sự cố đáng tiếc có thể xảy ra.
Với thông tin mà nhóm nghiên cứu của IMA Mobile, càng làm cho người tiêu dùng cảm thấy bất an khi phải tiếp nhận một sản phẩm đến từ Trung Quốc, đặc biệt là Xiaomi khi muốn tấn công thị trường Việt. Việc tấn công vào thị trường Việt đối với Xiaomi liệu có khả thi hay không?
Trước đó không lâu, những dòng sản phẩm đến từ Trung Quốc được phát hiện ra hàng loạt bàn là, nồi cơm điện, quạt, ấm đun nước xuất xứ Trung Quốc… có gắn chip theo dõi người dùng, nghe lén, khai thác thông tin và tải về máy chủ nước ngoài thông qua mạng Wi-Fi không đặt password.
Các thiết bị bí mật phần lớn được sử dụng để phát tán virus, bằng cách kết nối với các máy tính sử dụng mạng Wi-Fi không có mật khẩu bảo vệ trong phạm vi 200m. Sau khi xâm nhập vào các máy, virus có thể đánh cắp dữ liệu và gửi tới trang chủ ở nước ngoài.
Hay ứng dụng Wechat tích hợp bản đồ “đường lưỡi bò” và “ép” người Việt sử dụng. Trước khi bị phát hiện, phần mềm Trung Quốc này được sự quan tâm và nhiều người dùng Việt sử dụng. Tuy nhiên, "âm mưu" bị phát giác và Wechat ngay lập tức bị người dùng tẩy chay. Trên các diễn đàn, mạng xã hội… nhiều người nói “không” với Wechat dù nó cũng có một số ưu điểm.
Do đó, liệu người dùng Việt còn tin tưởng để sử dụng một sản phẩm như smartphone luôn chứa đựng các thông tin cá nhân, đời tư... mà bị nhà sản xuất lén thu thập và quản lý, rồi một ngày nào đó không xa, các thông tin này xuất hiện đầy rẫy trên mạng. Do đó, người dùng cần cân nhắc rõ ràng lợi ích sử dụng, tránh ham rẻ và tỉnh táo khi lựa chọn một chiếc smartphone.
Phan Tuấn