Windows, Office Việt hóa: Nhiều hơn mong đợi?

Sau hai năm nghiên cứu, hãng phần mềm Microsoft đã chính thức ra mắt hai sản phẩm hoàn thiện Windows XP và Office 2003 đã được Việt hóa.

Sản phẩm sẽ được công bố với thị trường VN vào ngày 12/4 (tại Hà Nội) và 14/4 (tại thành phố Hồ Chí Minh). Ngay lập tức, bản Windows XP Việt hóa sẽ được cung cấp miễn phí trên http://www.microsoft.com/vietnam/ đối với khách hàng đã mua bản tiếng Anh có bản quyền.

 

Mức độ Việt hóa này cũng tương đương với mức độ bản địa hóa Windows XP và Office 2003 của các nước trong khu vực Đông Nam Á là: Malaysia, Indonesia, Ấn Độ, nhưng vẫn còn "thua" so với mức bản địa hóa toàn phần của một số nước khác như: Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc, Pháp...

 

Theo như thông báo ban đầu của Microsoft, hai sản phẩm Windows XP và Office 2003 sẽ chỉ được Việt hóa ở cấp độ LIP, tức là giai đoạn II trong lộ trình bản địa hóa sản phẩm mà Microsoft đề ra, có nghĩa: Ngôn ngữ tiếng Việt sẽ có toàn bộ trên giao diện sản phẩm, các menu hướng dẫn, các thông báo lỗi, hộp hội thoại,....nhằm trợ giúp ban đầu với người sử dụng máy tính đơn giản.

 

Tuy nhiên, sản phẩm hoàn thiện mà Microsoft sắp ra mắt đã được mở rộng và  tích hợp thêm một số tính năng cao hơn.

 

Việt hóa nhiều hơn mong đợi...

 

Các thành phần được Việt hóa trong hai sản phẩm Windows XP và Office 2003 bao gồm: toàn bộ giao diện sản phẩm, các menu hướng dẫn, thư viện ngôn ngữ động (Main DLLs), hướng dẫn cài đặt, các thông báo lỗi, các thông báo về bảo mật và cập nhật vá lỗi (Security and Hot fixes), màn hình Windows, trình duyệt Internet Explorer, ứng dụng nghe nhạc MediaPlayer, Windows Movie Maker, và những tính năng mới nhất trong Windows XP SP2. 

 

Trong đó, ứng dụng Media Player không chỉ là Việt hóa phiên bản hiện thời 8.0 trong Windows XP mà trình ứng dụng này sẽ được tự động Việt hóa khi người sử dụng tải các phiên bản cập nhật như: Media Player 9 và Media Player 10.

 

Một cố gắng đặc biệt của Microsoft và những đối tác thực hiện tại Việt Nam là họ đã cùng nhau xây dựng được tính năng kiểm tra lỗi chính tả khi gõ tiếng Việt, đi sâu vào sự phức tạp của tiếng Việt với các đơn âm tiết, đa âm tiết và các quy tắc bỏ dấu hiện vẫn còn nhiều tranh cãi trong giới ngôn ngữ học và giới CNTT của Việt Nam. Hệ thống spelling và từ điển tiếng Việt trong Word và Power Point đã làm việc tương đối hiệu quả và đưa ra các đề nghị thay thế hợp lý.

 

Ngoài ra, các thành phần khác được Việt hóa trong Windows XP bao gồm: Nhóm Control Panel (Pa-nen điều khiển), nhóm Game (Trò chơi), Accessibility Wizard (Thuật sĩ trợ năng), Calculator (Máy tính tay), Disk Space Cleanup (Dọn đĩa), Character Map (Bản đồ ký tự), Private Character Editor (Trình soạn thảo ký tự riêng), Windows Explorer (Khám phá), Internet Connection Wizard (Thuật sĩ kết nối Internet), Magnifier (Kính lúp), Files and Settings Transfer Wizard (Thuật sĩ chuyển tệp và thiết đặt), Paint, Remote Desktop Connection (Kết nối máy tính để bàn từ xa), Notepad, Backup Utility (Tiện ích Sao lưu), On-Screen Keyboard (Bàn phím trên màn hình), Sound Recorder (Máy ghi âm), Volume Control (Chỉnh âm lượng), Task Manager (Trình quản lý tác vụ), WordPad, Internet Explorer. Bốn ứng dụng trong Office 2003 được Việt hóa bao gồm: Word, Excel, PowerPoint và Outlook, trong đó, Word được Việt hóa nhiều và kỹ hơn.

 

2145 thuật ngữ CNTT tiếng Việt! 

 

Ngay từ những ngày đầu khi bắt tay vào dịch các từ tiếng Anh trong hai sản phẩm Windows và Office sang tiếng Việt, những người thực hiện đã gặp phải rắc rối. Nhiều tên gọi chức năng và hiệu lệnh thường dùng đôi khi tưởng như quá dễ hiểu, nhưng thực tế, đó là lại là những từ tiếng Anh quá quen thuộc, quá ngắn gọn, không biết giải thích đủ ý ra sao hơn là dịch tiếng Anh ra ...tiếng Anh. 

                                                  

2145 thuật ngữ CNTT tiếng Việt với 355.000 từ trong Windows XP và 270.000 từ trong Office 2003 là thành quả của việc các cộng sự Microsoft VN bắt đầu dịch sơ, rồi đưa lên diễn đàn Internet, để cộng đồng những người làm CNTT Việt Nam đóng góp và lựa chọn chính xác trong thời gian hai năm.

 

Hai đối tác chính Việt Nam chính của Microsoft là công ty eDT, trung tâm ViTech. Ngoài ra, còn có một số cá nhân đại diện các cơ quan khác như: ông Ngô Trung Việt (Viện CNTT), ông Nguyễn Trung Dũng (Viện CNTT), bà Ngô Ánh Tuyết (Nhà xuất bản Giáo dục),...Để có thể can thiệp sâu vào trong và khiến sản phẩm có giá trị chất lượng tương đương với những sản phẩm đã bản địa hóa tại các nước khác, các đối tác VN này cũng phải kết hợp để sử dụng những công cụ (tool) của các lập trình viên Microsoft tại Mỹ.

 

Microsoft cho biết, những công cụ lập trình để phát triển phần mềm dựa trên nền tảng Windows và phù hợp với hệ điều hành và Office tiếng Việt vẫn không có gì thay đổi so với các công cụ, mã nguồn... trước đây trên bản tiếng Anh.

 

Giá thành chưa giảm


Được biết, mức giá hiện tại mà Microsoft đưa ra cho các đại lý cho từng bộ sản phẩm Việt hóa này là không thấp hơn so với các bản tiếng Anh.

Microsoft tuyên bố sẽ cung cấp miễn phí bản Windows XP tiếng Việt trên mạng Internet cho những khách hàng đã mua bản tiếng Anh có License, để họ có thể cài thêm (add-on) lên trên nền sản phẩm tiếng Anh mà họ đã cài, nhưng không có chính sách này đối với Office 2003 tiếng Việt.

 

Còn sản phẩm Windows XP và Office 2003 tiếng Việt nguyên bộ (tức: cài đặt từ đầu, không dựa trên bản tiếng Anh) sẽ được bán ra cho hai đối tượng người dùng Việt Nam với hai mức giá chênh lệch, giá bình thường với người sử dụng bình thường và các doanh nghiệp và giá ưu đãi 70 – 80% đối với người sử dụng thuộc ngành giáo dục đào tạo.

 

Theo Vietnamnet