Wiki Việt ngữ - giấc mơ pho tư liệu khổng lồ của người Việt
Các chuyên gia Học viện báo chí thế giới thừa nhận Wikipedia, bách khoa toàn thư mở duy nhất hiện nay, đang là hiện tượng nóng nhất trong thế giới ảo. Số lượng thành viên sống cùng nó ngày càng tăng. Trong đó, cộng đồng người Việt cũng có những đóng góp vì niềm say mê của mình.
Nguyễn Xuân Minh, 18 tuổi, là học sinh Mỹ gốc Việt ở Loveland, Ohio. Minh là một trong những người thành lập dự án Wiki tiếng Việt và hiện là tổng quản lý. Nguyễn Xuân Minh kể lại: "Lần đầu tiên tôi đến Wikipedia bằng tiếng Anh khi tìm kiếm trên mạng Google về thứ tự truyền quyền tổng thống của Mỹ (United States presidential line of succession). Khi nhìn thấy nút "sửa" tôi đã mừng run lên vì không nghĩ là mình có thể chỉnh sửa một bộ bách khoa thư lớn đến vậy".
Wiki tiếng Việt có địa chỉ là vi.wikipedia.org. Hiện nay bộ bách khoa này đã có 2.755 bài và 1.122 ảnh. Mục đích của Wikipedia là biên soạn một từ điển bách khoa mà mọi người có thể tự do sử dụng. Điều này có nghĩa là nội dung của từ điển bách khoa Wikipedia có thể được tự do sửa đổi, sao chép hoặc tán phát đi nhiều nơi bởi tất cả mọi người với điều kiện có sự ghi chú về nguồn là Wikipedia. |
Thời gian sau đó, lang thang trong pho sách khổng lồ của cộng đồng ảo này, Nguyễn Xuân Minh đã tìm ra ngõ vào của một thế giới Wiki dành riêng cho người Việt mà theo sinh viên gốc Việt này là những chuyện rất thú vị. "Đầu năm 2003, tôi thấy một liên kết đến bản dịch tiếng Việt nhưng chỉ có vài thứ: một câu xin mọi người biết nói tiếng Việt bắt đầu dự án thêm vài liên kết đến những bài viết về thành phố VN nhưng chẳng có gì phong phú cả", Minh nhớ lại. "Tôi đã định tắt béng nó đi, nhưng chẳng hiểu sao nhìn trang chủ của phiên bản tiếng Việt nghèo nàn quá nên đã bỏ ra vài tiếng đồng hồ để viết một thiết kế mới".
Và rồi, Nguyễn Xuân Minh đã say mê viết thêm nhiều bài mới, chủ yếu là giải thích những từ tiếng Việt mà mình biết. Vài tháng sau, mọi người đề cử người đã hăng say nhất vào vị trí Tổng quản lý. Nguyễn Xuân Minh, Nguyễn Hữu Dụng và Joakim Lofkvist là những người đóng góp nhiều nhất và trở thành những quản lý đầu tiên
Theo “thang đo nghiện Wikipedia” (Wikipediholic scale), Tổng quản lý của Wiki Việt ngữ Nguyễn Xuân Minh đạt 87 điểm, tức là một “con nghiện” có cỡ. "Tôi bận rộn ở Wiki suốt. Lịch làm việc dày đặc. Mỗi ngày, tôi dành khá nhiều thời gian để đọc qua những bài mới, “wiki hóa” những bài chưa chuẩn và thảo luận cùng mọi người những ý tưởng đưa Wiki Việt phát triển hơn".
Nguyễn Chí Cường, một thanh niên Việt kiều tại Nhật Bản tình cờ biết về Wikipedia VN qua trang tiếng Nhật. Cường cho biết, số bài viết tại thời điểm lúc đó là 247 so với trang tiếng Nhật là 87.392 và tiếng Anh là 416.443.
"Tôn chỉ của nhóm Wikipedia là: hãy mường tượng khi tất cả mọi người trên thế giới được tự do tiếp cận với nguồn trí tuệ của toàn nhân loại. Đó là điều mà chúng tôi đang nhắm tới", Cường tâm sự. "Và tôi quyết định tìm tòi cách tham gia dự án biên soạn từ điển bách khoa Wikipedia tiếng Việt để góp phần xây dựng một kho dữ liệu kiến thức cho cộng đồng người sử dụng tiếng Việt".
Một thành viên khác của diễn đàn là Trần Thế Trung cũng bày tỏ: "Tôi cố gắng giải thích cho mọi người các câu hỏi về bách khoa mở, đặc biệt là những thắc mắc về độ tin cậy của thông tin, phương pháp đạt đến đồng thuận, cách chống phá hoại...".
Trần Thế Trung cũng tìm cách lý giải cho cộng đồng về các điểm mạnh của bách khoa như thông tin sẽ dần đạt đến hoàn thiện về chất lượng và tăng mãi về số lượng. Thông tin luôn được cập nhật và các chuyên gia có cơ hội để thuyết phục thay đổi cách nhìn của cộng đồng. Thông tin miễn phí giống như Linux hay các phần mềm mở, ai cũng sở hữu và có thể sử dụng nơi đây để lưu giữ các kiến thức của mình bên cạnh ổ cứng cá nhân, vừa chia sẻ vừa nhận được đóng góp làm giàu thêm kiến thức, có liên kết đến ngôn ngữ khác như một từ điển ngoại ngữ chi tiết...
Và bất cứ ai cũng có thể tìm thấy rất nhiều lời giới thiệu đầy tâm huyết như thế trên mạng Wiki. Mọi người đang cùng mơ một giấc mơ mà trong đó người Việt sẽ có một pho tư liệu khổng lồ, đánh tan khoảng cách về thông tin vốn đang là rào cản lớn nhất trong hành trình về phía tương lai của thế giới.
Theo Trần Nguyên
Tuổi trẻ