Vượt qua nỗi sợ thanh toán trực tuyến
Bất chấp những lợi ích hấp dẫn của việc việc thanh toán trực tuyến, đại bộ phận người dùng Việt Nam kể cả ở những thành phố lớn vẫn còn tỏ ra khá dè dặt trong việc tiêu tiền trên thế giới ảo, một trong những lý do lớn là cảm giác không an toàn.
Nỗi sợ ngăn đường tăng trưởng
Ở Việt Nam, việc thúc đẩy thanh toán trực tuyến mới chỉ được quan tâm trong vài năm trở lại đây trước nhu cầu hội nhập kinh tế thế giới cũng như giải quyết hậu quả khủng hoảng tài chính. Lợi ích của việc thanh toán trực tuyến là sự nhanh chóng, tiện lợi bởi thay vì phải đến tận nơi thì người dùng có thể tiến hành việc giao dịch như mua hàng, đặt chỗ, thanh toán hóa đơn chỉ thông qua vài lần nhấn.
Con số 5% của tổng giá trị hàng hóa mua bán được giao dịch trực tuyến cho thấy cơ hội tiếp cận người dùng trong thế giới ảo cho những doanh nghiệp, tổ chức liên quan vẫn còn rất nhiều.
Các giải pháp thanh toán nhanh chóng được nghiên cứu và triển khai trong thực tế với sự tham gia của rất nhiều các doanh nghiệp trong và ngoài nước dưới nhiều lĩnh vực khác nhau để phù hợp với mọi đối tượng người dùng.
Các trang mua bán xuất hiện ngày càng nhiều, phải kể đến như 123mua.vn, chodientu.vn, vatgia.com, enbac.com, rongbay.com, 5giay.vn và các diễn đàn, chủ đề mua bán đầy rẫy trên mạng. Cùng với đó là các cổng thanh toán điện tử được phối hợp với các ngân hàng để hỗ trợ người dùng như Nganluong.vn, Baokim.vn, Vnmart.vn, Payoo.vn…
Sau thời gian đầu được quảng bá rầm rộ với kỳ vọng sẽ mang đến một môi trường kinh doanh hiện đại cho các doanh nghiệp và người dùng trong nước thì nhu cầu thanh toán trực tuyến đang có dấu hiệu chững lại và chỉ còn tập trung ở một số nhóm người dùng có nhu cầu mua sắm hàng hóa từ nước ngoài hoặc những người gặp khó khăn trong việc mua sắm trực tiếp.
Phần đông còn lại vẫn chưa thực sự coi việc thanh toán trực tuyến là đủ an toàn. Tỷ lệ người sử dụng công cụ là quá ít, chỉ có 1-2% chủ tài khoản ngân hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử và số dùng ví điện tử còn ít hơn nữa.
Trong khi tỷ lệ thanh toán trực tuyến tăng chậm chạp thì tỷ lệ người bị lừa đảo qua mạng lại tăng chóng mặt, cả bên bán lẫn người mua. Chắc hẳn nhiều người vẫn còn nhớ những phi vụ của siêu lừa Hoàng Thế Anh đã lợi dụng sơ hở của người mua để tiến hành mua đi bán lại trái phép, chiếm đoạt tiền đặt cọc với tổng thiệt hại lên đến hàng trăm triệu đồng.
Các hoạt động lừa đảo diễn ra tại nhiều sàn giao dịch khác nhau nhưng không phải chủ sàn, chủ các trang mua bán nào cũng hợp tác trong việc đảm bảo an toàn cho người mua. Khi có vấn đề xảy ra thì phần lớn người bị hại chỉ biết ngậm đắng nuốt cay bởi chẳng biết kêu ai và từ đó luôn dè chừng, nghi ngờ trong những lần mua bán sau đó. Ông Nguyễn Hoàng Bình, trưởng ban Truyền thông Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam cho biết ước tính có 90% các vụ lừa đảo trực tuyến không được báo cáo.
Tự bảo vệ trước
Theo dự báo của IDC: “Người dùng Việt Nam sẽ bỏ ra tới 2 tỷ USD để mua sắm qua mạng vào năm 2015”, chỉ cần một lượng phần trăm rất nhỏ của con số này cũng mang tới khoản thu nhập khổng lồ cho các tội phạm mạng. Việc lừa đảo trực tuyến vẫn chưa dừng lại mà ngày càng biến tướng theo hướng khó nhận biết hơn nhờ lợi dụng công nghệ cao.
Với những máy tính bị dính virus, bị cài phần mềm gián điệp thì kẻ xấu có thể tiến hành hàng loạt hành vi như đặt lệnh chuyển tiền sang tài khoản khác, ăn cắp tên mật khẩu/người dùng. Tinh vi hơn thì có việc tạo dựng tình huống thanh toán giả hay lập hẳn một trang web có địa chỉ, thông tin rõ ràng (nhưng thực chất là giả mạo) hoặc sao chép giao diện của một trang mua bán nổi tiếng nào đó để dụ dỗ người dùng thực hiện giao dịch ma.
Chính lúc này, sự xuất hiện các giải pháp hỗ trợ an ninh cho thanh toán trực tuyến đến từ các công ty bảo mật hàng đầu là liều thuốc thúc đẩy một môi trường thanh toán lành mạnh hơn, tiện lợi hơn và nhất là đưa mức an toàn lên tối đa. Điển hình như giải pháp Safe Money của Kaspersky hay giải pháp bảo mật trực tuyến của thương hiệu Avira…
Các địa chỉ web, bao gồm liên kết đính kèm trong email hay do người dùng gõ vào thanh địa chỉ sẽ được kiểm tra và so sánh với cơ sở dữ liệu trực tuyến của hãng để kích hoạt chế độ Safe Money khi tìm thấy trang phù hợp. Tính năng này đảm bảo cho người dùng không nhấn phải các liên kết chứa mã độc có thể ăn cắp thông tin tài khoản hay vào phải những trang web giả mạo chỉ nhằm mục đích ăn cắp thông tin cá nhân.
Phần còn lại, Safe Money kiểm tra chính máy tính mà người dùng sử dụng cho giao dịch. Phần mềm sẽ quét toàn diện để tìm các lỗ hổng bảo mật, các phần mềm gián điệp. Khi trình duyệt chạy ở chế độ Safe Money, phần mềm sẽ ngăn chặn các hành vi can thiệp trái phép từ bên ngoài như đọc nội dung nhập, chụp ảnh màn hình. Như vậy cùng với việc minh bạch và chuyên nghiệp hóa công tác mua bán trực tuyến của các doanh nghiệp thì việc cảnh giác và tự bảo vệ mình luôn cần thiết.
Theo Thế giới số