Vượt con người nhiều khía cạnh, tương lai trí tuệ nhân tạo có đáng lo ngại?
(Dân trí) - Đến thời điểm hiện tại, trí tuệ nhân tạo (AI) đã được ứng dụng vào nhiều lĩnh vực trong cuộc sống và vượt trội con người trong nhiều khía cạnh, lĩnh vực. Liệu điều này có đáng lo ngại trong tương lai?
Tọa đàm bên lề sự kiện VinFuture về chủ đề "Tương lai của trí tuệ nhân tạo" đã có sự góp mặt của những giáo sư, tiến sĩ hàng đầu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, bao gồm Tiến sĩ Padmanabhan Anandan, nhà sáng lập của AI Matters Advisors LLC; tiến sĩ Bùi Hải Hưng - Viện nghiên cứu VinAI Research, Tập đoàn Vingroup; Giáo sư Vũ Hà Văn - Đại học Yale (Hoa Kỳ); Giáo sư Albert P. Pisano - Đại học California, San Diego (Hoa Kỳ), Đồng Chủ tịch Hội đồng Sơ khảo Giải thưởng VinFuture; Giáo sư Jennifer Tour Chayes - Đại học California, Berkeley (Hoa Kỳ) và Tiến sĩ Xuedong David Huang - nhà nghiên cứu về nhận diện giọng nói, xử lý ngôn ngữ và dịch máy hàng đầu trên thế giới, thành viên Kỹ thuật và Giám đốc Công nghệ của Microsoft.
Tại buổi tọa đàm, các diễn giả đã cùng nhau thảo luận về những lợi ích của AI trong cuộc sống ngày nay cũng như dự đoán về tương lai của AI trong những năm sắp tới.
Trí tuệ nhân tạo đang mang lại những lợi ích nào trong cuộc sống ngày nay?
Theo tiến sĩ Xuedong David Huang, trong 5 năm qua, con người đã hỏi học được cách tận dụng AI một cách hiệu quả hơn, chẳng hạn như AI được áp dụng vào các công cụ dịch thuật, giúp dịch các ngôn ngữ một cách chính xác hơn.
Đồng tình với ý kiến này, tiến sĩ Bùi Hải Hưng cho rằng trong 5 đến 10 năm qua, AI đã đi sâu vào nhiều lĩnh vực, ứng dụng khác nhau, chẳng hạn như robot hay xe tự hành, giúp lái xe an toàn hơn; các loại trợ lý ảo trên các thiết bị di động hay nhà thông minh… tiến sĩ Hưng cho biết AI không còn là thứ gì quá xa vời mà đã xuất hiện ngay trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta.
Ngoài ra, theo giáo sư Jennifer Tour Chayes, AI cũng được ứng dụng rất nhiều trong lĩnh vực y học, giúp chẩn đoán sớm, giải mã các hình ảnh chụp phim để phát hiện nguy cơ ung thư… từ đó can thiệp sớm để tăng khả năng chữa bệnh.
AI cũng đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19, khi được sử dụng để hỗ trợ nhận diện và phân loại người bệnh, hỗ trợ quá trình học tập và làm việc từ xa trong giai đoạn giãn cách xã hội…
Giáo sư Chayes tin rằng AI thậm chí đã vượt qua con người trong nhiều khía cạnh, hỗ trợ cho con người trong rất nhiều lĩnh vực nhờ vào khả năng xử lý đồng thời một lượng thông tin lớn, là điều mà con người không thể làm được.
Đạo đức của AI, vấn đề đáng lo ngại
Dù đã vượt qua con người ở nhiều khía cạnh, nhưng một vấn đề mà không ít người và ngay cả các nhà khoa học quan tâm, đó là đạo đức của trí tuệ nhân tạo. Một đặc điểm của các hệ thống trí tuệ nhân tạo đó là khả năng tự đưa ra các quyết định, nhưng một vấn đề đặt ra đó là những quyết định này có vi phạm các quy chuẩn về đạo đức hay không?
Giáo sư Jennifer Tour Chayes đã đưa ra một ví dụ minh họa về việc AI đưa ra những quyết định sai lệch và thậm chí là thiên vị. Theo đó, khi ứng dụng AI vào việc phân bổ phúc lợi xã hội tại Mỹ, thì khi một người da trắng và một người da đen đều có cùng điều kiện hưởng quyền lợi bảo hiểm như nhau, thì người da trắng lại nhận được nhiều ưu đãi hơn.
"Một người da trắng và một người da đen cùng điều kiện hưởng bảo hiểm, thì người da đen lại chỉ nhận được ít quyền lợi hơn, vì khi AI phân tích dữ liệu có một trường thông tin về chủng tộc. Chúng ta phải thận trọng để tránh cách hành xử phân biệt như vậy", Giáo sư Chayes nói.
Nhiệm vụ đặt ra của các nhà khoa học là xây dựng những thuật toán để AI đưa ra những quyết định công bằng nhất, không thiên lệch và đảm bảo không vi phạm các quy chuẩn về đạo đức.
AI trong tương lai sẽ phát triển như thế nào?
Theo giáo sư Vũ Hà Văn, AI trong tương lai sẽ mang lại lợi ích trong nhiều ngành và lĩnh vực khác nhau, chẳng hạn như y tế, dược, dự báo khí tượng hay thiên văn học…
"Bên cạnh các ứng dụng hiển nhiên như dịch thuật ngôn ngữ, AI sẽ còn được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực chưa từng được nghĩ đến", Giáo sư Vũ Hà Văn nói. "Ví dụ trong lĩnh vực phát triển thuốc. Sản xuất thuốc tốn thời gian, nguồn lực, kinh phí, thậm chí mất 10 năm. Trong quá trình đó tốn kém nhất là thử nghiệm lâm sàng. Với AI sẽ giúp phân tích hiệu quả hơn các dữ liệu lớn hỗ trợ cho quá trình này".
Các diễn giả tham gia buổi tọa đàm cũng đồng tình rằng AI sẽ có những vai trò, tác dụng to lớn trong thời gian 20, 50 hay thậm chí 100 năm tiếp theo.
"AI sẽ mang lại tác động to lớn những năm tới, những đột biến của AI thì sẽ mang cơ hội lớn. Hy vọng VinFuture có thể chuyển tải tới các bạn - những người đang và sắp trở thành chuyên gia lĩnh vực AI, rằng AI là một trong những mũi nhọn và là cơ hội mà các bạn có thể nắm lấy. Các bạn chỉ cần tự tin vào bản thân và những gì đang làm. Tôi tin các bạn sẽ có được sự đồng hành từ các tập thể như VinAi hoặc các mạng lưới trên thế giới", tiến sĩ Bùi Hải Hưng chia sẻ.
Giáo sư Vũ Hà Văn cũng có cùng nhận định, khi cho rằng AI là tương lai tươi sáng của loài người, nhưng cần phải có định hướng để giúp AI đi đúng hướng. Trong khi đó, Giáo sư Jennifer Tour Chayes tin rằng Việt Nam sẽ là quốc gia đi đầu về AI trong tương lai và bà đã có kế hoạch ghé thăm Việt Nam để tham dự thêm nhiều hội thảo về AI.
Giải thưởng VinFuture là một trong những giải thưởng khoa học công nghệ (KHCN) thường niên có giá trị lớn trên thế giới, được trao bởi Quỹ VinFuture, ra mắt tháng 12/2020. Quỹ VinFuture do ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup và phu nhân sáng lập.
Với việc được tổ chức thường niên, Giải thưởng VinFuture sẽ định vị Việt Nam thành một điểm đến mới trên bản đồ khoa học - công nghệ toàn cầu, góp phần tạo bệ đỡ cho nền khoa học công nghệ trong nước hội nhập với thế giới. Tối nay, 20/1, chính là thời khắc được mong chờ, khi các chủ nhân xuất sắc nhận được giải thưởng mùa đầu tiên sẽ bước lên bục vinh danh.