Vụ lừa đảo 15 nghìn tỷ tiền ảo: Có thể truy tố hình sự, thu hồi tiền cho nhà đầu tư

(Dân trí) - Vụ lừa đảo tiền ảo 15 nghìn tỷ đồng đang khiến hàng nghìn người mất nhà, trắng tay vì trót giao cả tài sản cho những kẻ xấu. Luật sư Lê Ngọc Hoàng, Trưởng văn phòng luật sư Long Tâm (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng có thể truy tố hình sự những kẻ tham gia vụ lừa đảo này.

Vụ việc hàng ngàn nhà đầu tư bị chiếm đoạt tài sản bởi Ifan đã gióng lên hồi chuông cảnh báo cho cộng đồng trước những mô hình mạo danh là góp vốn, chia sẻ lợi nhuận, nhưng trên thực tế là lợi dụng sơ hở của pháp luật Việt Nam để trục lợi. Dân trí đã có buổi phỏng vấn với Luật sư Lê Ngọc Hoàng, Trưởng văn phòng luật sư Long Tâm (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) về vấn đề này.

Tiền ảo đang là từ khoá nóng trên thế giới và cả ở Việt Nam trong thời gian gần đây, tuy nhiên, hệ lụy của nó để lại không hề nhỏ, điển hình như trong vụ lừa đảo 15 nghìn tỷ. Xin ông cho biết, nếu theo luật pháp Việt Nam thì trong trường hợp này, các nhà đầu tư có thể thu hồi tiền lại được không?

Luật sư Lê Ngọc Hoàng, Trưởng văn phòng luật sư Long Tâm: Hiện nay, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước thì việc sản xuất, lưu thông Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm tại Việt Nam. Hoàn toàn chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào điều chỉnh các vấn đề liên quan đến tiền ảo, do đó trong tương lai sẽ còn xảy ra nhiều vụ tương tự nữa với nhiều nạn nhân và hệ lụy có thể còn thê thảm hơn nữa.

Vụ lừa đảo 15 nghìn tỷ tiền ảo: Có thể truy tố hình sự, thu hồi tiền cho nhà đầu tư - 1

Với yêu cầu giải quyết việc thu hồi lại tiền do bị chiếm đoạt thì sẽ có 2 cách thức liên quan đến hai quan hệ pháp luật cần giải quyết ở đây:

Một là giải quyết trên cơ sở quan hệ pháp luật dân sự. Thông thường các Công ty hoạt động kinh doanh tiền ảo thường thiết lập các loại “Hợp đồng huy động vốn hoặc Hợp đồng Hợp tác kinh doanh để hoạt động kinh doanh Bitcoin” với các nhà đầu tư. Mà như trên đã nêu “Việc hoạt động kinh doanh Bitcoin là hoàn toàn bị cấm” do vậy các loại hợp đồng đều bị “Vô hiệu do vi phạm Điều cấm của pháp luật” theo quy định tại Điều 123 (BLDS 2015). Nhà đầu tư có quyền yêu cầu giải quyết hậu quả pháp lý của giao dịch trên theo quy định tại Điều 131 (BLDS 2015) tức là “Đòi lại tiền” thông qua biện pháp khởi kiện dân sự .

Tuy nhiên, xin lưu ý rằng: Một số Công ty kinh doanh tiền ảo “Khôn ngoan” đều tránh không nhắc đến “Tiền ảo, tiền Bitcoin” trong Hợp đồng mà thường “Lách luật” bằng các cách ký các hợp đồng góp vốn/ hợp đồng hợp tác kinh doanh để “Đầu tư mua và sử dụng máy phân tích dữ liệu” và “Phân chia lợi nhuận bằng sản phẩm tạo ra từ của máy phân tích dữ liệu này theo tỷ lệ…. một cách rất chung chung”, nhưng các bên lại ngầm hiểu với nhau rằng “Thực chất máy phân tích dữ liệu chính là máy đào tiền Bitcoin”. Trường hợp này việc đòi lại tiền là rất khó vì “Không có căn cứ thể hiện việc khai thác kinh doanh Bitcoin một cách ….trái pháp luật”.

Hai là giải quyết trên cơ sở quan hệ pháp luật Hình sự. Nếu các Nhà đầu tư/Bị hại có căn cứ chứng minh được các Cá nhân (Người thuộc Công ty kinh doanh tiền ảo) đã có hành vi gian dối chiếm đoạt tiền của mình bằng hình thức Hợp đồng/văn bản hoặc hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp theo quy định pháp luật thì có quyền làm đơn tố cáo đến cơ quan Cảnh sát Điều tra yêu cầu xử lý khởi tố vụ án hình sự với dấu hiệu tội danh “Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản ” hoặc “Tội sử dụng mạng máy tính, mạng thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” cùng với yêu cầu “Trả lại tài sản bị chiếm đoạt bất hợp pháp từ các Bị cáo đã có hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp chiếm đoạt bất hợp pháp tiền/tài sản của mình”.

Các đồng tiền ảo như Ifan, Pincoin đã ủy quyền cho công ty Modern Tech làm đại diện hợp pháp tại Việt Nam. Vậy khi các nhà đầu tư tố cáo về vụ lừa đảo này thì những người đại diện này có bị truy tố theo pháp luật tại Việt Nam hay không?

Những cá nhân/của pháp nhân đại diện cho Ifan, Pincoin tại Việt Nam đều có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy tố hình sự theo pháp luật tại Việt Nam với các chế tài:

Theo quy định tại khoản 6 Điều 27 Nghị định 96/2014/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng thì “Hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác) sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính ở mức phạt tiền từ 150 triệu đến 200 triệu đồng.

Trường hợp nếu có đủ dấu hiệu hành vi vi phạm pháp luật hình sự thì các cá nhân thực hiện việc chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư có thể bị truy tố và xét xử với tội danh quy định tại điều 175. Tội làm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hoặc Điều 290. Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Tuy nhiên, tôi cũng lưu ý rằng: Với các tình tiết của vụ việc là: Công ty Modern Tech đề ra chính sách “Lôi kéo các nhà đầu tư thứ cấp từ các nhà đầu tư cấp 1 kiểu …Đa cấp với mức cho được hưởng thêm 8%” thì các nhà đầu tư này cũng đứng trước “Nguy cơ là …Đồng phạm giúp sức cho những kẻ lạm dụng, lừa đảo đó!!!”.

Ngoài ra theo tôi cơ quan chức năng cần phải làm rõ “Những người đại diện ủy quyền cho Ifan, Pincoin tại Việt Nam có phải là …nạn nhân hay …đồng phạm với những kẻ lừa đảo đang ở nước ngoài???”. Bởi lẽ: Theo quy định tại Khoản 2, Điều 6 Bộ luật hình sư 2015 thì việc “truy cứu trách nhiệm hình sự ngoài lãnh thổ Việt Nam” vẫn được đặt ra và cơ quan Tố tụng Việt Nam vẫn có quyền xử lý khi mà các chủ thể ở nước ngoài “Đã có hành vi xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam hoặc xâm hại lợi ích của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc theo các Điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia”. Tuy nhiên việc này có làm được hay không phụ thuộc vào thỏa thuận tương trợ tư pháp giữa Việt Nam với các nước kia hoặc có thể phải nhờ đến sự hợp tác của Interpol dẫn độ tội phạm về Việt Nam.

Trong vụ việc này, theo ông, những kẻ lừa đảo đã hoạt động tinh vi như thế nào?

Hiểu một cách cơ bản thì hiện có 1.300 đơn vị tiền tệ mã hóa trên thị trường và chia ra làm 2 loại:

Loại thứ nhất là tiền của mạng lưới hệ thống Blockchain riêng, ví dụ như Bitcoin, Ethereum, Bitcoin Cash, LiteCoin... Có thể tạm coi đây là hệ thống tạo ra các đồng tiền ảo “Tương đối uy tín” có giá trị được khẳng định từ nhiều năm và từ các Công ty lớn trong lĩnh vực tiền công nghệ.

Loại thứ hai chính là các đồng được phát hành nhờ các đợt huy động vốn bằng tiền ảo của các startup, tức là những token được tạo ra dựa trên nền tảng của Blockchain khác (được hiểu là đầu tư ICO - là hình thức đi kêu gọi vốn/tiền trước khi làm dự án). Kiểu Công ty CP MODERN TECH là một điển hình của loại này.

Sau khi có pháp nhân (Như Công ty MODERN TECH chỉ mới được thành lập từ 31/10/2017), họ tiến hành các buổi hội thảo, quảng cáo và chạy các chương trình thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư. Với kiểu đầu tư ICO, đồng tiền nó thường bị thổi giá hoặc không xác định được giá trị thực, nhà đầu tư không hề có cơ sở dữ liệu trên thị trường để đánh giá, phân tích... Với lợi nhuận kì vọng cao nên nhà đầu tư rất dễ mắc bầy (ít nhất 48%/tháng và thời gian hoàn vốn lâu nhất là 4 tháng…như Modern Tech đưa ra!!!). Đồng thời với chiến dịch thu hút nhà đầu tư của Ifan được thực hiện rất công phu và bài bản, gắn với hình ảnh của người nổi tiếng được giới thiệu làm "người đại diện" cho dự án như ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, ca sĩ Ưng Hoàng Phúc, Lệ Quyên, Sơn Tùng M-TP,...để lấy lòng tin của các nhà đầu tư.

Hơn nữa, các Công ty ICO này còn sử dụng cách thức bán hàng đa cấp, bằng cách nếu gọi thêm được người vào hệ thống sẽ được hưởng thêm 8% từ số tiền người đầu tư thứ cấp mới tham gia. Đây là kiểu đa cấp đánh vào lòng tham của các nhà đầu tư cùng “Lôi nhau vào rọ”.

Hoạt động góp vốn của nhà đầu tư cũng được diễn ra nhanh chóng, thường không có hợp đồng rõ ràng, hoặc có hợp đồng nhưng lại bị lách luật bằng nhiều cách khác nhau như lập hợp đồng góp vốn để mua máy phân tích dữ liệu (thực chất là máy đào tiền ảo). Sau khi huy động xong tiền, trong quá trình hoạt động họ sẽ chuyển đổi hình thức trả lợi nhuận bằng đồng tiền có giá trị thấp hoặc có thể biến mất luôn. Nhà đầu tư không biết tìm Công ty ở đâu để đòi quyền lợi.

Luật pháp Việt Nam hiện nay đã có những quy định gì về đồng tiền ảo, và nếu chưa có thì theo ông các nhà làm luật ở Việt Nam cần đưa ra những quy định gì?

Hiện nay, việc phát hành, cung ứng, sử dụng Bitcoin, các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán đang bị cấm nên pháp luật Việt Nam chưa có quy định trực tiếp về đồng tiền ảo (ngoài chế tài xử lý vi phạm hành chính tại khoản 6 Điều 27 Nghị định 96/2014/NĐ-CP và Xử lý hình sự tại tại các Điều 207 BLHS 2015).

Tuy nhiên, do nhu cầu và thực trạng phức tạp của loại giao dịch này mà ngày 21/08/ 2017, Thủ tướng chính phủ đã ban hành Quyết định 1255/QĐ-TTg phê duyệt đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo. Nghĩa là trong thời gian tới, Việt Nam sẽ có quy định pháp luật để điều chỉnh đối tượng tiền ảo này như dự kiến đến tháng 8/2018 mới hoàn thành.


Biểu tình tố cáo chiếm đoạt lừa đảo hơn 15 nghìn tỷ đồng từ tiền ảo tại TP. HCM vào ngày 8/4.

Biểu tình tố cáo chiếm đoạt lừa đảo "hơn 15 nghìn tỷ đồng" từ tiền ảo tại TP. HCM vào ngày 8/4.

Mục tiêu chính của việc xây dựng quy định là góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư trong và ngoài nước tại Việt Nam; hạn chế, ngăn chặn và kiểm soát có hiệu quả các rủi ro, lạm dụng liên quan; cụ thể hóa các chế định về quyền tài sản trong Bộ luật dân sự năm 2015 trong lĩnh vực tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo.

Với tính chất quá phức tạp của hoạt động giao dịch tiền ảo, trước khi ban hành văn bản pháp luật điều chính về nó thì nhất thiết cơ quan lập pháp phải rà soát và bổ sung toàn bộ diện hệ thống pháp luật Việt Nam, bao gồm: (i) Bộ luật dân sự năm 2015 về giao dịch liên quan tiền ảo; (ii) Luật đầu tư năm 2014 (được sửa đổi, bổ sung năm 2016); (iii) Luật công nghệ thông tin năm 2006, Luật giao dịch điện tử năm 2005; (iv) Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010, Luật các tổ chức tín dụng năm 2010, Pháp lệnh ngoại hối năm 2005 (được sửa đổi bổ sung năm 2013); (v) Luật thuế giá trị gia tăng năm 2013 (được sửa đổi, bổ sung năm 2016); Luật thuế thu nhập cá nhân năm 2007 (được sửa đổi, bổ sung năm 2012, 2014); Luật thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2008 (được sửa đổi, bổ sung năm 2013, 2014); Luật quản lý thuế năm 2006 (được sửa đổi, bổ sung năm 2012, 2014, 2016); (vi) Luật phòng, chống rửa tiền năm 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành các Luật, Pháp lệnh này về các vấn đề liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo.

Ông có lời khuyên nào với những người chơi đồng tiền ảo ở Việt Nam?

Hiện pháp luật Việt Nam đang cấm việc phát hành, cung ứng, sử dụng Bitcoin, các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán và chưa có quy định cụ thể trong việc bảo vệ nhà đầu tư (Và thực chất các nhà đầu tư đôi khi cũng chính là người vi phạm pháp luật…). Tổng thể các hoạt động này hoàn toàn là vi phạm các luật về tài chính, ngân hàng của Việt Nam. Hơn nữa, phần lớn những Công ty startup (loại ICO) kinh doanh tiền ảo không uy tín và không đảm bảo quyền lợi của người đầu tư, chỉ chăm chăm lợi dụng lòng tin của nhà đầu tư và kẽ hở pháp luật để trục lợi. Nên việc giao dịch, hoạt động tiền ảo là “Nguy cơ mất trắng rất cao và còn đối diện với sự vi phạm pháp luật ngay cả từ phía nhà đầu tư”.

Theo tôi, khi chưa có hành lang pháp lý rõ ràng của Nhà nước và sự hiểu biết về lĩnh vực tiền ảo/tiền công nghệ quá thấp của các nhà đầu tư thì mọi người nên đem tiền bạc tài sản đầu tư vào vào hoạt động sản xuất kinh doanh thiết thực, am hiểu và an toàn…Tránh tuyệt đối cơ sốt tiền ảo dẫn đến nguy cơ “Tiền mất tật mang” và hệ lụy không nhiều tốt đẹp cho bản thân và xã hội.

Khôi Linh thực hiện

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm