1. Dòng sự kiện:
  2. Triển lãm CES 2025

Vô tư bán SIM kích hoạt sẵn tại TPHCM dù biết bị phạt nặng

(Dân trí) - Nghị định số 49/2017/NĐ-CP của Chính phủ đã có hiệu lực từ ngày 24/4 với nhiều quy định xử phạt vi phạm rất nặng trong các vi phạm kinh doanh SIM nhưng một số cửa hàng tại TPHCM vẫn vô tư bày bán dòng SIM đã kích hoạt sẵn.

SIM kích hoạt sẵn vẫn còn bán dễ dàng

Không còn rầm rộ như trước đây, treo bảng hiệu lớn hay các băng rôn để chào bán SIM, nhiều cửa hàng nhỏ lẻ chuyên kinh doanh mặt hàng này đã "e dè" hơn vì những quy định mới được ban hành.

Khảo sát nhanh tại TPHCM, nhiều cửa hàng kinh doanh SIM số đã không còn phô trương, thậm chí là chuyển đổi mô hình sang hình thức khác bởi nguồn SIM kích hoạt sẵn đã không còn nhiều và giá lại cao, khiến nhu cầu giảm mạnh.

Tuy nhiên, vẫn có một số cửa hàng và thậm chí là một hệ thống bán lẻ lớn vẫn vô tư bày bán các dòng SIM kích hoạt sẵn.


SIM kích hoạt sẵn vẫn dễ dàng mua được.

SIM kích hoạt sẵn vẫn dễ dàng mua được.

Có mặt tại một cửa hàng trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, phóng viên Dân trí dễ dàng mua ngay một chiếc SIM đã kích hoạt sẵn. Đây là SIM của một nhà mạng dùng 3G với gói cước 4GB/ tháng dùng trong 12 tháng. Giá gói cước là 399 ngàn đồng, khách hàng chỉ cần mua là sử dụng ngay không cần phải cung cấp bất cứ thông tin nào.

Khi được hỏi về việc không cung cấp thông tin như vậy thì trước sau gì cũng bị khóa thì một nhân viên bán hàng tại đây cho biết, nếu khóa thì mang SIM đến tại đây và được đổi lại SIM khác. Nên an tâm mà sử dụng.

Một chủ cửa hàng khác tại đường Phạm Văn Đồng, quận Bình thạnh, TPHCM cho biết, hiện SIM nghe gọi kích hoạt sẵn vẫn còn nhưng giá cao. Vẫn có một số khách có nhu cầu mua SIM gọi liền và không muốn đăng kí thông tin nên nguồn SIM này vẫn còn đường sống. Tuy nhiên, cửa hàng này không chủ động nhập vì nguy cơ bị khóa, hoặc bị phạt và khuyến khích cho người dùng nên mua SIM mới.

Sẽ phạt từ 30 triệu đồng khi bán SIM kích hoạt sẵn

Theo Nghị định số 49/2017/NĐ-CP của Chính phủ, sửa đổi, bổ sung Điều 15 của Nghị định số 25/2011/NĐ-CP ngày 06 tháng 4 năm 2011 và Điều 30 của Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13 tháng 11 năm 2013, đã có hiệu lực từ ngày 24/4/2017, những điểm kinh doanh cung cấp dịch vụ viễn thông bán SIM thuê bao di động sẽ bị phạt từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng khi bán và lưu thông trên thị trường SIM thuê bao đã được nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước. Đồng thời, cũng bị phạt tương tự với việc mua bán và trao đổi hoặc sử dụng SIM , thiết bị có chức năng kích hoạt sẵn dịch vụ cho SIM thuê bao không cần phải bẻ SIM để nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước của SIM thuê bao....

Đáng chú ý, khoản 1 của Điều 15 của Nghị định 25 được sửa đổi ghi rõ, điểm cung cấp dịch vụ viễn thông phải có địa chỉ xác định do doanh nghiệp viễn thông thiết lập và được doanh nghiệp viễn thông ký hợp đồng ủy quyền để thực hiện việc giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung cung cấp và sử dụng dịch vụ viễn thông.

Ở khoản 2 của Điều 15 cũng quy định, điểm cung cấp dịch vụ viễn thông phải có biển hiệu bao gồm tối thiểu các thông tin sau: "Điểm cung cấp dịch vụ viễn thông"; tên hoặc thương hiệu của doanh nghiệp viễn thông thiết lập điểm cung cấp dịch vụ viễn thông hoặc ủy quyền cho điểm cung cấp dịch vụ viễn thông; địa chỉ; số điện thoại liên hệ mới có đủ quyền hạn trong việc cung cấp SIM cho người tiêu dùng. Nếu vi phạm sẽ bị phạt từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng đối với các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông bán SIM thuê bao di động không được doanh nghiệp viễn thông ký hợp đồng ủy quyền giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung.

Nghị định mới này cũng ghi rõ, trong vòng 12 tháng kể từ ngày có hiệu lực, doanh nghiệp viễn thông di động có trách nhiệm rà soát, hướng dẫn và yêu cầu các thuê bao di động trả trước đang sử dụng dịch vụ mà thông tin chưa đúng quy định cần thực hiện lại việc giao kết hợp đồng theo mẫu.

Như vậy, việc tự ý bán SIM kích hoạt sẵn đang là hành vi vi phạm pháp luật, là căn nguyên cho sự hình thành của tin nhắn rác, tin nhắn nặc danh, lừa đảo, gây rối trật tự trị an, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của người dân cũng như an ninh thông tin, an ninh quốc phòng. Tin rác thậm chí còn là công cụ của tội phạm, khủng bố…

Mới đây, tại Hội nghị giao ban quản lý nhà nước tháng 4/2017 của Bộ Thông tin và Truyền thông, lãnh đạo Bộ tiếp tục thể hiện quan điểm cứng rắn trong việc thu hồi SIM kích hoạt sẵn trên thị trường. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới của Bộ TT&TT.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn yêu cầu Cục Viễn thông tích cực thu hồi SIM kích hoạt sẵn, xử lý tin rác, cuộc gọi rác trong thời gian tới.

Trước đó, thống kê từ Trung tâm Ứng cứu máy tính khẩn cấp VNCERT, tính đến thời điểm cuối tháng 3/2017 đã có khoảng 19 triệu SIM kích hoạt sẵn bị thu hồi. Tuy nhiên đây chỉ việc thu hồi SIM đã kích hoạt trên kênh phân phối chỉ là đợt 1 và Bộ Thông tin và Truyền thông đã yêu cầu các mạng tiếp tục rà soát và tiến hành khóa những SIM kích hoạt sẵn trên kênh phân phối.

Gia Hưng