VN sẽ đạt 52 triệu thuê bao điện thoại vào 2010
Với người sử dụng, chất lượng dịch vụ viễn thông đang là mối quan tâm hàng đầu. Còn các nhà đầu tư thì đang trông chờ một chính sách cởi mở hơn của VN trong lĩnh vực kinh doanh các loại dịch vụ viễn thông.
Trao đổi với PV về hai vấn đề quan tâm này tại khai mạc hội nghị “Mobiles VN 2006” vào sáng 10-5, Bộ trưởng Bộ Bưu chính - viễn thông Đỗ Trung Tá nhấn mạnh:
“Tại thời điểm này có 11 triệu thuê bao điện thoại di động sử dụng công nghệ GSM, CDMA… VN dự kiến vào năm 2010 mật độ điện thoại cũng sẽ tăng ít nhất gấp hai lần so với hiện nay (mật độ hiện tại khoảng 21,7 máy/100 dân với khoảng 18 triệu thuê bao trên toàn mạng).
Tuy nhiên, các hãng phân tích và nghiên cứu thị trường quốc tế dự báo rằng hết năm 2010, VN sẽ có tới 52 triệu thuê bao điện thoại, trong đó có tới 70% là điện thoại di động (tương đương 36 triệu thuê bao), tức tăng gấp ba lần hiện nay. Thực tế trong 5 năm gần đây thị trường viễn thông VN, đặc biệt là thị trường thông tin di động, đã có sự phát triển bùng nổ, được đánh giá là một trong những nước có tốc độ phát triển rất nhanh trong lĩnh vực này…"
Về số lượng phát triển thì rất ấn tượng nhưng còn về chất lượng dịch vụ, Bộ trưởng đánh giá thế nào?
Đúng là tốc độ phát triển điện thoại di động nước ta rất mạnh và nhanh. Chính vì vậy chúng ta có gặp khó khăn trong việc đảm bảo chất lượng dịch vụ, đảm bảo quyền lợi cho người sử dụng. Thực tế thời gian qua các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ di động chú tâm nhiều cho việc chiếm lĩnh thị phần, phát triển số lượng thuê bao… trong khi đầu tư cho mạng lưới và cơ sở hạ tầng chưa chạy theo kịp tốc độ phát triển.
Do đó việc đảm bảo chất lượng dịch vụ khi cung cấp cho khách hàng sẽ khó đạt ở mức cao. Thấy được thực tế này, nên trong năm 2006 Bộ Bưu chính - viễn thông đã xác định một trong những nhiệm vụ lớn của bộ là tăng cường kiểm tra chất lượng các mạng điện thoại di động.
Theo Bộ trưởng, những điểm nào mà các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ viễn thông tại VN cần phải làm ngay để cải thiện chất lượng dịch vụ, đảm bảo quyền lợi khách hàng…?
Tôi cho rằng các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ thông tin di động khi đã tuyên bố có mặt ở tỉnh, thành hay địa bàn dân cư nào đó thì trong phạm vi khoảng 7km nên đặt một trạm thu phát sóng là tốt nhất.
Riêng về vấn đề nghẽn mạng điện thoại di động, bị người sử dụng phàn nàn nhiều… tôi cho rằng không chỉ phụ thuộc dung lượng tổng đài mà còn phụ thuộc nhiều vào lượng thuê bao có nhu cầu liên lạc tại một khu vực ở một thời điểm nhất định. Theo tôi, các nhà khai thác dịch vụ thông tin di động khi đặt các trạm thu phát sóng nên tính toán đến mật độ thuê bao có nhu cầu liên lạc cao tại một thời điểm, đặc biệt là ở những khu đông dân cư hay các trung tâm kinh tế…
Thưa Bộ trưởng, một trong những điều quan tâm hàng đầu của các nhà đầu tư nước ngoài là chính sách mở cửa thị trường dịch vụ viễn thông của VN trong những năm tới đây. Bộ trưởng có thông tin gì mới về vấn đề này?
Từ trước đến nay trong lĩnh vực này các phía đối tác chỉ được góp vốn chia lãi với các doanh nghiệp VN, tức là loại hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC), chứ phía đối tác không được trực tiếp tham gia quá trình điều hành kinh doanh của doanh nghiệp trong lĩnh vực viễn thông. Nhưng tới đây nước ta sẽ cho phép thực hiện liên doanh trong kinh doanh khai thác dịch vụ viễn thông và phía các đối tác sẽ được trực tiếp tham gia điều hành ở liên doanh đó.
Tuy nhiên, vấn đề là tỉ lệ góp của các bên đối tác trong liên doanh là bao nhiêu? Dự kiến vốn góp của các đơn vị có cơ sở hạ tầng mạng lưới là không vượt quá 49%. Đương nhiên là có nhiều hãng nước ngoài mong muốn góp vốn với tỉ lệ cao, thậm chí đến 90%. Nhưng trong tình hình thực tiễn nước ta cần phải có qui định mức tỉ lệ góp vốn trong liên doanh viễn thông giữa các bên đối tác.
Thưa Bộ trưởng, bao giờ thì chính sách hết sức cởi mở này - hiện rất nhiều nhà đầu tư đang trông chờ - sẽ được thực hiện?
Chính sách này sẽ được thực thi sau khi VN gia nhập WTO. Còn trước mắt một số công ty thông tin di động sẽ được cổ phần hóa và cũng sẽ cho các đối tác nước ngoài mua cổ phần với tỉ lệ như WTO qui định. Sắp tới đây VN sẽ mở cửa cho nhiều thành phần kinh tế tham gia cung cấp dịch vụ viễn thông.
Theo Quốc Thanh
Tuổi trẻ