Viettel sẵn sàng ứng vốn để sớm được triển khai 4G
(Dân trí) - Viettel khẳng định doanh nghiệp này sẵn sàng ứng vốn trước để giải phóng tần số 700 MHz để sử dụng băng tần này triển khai 4G trong năm 2015 tại Việt Nam.
Theo báo cáo tại Hội nghị Giao ban quản lý nhà nước do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức sáng nay (5/6) , trong 5 tháng đầu năm các doanh nghiệp thuộc Bộ gồm: VNPT, Mobifone, VTC, VNPost đều đạt kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh với mức tăng trưởng và lợi nhuận khá lạc quan. Cụ thể, VNPT có mức tổng lợi nhuận đạt 43,2% kế hoạch, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Mobifone doanh thu đạt 39,8% kế hoạch, phát triển thuê bao đạt 39,9% kế hoạch. VTC doanh thu đạt 46% kế hoạch và lợi nhuận đạt 76% kế hoạch. VNPost doanh thu đạt 38,4% kế hoạch, tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận đạt 49,2% kế hoạch.
Tại Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc Viettel Lê Đăng Dũng đề xuất Bộ nên chính thức cấp phép 4G ngay trong năm 2015. Trên thực tế, hiện Viettel đã triển khai 4G tại thị trường Lào và Campuchia. Ông Dũng cho rằng, việc tiếp tục đầu tư cho 3G là lãng phí, ảnh hưởng đến bài toán khấu hao của doanh nghiệp. Viettel cũng khẳng định doanh nghiệp này sẵn sàng ứng tiền trước để giải phóng tần số 700 MHz (đang được sử dụng cho phát thanh truyền hình) để sử dụng băng tần này triển khai 4G.
Trước đề xuất của Viettel, đại diện Cục Tần số vô tuyến điện và Cục Viễn thông thống cho rằng: cấp phép thử nghiệm rồi mới tiến tới cấp phép chính thức. Bởi theo tính toán của cơ quan quản lý, doanh nghiệp tham gia vào công nghệ mới khi mức độ phổ biến đạt 13% thì mới có lợi nhuận, trong khi đó, mức độ phổ biến của 4G LTE tại Việt Nam mới chỉ đạt 8%. Vì vậy, cấp phép thử nghiệm 4G trong năm 2015 để tiến tới cấp phép chính thức năm 2016 sẽ hợp lý hơn, đảm bảo hài hòa quyền lợi của doanh nghiệp và phù hợp với phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ.
Đại diện Cục Viễn thông cũng lưu ý các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam cần quan tâm hơn nữa đến chất lượng tăng trưởng và phát triển bền vững. Theo báo cáo của các doanh nghiệp, tốc độ tăng trưởng đều đạt 15-20% nhưng các doanh nghiệp vẫn cạnh tranh chủ yếu về giá cước và khuyến mại. Để thị trường viễn thông Việt Nam phát triển lành mạnh, các doanh nghiệp cần cạnh tranh bằng cách nâng cao chất lượng dịch vụ, chăm sóc khách hàng và tìm các nguồn doanh thu mới từ các dịch vụ mới.
Về vấn đề cấp phép 4G, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son khẳng định, chọn thời điểm triển khai công nghệ 4G phù hợp là yếu tố rất quan trọng. Theo kế hoạch của Bộ quá trình thực hiện đấu thầu 4G có thể là cuối năm 2015 hoặc đầu năm 2016.
Hội nghị cũng đưa ra sự kiện nổi bật là tin tặc Trung Quốc tấn công hơn 1.000 website Việt Nam trong 2 ngày cuối tháng 5/2015. Cụ thể, tin tặc đã tấn công vào lỗi bảo mật của hệ thống hỗ trợ soạn thảo, thường là các phiên bản cũ hoặc cài đặt không được phép. Tuy nhiên, theo đại diện Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT), phạm vi ảnh hưởng của đợt tấn công này là không lớn, chủ yếu là các website nhỏ lẻ, thuộc khối tư nhân. Trong số 400 website bị tấn công đợt này, chỉ có 10 website thuộc khối nhà nước, là các đơn vị thuộc cấp cơ sở như: cục, vụ, sở... Về đối tượng tấn công, đa số các địa chỉ tấn công đến từ các IP do Trung Quốc quản lý, ngoài ra một số đến từ các IP của Mỹ, Hà Lan… VNCERT đã xác định được 2 nhóm hacker tham gia tấn công đợt này gồm 1937cn (Trung Quốc) và D3D (Indonesia).
Phạm Thanh