Viettel đề nghị giảm cước: Áp lực đè nặng lên MobiFone và VinaPhone

(Dân trí) - Viettel vừa đề nghị Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) giảm cước gọi ngoại mạng bằng nội mạng khiến thị trường viễn thông nóng lên. Chính sách này của Viettel sẽ gây áp lực mạnh lên MobiFone - VinaPhone và có thể tác động đến khoảng 100 triệu người dùng di động.

Viettel đề nghị giảm cước: Áp lực đè nặng lên MobiFone và VinaPhone
Hôm qua (7/7), tại Hội nghị báo cáo tình hình hoạt động 6 tháng đầu năm tại Bộ TT&TT, ông Hoàng Sơn, Phó tổng giám đốc Viettel đã đề xuất với Bộ TT&TT về việc giảm cước thoại trên di động. Theo đó, Viettel đề nghị Bộ TT&TT cho áp dụng chính sách 1 giá cước không phân biệt nội mạng và ngoại mạng.

Với đề xuất giảm giá cước ngoại mạng xuống bằng nội mạng, cước di động của Viettel sẽ giảm 12.6%. Tính đến thời điểm này, Viettel đang là mạng có số lượng cuộc gọi nội mạng lớn nhất. Theo ước tính của Viettel, nếu Bộ TT&TT đồng ý cho áp dụng chính sách cước nội mạng bằng ngoại mạng thì trước mắt mỗi tháng Viettel bị giảm khoảng 77 tỷ đồng.

Ông Hoàng Sơn cho biết, đề xuất giảm giá cước thoại ngoại mạng di động của Viettel nhằm kích thích tiêu dùng và hỗ trợ khách hàng tốt hơn trong sử dụng dịch vụ. Thực tế, khách hàng thường có xu hướng gọi nội mạng vì giá cước rẻ, ít gọi ngoại mạng do tâm lý cước đắt. Vì thế, để kích thích tiêu dung, Viettel đề nghị Bộ TT&TT cho phép áp dụng một giá cước không phân biệt nội mạng hay ngoại mạng.

Viettel cho biết, có đến gần 80% các mạng trên thế giới không phân biệt tính cước nội mạng, ngoại mạng. Xu hướng phân biệt nội, ngoại mạng chỉ xuất hiện tại các nước nghèo, còn các nước càng phát triển càng có xu hướng đưa về một mức giá cước.

"Tôi hy vọng chính sách này sẽ giúp khách hàng dễ nhớ mức giá và chủ động quản lý chi phí trong việc sử dụng dịch vụ mỗi tháng. Trước mắt nếu áp dụng chính sách này thì Viettel sẽ bị giảm doanh thu. Tuy nhiên, chúng tôi hy vọng, cước thoại giảm sẽ kích cầu tiêu dùng và động thái này sẽ tăng được doanh thu cho nhà mạng", ông Hoàng Sơn nói.

Việc Viettel đưa ra đề xuất thống nhất cước nội mạng và ngoại mạng không phải là chính sách mới ở Việt Nam bởi trước đó cả Gtel và Vietnamobile đã áp dụng chính sách này cho khách hàng của mình từ lâu. Thế nhưng, số thuê bao của hai mạng Gtel và Vietnamobile quá nhỏ nên mức độ ảnh hưởng đối với xã hội đối với chính sách này không lớn.

Trong khi đó Viettel đang có trong tay khoảng 54 triệu thuê bao di động và chiếm khoảng 50% tổng số thuê bao di động của Việt Nam. Nếu chính sách này được áp dụng thì 50% thuê bao di động của Việt Nam sẽ được giảm cước. Điều này cũng lý giải vì sao một chính sách của Viettel tuy ra sau nhưng lập tức lại nóng trên truyền thông và thu hút được rất nhiều người quan tâm như vậy.

Tuy nhiên, nếu so với với các mạng di động lớn thì Viettel tiên phong trong việc đưa ra chính sách thống nhất cước nội mạng và ngoại mạng. Đề xuất này của Viettel và chính sách mà Gtel và Vietnamobile đang áp dụng chắc chắn sẽ gây áp lực cho các nhà mạng khác như MobiFone và VinaPhone. Hai ông lớn di động này sẽ phải có chính sách thích hợp để đảm bảo quyền lợi cho khách hàng của họ.

Nhiều người dự đoán rằng nếu chính sách này của Viettel được áp dụng thì VinaPhone và MobiFone sẽ bắt buộc phải đi theo hướng đồng nhất cước nội mạng và ngoại mạng. Việc đồng nhất cước nội mạng và ngoại mạng này cũng sẽ khiến cho VinaPhone và MobiFone giảm doanh thu, nhưng sẽ có khoảng 100 triệu khách hàng hưởng lợi từ cuộc chạy đua của các mạng di động.

Tại hội nghị trong ngày hôm qua, ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cho biết nếu muốn giảm cước di động, Viettel phải báo cáo giá thành dịch vụ di động. Từ đó, Bộ TT&TT sẽ phê duyệt các đề xuất của nhà mạng về điều chỉnh cước bởi giá cước phải được xây dựng trên cơ sở giá thành. Về cơ bản doanh nghiệp có quyền chủ động về giá cước, miễn là không bán dưới giá thành.
Khôi Linh