Việt Nam tăng bậc xếp hạng Chính phủ điện tử
(Dân trí) - Sáng 17/7, tại Đà Nẵng, Hội thảo Quốc gia về Chính phủ điện tử 2014 lần thứ 12 với chủ đề “Phát triển Chính phủ điện tử: Hạ tầng thông minh, hành chính hiện đại, nâng cao mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp” đã chính thức khai mạc.
Việt Nam tăng bậc xếp hạng Chính phủ điện tử
Theo kết quả xếp hạng Chính phủ điện tử (CPĐT) năm 2014 do Viện Chính phủ điện tử tại Đại học Waseda Tokyo phối hợp với Học viện Quốc tế CIO (IAC) công bố hồi tháng 5cho thấy Việt Nam xếp hạng 34 trên 61 quốc gia, tăng 3 bậc so với 2013. Riêng trong khối kinh tế APEC cũng như trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam đứng thứ 13; còn tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam xếp thứ 5 chỉ sau Singapore, Thái Lan, Malaysia và Indonesia. Đây là kết quả có được sau khi đánh giá hệ thống CPĐT tại các quốc gia trên 9 tiêu chí: cơ sở hạ tầng mạng, hiệu quả quản lý, ứng dụng dịch vụ trực tuyến, cổng thông tin điện tử Chính phủ, giám đốc CNTT trong Chính phủ, các hoạt động đẩy mạnh Chính phủ điện tử, hỗ trợ trực tuyến, chính phủ mở và An ninh mạng.
Ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông (CNTT) nhằm cải thiện chất lượng dịch vụ công đã và đang trở thành mối quan tâm hàng đầu của Chính phủ trong những năm gần đây. Xu hướng quản lý Nhà nước theo tiêu chí lấy người dân làm trọng tâm càng nhấn mạnh rõ hơn tầm quan trọng của việc ứng dụng CNTT nhằm tăng mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với Chính phủ. Hơn 10 năm qua, Chính phủ Việt Nam đã ưu tiên và chủ động thúc đẩy sự phát triển của ngành CNTT-TT tại Việt Nam. CNTT-TT đóng vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế quốc gia, có tiềm năng to lớn góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng cũng như cơ sở hạ tầng, và là một trong những động lực thúc đẩy sự phát triển Kinh tế - Xã hội của đất nước.
Lộ trình triển khai phát triển dịch vụ công thông minh đã có những bước tiến trong nửa đầu năm 2014, điển hình là việc Công an thành phố Hà Nội đã bắt đầu triển khai thử nghiệm hệ thống cấp hộ chiếu trực tuyến từ tháng 03/2014. Theo thống kê, tỉ lệ hồ sơ đăng ký đã tăng từ 30% trong tháng đầu tiên lên đến gần 70% trong tháng 6 vừa qua. Bộ Tài chính cũng vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu (CSDL) liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013 – 2020. Mục tiêu của kế hoạch nhằm hệ thống hóa đầy đủ, chính xác các thủ tục hành chính (TTHC) có liên quan đến giấy tờ công dân, CSDL liên quan đến dân cư trong phạm vi quản lý của Bộ Tài chính. Bộ đồng thời cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc hệ thống, quản lý và sử dụng CSDL liên quan đến dân cư, bảo đảm đến năm 2020, TTHC sẽ được giải quyết thông qua khai thác thông tin trực tuyến về công dân trên CSDL quốc gia.
Người dân sử dụng dịch vụ theo phương tiện, khả năng của mình
Ông Krishna Prasad- giám đốc kinh doanh khu vực châu Á Thái Bình Dương và Nhật Bản (Smart+Connected Communities Cisco Systems Inc cho biết, khi triển khai mô hình chính phủ điện tử thì người dân và doanh nghiệp được hưởng lợi đó là công dân có thể truy xuất và sử dụng dịch vụ (đây là dịch vụ công của nhà nước) theo phương tiện, khả năng và cái họ mong muốn. Ví dụ họ không phải đi hàng km đến văn phòng của chính phủ hoặc các cơ quan của chính phủ mà họ có thể dùng trên máy tính, điện thoại di động hay đến các ki-ốt truy xuất dịch vụ công mà một số quốc gia có triển khai.
Họ có thể đi đến bằng cách thức và thời gian mà họ thấy thuận tiện nhất chứ không phải đi theo một khung cứng nhắc của dịch vụ công truyền thống ngày xưa. Ngoài ra, qua hệ thống điện tử được triển khai, các dịch vụ cần thiết cho người dân sẽ triển khai đến người dân một cách thuận tiện nhất. Ví dụ như dịch vụ về giáo dục và dịch vụ về y tế. Hai dịch vụ là rất cần thiết cho mỗi người dân. Trước đây họ hưởng dịch vụ này theo kiểu truyền thống. Giống như trong dịch vụ y tế 70% trường hợp người dân đến bệnh viện thực sự là không cần thiết. Thế thì bây giờ làm sao có thể có được những tư vấn, sự hỗ trợ từ xa. Qua dịch vụ điện tử, người dân ở vùng sâu vùng xa hoặc bất cứ nơi nào người ta cũng có thể truy xuất được đến những bác sĩ, tư vấn từ bác sĩ rất có kinh nghiệm ở các thành phố lớn. Thứ hai là dịch vụ về giáo dục cũng tương tự như vậy. Học sinh tất cả các vùng miền người ta có thể tham dự vào các lớp học trực tuyến và có được chất lượng giáo dục rất là cao từ lớp học.
Chính phủ điện tử sẽ trở thành xu thế phát triển tương lai tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tới năm 2015, hơn 60% dân số thế giới sẽ sinh sống tại các thành phố - và mỗi năm lượng dân tại các thành phố sẽ tăng khoảng 60 triệu người - tạo ra một sức ép khổng lồ lên các nguồn lực phục vụ con người - về cả cơ sở vật chất và công tác quản lý. Việc sử dụng mạng như một cơ sở quan trọng của CNTT thế hệ mới, bao gồm Xã hội (Social), Di động (Mobility), Phân tích, Dữ liệu lớn (Analytics/Big Data) và Mạng Internet của sự vật (IoT) sẽ giúp các cơ quan chính phủ cung cấp các dịch vụ quản lý hành chính hiệu quả hơn, tiết kiệm chi phí và hiệu quả ứng dụng cao hơn. Cisco đang tiên phong trong việc tạo dựng nền móng cho các thành phố thông minh qua việc phát triển các giải pháp mạng hiện đại và kiến tạo một hệ sinh thái cho các đối tác, những người sẽ giúp các doanh nghiệp, thành phố và cả cộng đồng nâng cao chất lượng cuộc sống, phát triển cộng đồng và thúc đẩy các nền kinh tế trên toàn cầu.
“Chúng tôi mong đợi Việt Nam sẽ có nhiều thành phố thông minh trong tương lai”, Krishna Prasad nói.
Khánh Hồng