Việt Nam là thị trường tiềm năng nhất của Motorola tại khu vực ĐNÁ
(Dân trí) - Với dân số trẻ, tốc độ phát triển ngày càng nhanh cùng khả năng tiếp cận công nghệ nhanh chóng, Motorola đánh giá đây là một thị trường vô cùng tiềm năng ở khu vực Đông Nam Á.
Bên lề cuộc họp báo công bố dòng sản phẩm mới tại Việt Nam, đánh dấu cho sự quay trở lại thị trường Việt sau nhiều thời gian vắng bóng. Dân trí đã có một cuộc phỏng vấn nhanh với đại diện Motorola, ông Dillon Ye - Phó chủ tịch khu vực Châu Á - Thái Bình Dương về tình hình phát triển tại Việt Nam trong thời gian tới.
Thưa ông Dillon Ye, sau một thời gian dài vắng bóng tại thị trường Việt và điều gì đã khiến cho Motorola quay trở lại thị trường lần này?
Như các bạn cũng đã thấy, lần họp báo công bố 5 sản phẩm mới lần này của chúng tôi ở Việt Nam là thị trường đầu tiên ở Đông nam Á mà chúng tôi giới thiệu.
Thị trường Việt Nam là thị trường đầy tiềm năng và có thể nói là vô cùng tiềm năng ở khu vực ĐNÁ mà chúng tôi hướng đến.
Điều này cũng dễ hiểu khi Việt Nam có dân số trẻ khá là lớn, tốc độ phát triển nhanh và khả năng tiếp cận công nghệ cũng rất nhanh. Đó cũng là những đối tượng người dùng mà hãng nhắm tới. Hơn thế, theo như báo cáo của IDC, trong năm 2015, sản lượng 14 triệu máy sẽ được tiêu thụ hết tại Việt Nam. Dự báo đến năm 2016, sản lượng sẽ tiếp tục tăng, khoảng 18 triệu máy. Như vậy, có thể thấy được sức hút khá lớn từ thị trường này.
Mặc dù thị trường đầy tiềm năng nhưng thách thức đặt ra ở thị trường Việt cũng không hề nhỏ vì sự thay đổi ngày mỗi khác? Xin ông có thể chia sẻ thêm thách thức của Motorola khi quay trở lại thị trường Việt?
Đối với thị trường Việt Nam, chúng tôi nhận thấy có 3 thách thức rất là lớn.
Đầu tiên đó là tốc độ: thị trường Việt Nam rất là trẻ, tốc độ tiếp nhận công nghệ và sản phẩm rất là nhanh. Đó chính là áp lực với chúng tôi phải làm sao để có thể đưa về sản phẩm sớm nhất khi được giới thiệu trên toàn cầu. Có thể hiểu rằng, khi chúng tôi ra mắt một sản phẩm mới ở Mỹ chẳng hạn thì phải làm mọi cách sớm nhất để mang về thị trường Việt, giúp người dùng có thể trải nghiệm sớm nhất.
Thách thức thứ 2 đó là sản phẩm của Motorola được áp dụng nhiều công nghệ, tính năng độc quyền và khi về Việt Nam, chúng tôi phải địa phương hóa các tính năng này, mục đích cho người dùng có thể sử dụng được và tiếp nhận tốt hơn.
Và cuối cùng đó là thách thức lớn nhất, chứng minh được sự quay trở lại của Motorola ở Việt Nam. Chúng tôi cần thêm nhiều thời gian để chứng minh điều đó, đặc biệt là về phương diện đầu tư, marketing, tối ưu hóa trải nghiệm của người dùng tại Việt Nam.
Sau khi Motorola chính thức thuộc về thương hiệu Lenovo thì sản phẩm của Motorola có còn giữ được nét riêng, thiết kế riêng của hãng hay không? Hay là sự kết hợp giữa Lenovo và Motorola ở các sản phẩm tiếp theo, thưa ông?
Mặc dù thuộc về Lenovo nhưng chúng tôi vẫn giữ lại tất cả các công nghệ Mỹ, từ đội ngũ thiết kế và đội ngũ lập trình riêng của Motorola hiện đang làm việc tại thành phố Chicago của Mỹ. Chúng tôi tiếp tục tạo điều kiện tốt nhất để họ có thể phát kiến và phát minh mới.
Đồng thời, chúng tôi cũng đã kết hợp một số quy trình khác để phát huy hiệu quả hơn trong việc đưa ra sản phẩm mới. Chẳng hạn có thể kể đến là chuỗi cung ứng, chúng tôi đã kết hợp được Motorola và Lenovo để tận dụng hiệu năng và hiệu quả về mặt sản xuất.
Về mặt marketing và sale, chúng tôi cũng kết hợp để phát huy tính hiệu quả cao hơn. Như Motorola rất mạnh ở khu vực Bắc Mỹ và Châu Âu. Trong khi đó, Lenovo thì mạnh hơn ở khu vực Châu Á, Trung Đông và Mỹ La Tinh. Sự kết hợp sẽ giúp chúng tôi tận dụng các công cụ có sẵn hiệu quả hơn...
Trong 5 sản phẩm mới lần này tại Việt Nam, đa phần là dòng tầm trung cho đến cao cấp trở lên. Vậy xin hỏi ông rằng, Motorola sẽ chỉ tập trung ở phân khúc tầm trung trở lên hay sẽ đưa các sản phẩm giá rẻ khác trong thời gian tới về Việt Nam?
Thực tế Motorala nhắm đến thị trường trung cấp và cao cấp. Như ở Mỹ, Motorola bán được rất nhiều điện thoại cao cấp và ở những ở thị trường khác chúng tôi cũng đạt được nhiều thành công ở phân khúc tầm trung trở lên.
Đồng thời ở phân khúc phổ thông và trung cấp, chúng tôi còn có Lenovo với thành công nhất định ở phân khúc này.
Do đó, chúng tôi không lý do gì không tung ra các sản phẩm từ tầm trung trở lên để phục vụ người tiêu dùng.
Với việc bán sản phẩm ở Việt Nam, Motorola sẽ tiếp tục dựa vào kênh phân phối và bảo hành của Lenovo Việt Nam? Định hướng trong thời gian tiếp theo như thế nào, thưa ông?
Hiện tại, chúng tôi sẽ tận dụng kênh có sẵn của Lenovo Việt Nam, đồng thời cải thiện độ bao phủ trong thời gian tiếp theo. Trong đó, chúng tôi cũng cải thiện đơn vị bảo hành, cải thiện ngày đơn vị bảo hành trả máy bảo hành sớm cho người dùng.
Ngoài ra, một điểm cũng khá quan trọng và chúng tôi cũng đang xem xét là đưa vào việc chấp nhận bảo hành quốc tế, ở mọi quốc gia. Chúng tôi sẽ công bố trong thời gian sớm nhất.
Ngoài ra, ông có đặt ra nhiều kì vọng và mục tiêu sắp tới tại thị trường Việt hay không, thưa ông?
Hiện tại tôi vẫn chưa đặt nhiều mục tiêu nhưng mục tiêu đầu tiên là chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để mang lại nhiều lợi ích cho người dùng về sản phẩm, giá và trải nghiệm tốt nhất.
Xin cảm ơn ông!
Quốc Phan