Việt Nam kiểm soát thành công Covid-19 nhờ làm chủ công nghệ

(Dân trí) - Chiến lược ứng dụng công nghệ vào việc kiểm soát, phòng chống và điều trị Covid-19 tại Việt Nam cho thấy kết quả đáng khích lệ khi hơn 2 tháng qua không có ca nhiễm mới.

Việt Nam kiểm soát thành công Covid-19 nhờ làm chủ công nghệ - 1

Sáng nay (5/11) tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã tổ chức Hội thảo chia sẻ, giới thiệu với cộng đồng quốc tế về ứng dụng Khoa học - Công nghệ trong việc triển khai phòng chống, điều trị Covid-19 với sự tham gia của đại diện Đại sứ quán nhiều nước, các tổ chức quốc tế, đại diện báo chí quốc tế tại Việt Nam. 

Hội thảo diễn ra trong bối cảnh thế giới đạt kỷ lục mới về số lượng người nhiễm Covid-19, nhưng tại Việt Nam trong 2 tháng qua không có ca nhiễm mới trong cộng đồng.

Trước thành công ban đầu này, đại diện Bộ Y tế và Bộ TT&TT đã chia sẻ các kinh nghiệm trong chiến dịch phòng chống dịch, trong đó không thể không kể đến việc xây dựng và phát triển các ứng dụng công nghệ rất hiệu quả trong việc ngăn chặn, phát hiện, khoanh vùng để cách ly, điều trị thành công những ca bệnh Covid-19.

Việt Nam kiểm soát thành công Covid-19 nhờ làm chủ công nghệ - 2

Ông Trần Xuân Đà, GĐ Trung tâm dữ liệu y tế, Cục CNTT (Bộ Y tế).

 Ông Trần Xuân Đà, Giám đốc Trung tâm dữ liệu y tế, Cục CNTT (Bộ Y tế) nhấn mạnh rằng để đạt những thành quả chống dịch như thời gian qua, bên cạnh sự chỉ đạo rất kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo, các cấp, các ngành, cơ quan Trung ương, địa phương... thì việc xuất hiện của các giải pháp, ứng dụng CNTT đã có tác động rất lớn.

“Ứng dụng CNTT kết hợp cùng hệ thống y tế sẵn có, đã giúp Việt Nam có nền y tế hiệu quả, kịp thời phòng, chống, đẩy lùi dịch bệnh Covid-19”, ông Đà cho biết. “Qua đó có thể thấy đại dịch Covid-19 chính là cơ hội ngàn năm để tăng tốc chuyển đổi số quốc gia, chuyển đổi số y tế”. 

Ưu điểm lớn nhất của các ứng dụng CNTT khi được xây dựng và triển khai, theo đại diện của Bộ Y tế, đó là hỗ trợ xác định vùng nguy cơ và các đối tượng nguy cơ nhanh chóng, chính xác, kịp thời, và tiết kiệm nguồn lực hơn so với các biện pháp truyền thống.

Nhờ đó, người dân có thể dễ dàng tiếp cận thông tin y tế để sử dụng các dịch vụ y tế có hiệu quả cao, hiện đại, chất lượng, và hội nhập quốc tế.

Việt Nam kiểm soát thành công Covid-19 nhờ làm chủ công nghệ - 3

Ông Đỗ Lập Hiển, PGĐ Trung tâm Chính phủ điện tử, Cục Tin học hoá (Bộ TT&TT).

Tại buổi hội thảo, ông Đỗ Lập Hiển, Phó Giám đốc Trung tâm Chính phủ điện tử, Cục Tin học hoá (Bộ TT&TT) cũng chia sẻ những dấu ấn về chuyển đổi số mà Việt Nam đạt được từ sau khi đối mặt với “thử thách” Covid-19. Cụ thể như sau: 

Về tuyên truyền, cảnh báo, Việt Nam ghi nhận 11 đợt nhắn tin (mỗi đợt tới hơn 125 triệu thuê bao cả nước) với 20 nội dung tuyền trên, 15 tỷ tin nhắn SMS, 5 tỷ bản tin Zalo, tỷ lệ tiếp cận thông tin về phòng chống Covid-19 đạt 78%. 

Về y tế trực tuyến, Việt Nam đã xây dựng thành công hệ thống khám chữa bệnh từ xa với 6 lĩnh vực trọng yếu, từ đó kết nối các bệnh viện hội chuẩn toàn quốc với các chuyên gia hàng đầu để đưa ra phác đồ điều trị nhanh chóng, hiệu quả. 

Về dạy và học trực tuyến, Việt Nam xây dựng kho dữ liệu gồm 5.000 bài giảng điện tử E-learning, giúp dạy học trực tuyến qua truyền hình và các hệ thống, cung cấp miễn phí giải pháp, tài khoản học trực tuyến với hơn 30.000 trường trên phạm vi toàn quốc. 

Về dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, Việt Nam đạt tỷ lệ 24.71%, tăng hơn gấp đôi so với năm 2019 (10.76%). Các lĩnh vực khác như làm việc trực tuyến, họp hội nghị trực tuyến cũng tăng mạnh. 

Điều này cho thấy từ nhu cầu giãn cách xã hội, cũng như bắt đầu điều kiện bình thường mới đã có tác động mạnh mẽ tới tiến trình chuyển đổi số tại Việt Nam.

Bên cạnh các biện pháp chuyên môn của ngành y tế, chiến lược ứng dụng công nghệ vào việc kiểm soát, phòng chống và điều trị Covid-19 đã được đẩy mạnh. Các điểm nhấn về công nghệ có thể kể đến ứng dụng Bluezone với chức năng cảnh báo, truy vết khi có tiếp xúc gần với người nhiễm Covid-19; ứng dụng thiết bị thở oxy lưu lượng cao HFNC trong việc điều trị Covid-19; việc phát triển thành công bộ Kit thử trong việc chẩn đoán bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2; phần mềm khai báo y tế NCOVI...

Việt Nam kiểm soát thành công Covid-19 nhờ làm chủ công nghệ - 4

Ông Nguyễn Tử Quảng, CEO Bkav.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Tử Quảng - CEO Bkav đã nhấn mạnh những tiến bộ về mặt công nghệ và tầm quan trọng của ứng dụng Bluezone trong diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. “Nếu như coi cuộc chiến với Covid-19 như một cuộc chiến tranh sinh học, thì Bluezone giống như một vũ khí hiệu quả để chống lại các cuộc chiến tranh như vậy”, ông Quảng khẳng định.

Đồng quan điểm với các diễn giả khác, CEO Bkav cũng cho rằng với sự giúp sức của CNTT, Việt Nam cũng như các nước trên thế giới hoàn toàn có thể “chung sống hoà bình” với Covid-19, hay nói cách khác là bước vào giai đoạn bình thường mới, với việc tiếp tục mở lại đường bay, giao thương giữa các nước với nhau, mà vẫn khống chế được tốc độ lây lan, cũng như truy vết được dịch bệnh. Từ đó, giảm thiểu các tác động tới nền kinh tế mà Covid-19 mang lại.

Về mức độ hiệu quả của Bluezone, ông Quảng cho biết trong thời gian qua, ứng dụng này đã có 23 triệu người Việt Nam cài đặt, đóng góp vai trò quan trọng trong công tác cảnh báo, truy vết tại các ổ dịch Đà Nẵng, Hải Dương, với khoảng 2.000 ca F1, F2 được phát hiện.

Bên cạnh Bluezone, hội thảo cũng nhắc đến các các điểm nhấn về công nghệ được Việt Nam áp dụng hiệu quả như ứng dụng thiết bị thở oxy lưu lượng cao HFNC trong việc điều trị COVID-19; việc phát triển thành công bộ Kit thử trong việc chẩn đoán bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2; phần mềm khai báo y tế NCOVI...