Việt Nam hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu

Thế Anh

(Dân trí) - Hàng loạt ông lớn công nghệ như Dell, Apple, HP, Google đều đang tích cực mở rộng hoạt động sản xuất ra bên ngoài Trung Quốc.

Nguồn tin từ Nikkei Asia cho biết Dell - một trong những nhà sản xuất máy tính xách tay lớn nhất thế giới, đang lên kế hoạch ngừng sử dụng chất bán dẫn do Trung Quốc sản xuất vào năm 2024 và chuyển khoảng 50% hoạt động lắp ráp khỏi quốc gia này vào năm 2025.

Việt Nam hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu - 1

Dell đang tích cực thúc đẩy mở rộng hoạt động sản xuất bên ngoài Trung Quốc (Ảnh: SCMP).

Theo SCMP, động thái này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị và sự gián đoạn của chuỗi cung ứng suốt thời gian qua. Dell bắt đầu đẩy mạnh hoạt động tại Trung Quốc từ năm 1995 với các cơ sở sản xuất tại Hạ Môn, Thành Đô và Côn Sơn. Công ty hiện có 4 trung tâm nghiên cứu, 12.500 nhân viên và hơn 12.000 cửa hàng tại Trung Quốc.

"Dell và nhiều thương hiệu lớn khác đã đặt mục tiêu giảm phụ thuộc vào năng lực sản xuất ở Trung Quốc, thúc đẩy các ODM và đẩy nhanh quá trình sản xuất bên ngoài Trung Quốc", Chiu Shih-fang, nhà phân tích chuỗi cung ứng và công nghệ tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Đài Loan, nhận định.

Hầu hết laptop của Dell hiện được lắp ráp thông qua các đối tác tại Trung Quốc gồm Compal Electronics và Wistron Corp. Cả hai công ty này đang tích cực mở rộng hoạt động tại Việt Nam.

Tháng 11/2022, Compal Electronics cho biết họ đã đầu tư 60 triệu USD vào một nhà máy ở Việt Nam. Trong khi đó, Wistron Corp cũng đang mở rộng các cơ sở sản xuất ở Đài Loan và Việt Nam.

Eddie Han - một nhà phân tích tại Isaiah Research, cho rằng sẽ cần nhiều thời gian để đánh giá liệu việc mở rộng dây chuyền sản xuất bên ngoài Trung Quốc có thể theo kịp nhu cầu hay không. Tuy nhiên, việc đa dạng hóa sẽ trở thành xu hướng trong 5-10 năm tới.

Bên cạnh Dell, một ông lớn khác trong lĩnh vực công nghệ là Apple cũng đang cho thấy tham vọng mở rộng hoạt động sản xuất bên ngoài Trung Quốc. Giữa tháng 12/2022, trang Nikkei Asia tiết lộ Apple đang làm việc với Foxconn - đối tác gia công sản phẩm lớn nhất của công ty, để lên kế hoạch sản xuất những chiếc MacBook tại Việt Nam sớm nhất từ tháng 5/2023.

Việt Nam hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu - 2

Apple cũng đang làm việc với các đối tác để tăng cường sản xuất tại Việt Nam (Ảnh: Huy Nguyễn).

Trên thực tế, Apple đã lên kế hoạch chuyển một số hoạt động sản xuất MacBook sang Việt Nam trong gần 2 năm qua. Công ty cũng đã thiết lập một dây chuyền sản xuất thử nghiệm tại Việt Nam. Chưa dừng lại ở đó, nguồn tin từ Bloomberg còn cho biết Apple cũng đang lên kế hoạch chuyển hoạt động sản xuất máy tính Mac Pro về Việt Nam.

Sự đa dạng hóa trong chuỗi cung ứng của Apple tại Việt Nam đã bắt đầu với việc sản xuất mẫu tai nghe không dây AirPods vào năm 2020. Công ty cũng đã chuyển một số sản xuất iPad và Apple Watch sang Việt Nam trong năm 2022. Ngoài ra, Apple còn tích cực mở rộng việc sản xuất iPhone 14 tại các nhà máy ở Ấn Độ.

Gần đây nhất, nguồn tin từ SCMP cho biết BOE Technology Group - đối tác cung cấp cho cả Apple, cũng đang lên kế hoạch đầu tư 400 triệu USD để xây dựng hai nhà máy tại Việt Nam.

Động thái trên tiếp tục cho thấy nỗ lực của Apple và các đối tác trong quá trình đa dạng hóa chuỗi cung ứng bên ngoài Trung Quốc. BOE được Apple đưa vào danh sách đối tác sản xuất từ năm 2021. Đơn vị này cung cấp màn hình OLED sử dụng trên những mẫu iPhone của Apple. Theo ước tính từ nhà phân tích Ming-Chi Kuo, BOE sẽ trở thành nhà cung cấp màn hình lớn nhất cho iPhone vào năm 2024.

Theo SCMP, CNBC