Việt Nam đi tìm cơ hội cho doanh nghiệp khởi nghiệp

(Dân trí) - “Chúng ta hãy bắt đầu từ một trường ĐH khởi nghiệp, để trong một tương lai không xa chúng ta sẽ có 1 thành phố khởi nghiệp, và sau một thời gian ngắn, Việt Nam sẽ trở thành một quốc gia khởi nghiệp”, ông Nguyễn Quân, Bộ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ nhấn mạnh.

Cơ chế chính sách của chúng ta chưa thực sự khuyến khích

Phát biểu tại Ngày hội Khởi nghiệp và Công nghệ Việt Nam 2015 (TECHFEST) được tổ chức tại khuôn viên Đại học Quốc gia Hà Nội hôm nay, ông Nguyễn Quân, Bộ trưởng Bộ KHCN chia sẻ về thế hệ trẻ cùng với các cơ hội tiến tới biển lớn của các doanh nghiệp nhỏ mới khởi nghiệp (startup).

“Từ 2007, với tinh thần đổi mới sáng tạo, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 80 về doanh nghiệp hoá công nghệ. Chúng tôi mong muốn đây sẽ là lực lượng quan trọng nhất của DN trong việc đi đầu ứng dụng các tiến bộ KHCN, các kết quả nghiên cứu, các tài sản công nghệ vào sản xuất kinh doanh, tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh cao, có giá trị gia tăng để chúng ta có thể vững vàng bước vào cuộc cạnh tranh toàn cầu, khu vực”, Bộ trưởng Quân nói.

Theo Bộ trưởng Bộ KHCN, yêu cầu này đặc biệt bức thiết khi chúng ta tham gia vào cộng đồng kinh tế ASEAN, khi chúng ta ký hiệp định tự do thương mại với rất nhiều quốc gia và khu vực, và nhất là khi chúng ta trở thành thành viên của hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương TPP.

Bộ trưởng Quân cho rằng, trong bối cảnh đó, những kinh nghiệm của các nước đi trước chúng ta, đặc biệt quan trọng, giúp chúng ta có thể xây dựng được những đội ngũ doanh nghiệp có trình độ cao về công nghệ, có đội ngũ nhân lực có đầy đủ năng lực, đáp ứng được nhu cầu phát triển trong giai đoạn kinh tế trí thức.

Việt Nam đi tìm cơ hội cho doanh nghiệp khởi nghiệp
Ông Nguyễn Quân, Bộ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ cho rằng Việt Nam nên xây dựng thành một quốc gia khởi nghiệp như là Israel.

“Bài học của Israel, một quốc gia khởi nghiệp hàng đầu trên thế giới và rất đáng quý đối với chúng ta”, người đứng đầu lĩnh vực KHCN nói. Israel mới lập quốc cách đây 60 năm, với vô vàn khó khăn về chiến tranh liên miên, cấm vận ngặt nghèo, sa mạc khô hạn, không có tài nguyên… Nhưng Israel lại đang nằm trong bậc phát triển thứ ba. “Israel của chúng tôi là một quốc gia nhỏ bé, nhỏ hơn cả nước Bỉ và chỉ bằng một bang New Yersey của Mỹ. Tuy nhiên, những gì chúng tôi đạt được ngày hôm nay đó là đang dẫn đầu thế giới về công nghệ cao, khởi nghiệp công nghệ, hay thu hút vốn đầu tư mạo hiểm từ rất nhiều các thương hiệu lớn trên thế giới, như Google, Microsoft, IBM, Intel....”, ông Oren Simanian, nhà sáng lập StarTau, Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, ĐH Tel-Aviv, Israel, cho biết.

Tuy nhiên, điều đáng nói là ba điểm mạnh nhất của Israel lại chính là ba điểm yếu nhất của Việt Nam. Bộ trưởng Quân cho rằng: “Cơ chế chính sách của chúng ta chưa thực sự khuyến khích. Chính vì thế mà trong 7-8 năm vừa qua, số lượng DN KHCN của Việt Nam phát triển rất chậm so với mong muốn cũng như là mục tiêu, chiến lược phát triển KHCN tới 2020”.

Việt Nam cần xây dựng thành quốc gia khởi nghiệp

Theo ông Quân, các DN startup phát triển khởi đầu từ môi trường ĐH, nơi mà hình thành các bán bộ, kỹ sư có năng lực, có hoài bão và có ý chí. Tuy nhiên, các DN KHCN của chúng ta hiện nay vẫn chưa xuất phát từ các trường đại học, các viện nghiên cứu mà từ các DN nhỏ.

“Chúng ta hãy bắt đầu từ một trường ĐH khởi nghiệp, để trong 1 tương lai không xa chúng ta sẽ có 1 thành phố khởi nghiệp, và sau một thời gian ngắn, chúng ta sẽ trở thành một quốc gia khởi nghiệp. Nếu chúng ta không đi theo bước đi này thì chúng ta sẽ không thể cạnh tranh được trong nền kinh tế toàn cầu, như Israel. Mặc dù trong 10 năm qua chúng ta đã có hững đốm lửa nhỏ nhoi về rất nhiều DN khởi nghiệp, có nhiều doanh nhân đã thành công như là Bkav, Naiscorp, các công ty cơ khí… nhưng những đốm lửa ấy chưa đủ để trở thành phong trào, với mục tiêu chúng ta phải có 5.000 DN khởi nghiệp vào năm 2020. Hy vọng ngày hội khởi nghiệp hôm nay sẽ giúp các nhà khoa học trẻ, các bạn SV tiếp cận với các nhà đầu tư, các doanh nghiệp thành đạt để xây dựng các DN khởi nghiệp sớm thành đạt”.

Tham gia Ngày hội Techfest 2015, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch tập đoàn FPT, kể rằng ông vừa mời chàng trai trẻ Nguyễn Hà Đông, tác giả của trò chơi đình đám trên thế giới Flappy Bird làm diễn giả trong một chương trình hội thảo của FPT. “Chúng tôi tò mò và muốn biết làm sao chàng trai trẻ này lại có một khát vọng vươn ra thế giới như vậy. Và câu chuyện của Hà Đông cho chúng tôi biết rằng từ lúc cậu bé này mới chỉ có 6 tuổi, Hà Đông đã khao khát được kiếm tiền để giúp đỡ bố mẹ mình. Và năm tròn 11 tuổi, mẹ của Hà Đông mua cho cậu 1 chiếc máy tính, cậu bé đã thay đổi ý nghĩ vươn ra biển lớn, tiến tới toàn cầu.

Ông Bình cho rằng, Hà Đông thực ra chỉ là một trường hợp trong hàng nghìn người trẻ VN cùng có một ước mơ để thay đổi cuộc sống của mình. Và, Hà Đông đã thành công khi nghĩ về “toàn cầu” trong khi thiết kế game Flappy Bird, và trò chơi này không chỉ dành riêng cho người Việt mà cho toàn thế giới.

Ông nói con người vẫn luôn tồn tại hai yếu tố đó là khả năng sinh tồn và giấc mơ làm nên những điều kỳ tích. Và ngày nay, Internet đã góp một phần giúp chúng ta sớm đạt được giấc mơ của mình.

Dường như mong ước tìm kiếm các cơ hội khởi nghiệp đã và đang thôi thúc giới trẻ Việt. Tham gia Techfest, nhiều bạn trẻ, là chủ các doanh nghiệp nhỏ, hay là những người mới chỉ có những ý tưởng của riêng mình cũng đã tìm cách giao lưu, chia sẻ với các nhà đầu tư nước ngoài tham dự sự kiện.

Tại sự kiện Techfest 2015 lần đầu tiên tổ chức, có hơn 50 doanh nghiệp khởi nghiệp KH&CN tham gia triển lãm sản phẩm công nghệ và kết nối đầu tư, trong số đó có cả các DN đã khởi nghiệp thành công, như Appota, Younetmedia…, cùng những DN trẻ nhưng sản phẩm giàu tiềm năng thị trường và được nhiều nhà đầu tư quan tâm, như VP9, LCTech, Beeketing, Babyme, Hisella, Umbala..

Techfest 2015 diễn ra từ ngày 15-17/5 tại khuôn viên Đại học Quốc gia Hà Nội, 144 Xuân Thuỷ, Cầu Giấy, Hà Nội.

Khôi Linh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm