Việt Nam đang dần mất thị phần Quỹ đầu tư mạo hiểm

(Dân trí) - Theo đánh giá của giới đầu tư, những năm 2007-2008 thì Việt Nam đã kéo được rất nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm để đầu tư cho quỹ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nhưng gần đây thì thị phần về đầu tư mạo hiểm của Việt Nam giảm rất đáng kể và thay thế vào đó là sự trỗi dậy của Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia.

Trước thực trạng này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa có ý kiến chỉ đạo Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) chủ trì và phối hợp với các Bộ/ngành đề xuất xây dựng chính sách khuyến khích thành lập quỹ đầu tư phát triển công nghệ mới, công nghệ cao, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3/2016.

Vậy xu hướng xây dựng chính sách của Bộ KH&CN sẽ như thế nào? Việc thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm để ươm tạo các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo ra sao?...Phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Hồng Quất – Cục trưởng Cục Phát triển thị trường Doanh nghiệp (Bộ KH&CN) xung quanh các vấn đề liên quan.

Cục trưởng Phạm Hồng Quất cho biết: Hiện nay thì Cục Phát triển thị trường Doanh nghiệp được Bộ KH&CN giao chủ trì xây dựng cơ chế chính sách để hỗ trợ Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nói chung, đặc biệt là cơ chế khuyến khích đầu tư mạo hiểm cho ươm tạo các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, trong đó có những doanh nghiệp công nghệ cao, công nghệ mới hoặc những doanh nghiệp dựa trên những sản phẩm sáng tạo có khả năng tăng trưởng nhanh, cần huy động nguồn vốn từ xã hội, từ các nguồn đầu tư.

Cơ chế chính sách chưa thông thoáng

Thưa ông, có một thực trạng đáng buồn đó là thị phần về đầu tư mạo hiểm vào Việt Nam đang ngày càng giảm. Ông có chia sẻ gì về điều này?

Cục trưởng Phạm Hồng Quất: Hiện nay hệ thống chính sách hiện hành về các quỹ đầu tư, thị trường chứng khoán, ngân hàng tín dụng về doanh nghiệp, các loại quỹ khoa học công nghệ tương đối nhiều những vẫn còn thiếu cơ chế để khuyến khích các nhà đầu tư tư nhân không đủ điều kiện về vốn, về quản trị…theo Luật Chứng khoán, Luật Ngân hàng, Luật Khoa học công nghệ, Luật Đầu tư có thể tham gia đầu tư trực tiếp vào các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Cục trưởng Phạm Hồng Quất
Cục trưởng Phạm Hồng Quất

Vì thế có thể nói rằng, những chính sách hiện nay giúp cho nhà đầu tư cá nhân, các công ty, các quỹ đầu tư mạo hiểm đang còn có những khó khăn so với những nước ở trong khu vực như Malaysia, Singapore hay Thái Lan. Như vậy ngay ở trong khu vực có thể chúng ta sẽ mất một thị phần rất lớn từ nguồn đầu tư nước ngoài trong mảng đầu tư mạo hiểm. Các doanh nghiệp khởi nghiệp có thể sẽ đi sang những đất nước khác mà có cơ chế thuận lợi hơn về gọi vốn, thoái vốn, về phát triển mở rộng thị trường của mình.

Điều này có nghĩa nhu cầu cấp bách hiện nay là chúng ta cần phải xây dựng một cơ chế chính sách làm nền tảng cho kêu gọi vốn đầu tư xã hội, đặc biệt là đầu tư cá nhân, đầu tư cộng đồng và đầu tư của các quỹ đầu tư mạo hiểm.

Được biết Thủ tướng Chính phủ đang giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng cơ chế chính sách này. Vậy xu hướng chính sách mà chúng ta xây dựng sẽ như thế nào?

Cục trưởng Phạm Hồng Quất: Chúng tôi hiện nay đang bàn thảo về hướng học những mô hình, những thực tiễn tốt nhất của thế giới phù hợp với hoàn cảnh của Việt Nam. Chẳng hạn như Israel, Singapore hoặc một số bang của Hoa kỳ. Đây là những mô hình mà chúng tôi cho rằng rất tốt. Mục tiêu là Nhà nước chỉ tạo nguồn vốn đối ứng ban đầu (nguồn rất nhỏ) gọi là “vốn mồi” để hấp dẫn, cuốn hút đầu tư của tư nhân, xã hội. Chính sách về thuế đối với các nhà đầu tư lĩnh vực này cần có những ưu đãi đặc biệt, coi như đó là một hình thức đầu tư của nhà nước cho phát triển khởi nghiệp một hệ doanh nghiệp mới.

Nhà nước có thể công nhận các hình thức đầu tư đang tồn tại ở các nước trong khu vực một cách phổ biến, được hợp pháp ở Việt Nam, tránh việc Luật hình sự coi đó là lập quỹ trái phép. Nếu chúng ta cứ hình sự hóa các hoạt động về huy động vốn trong kinh tế thì sẽ không tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Các nhà đầu tư thiên thần, các công ty có tiền nhàn rỗi muốn đầu tư lĩnh vực đó phải được cởi mở, thủ tục rất là thông thoáng, điều kiện đơn giản. Quan trọng nhất là chúng ta kiểm soát được hoạt động hiệu quả của họ.

Một trong những vấn đề cũng được đặc biệt quan tâm đó là trách nhiệm của những người quản lý nguồn vốn của nhà nước mang tính “vốn mồi”. Chúng ta nên hiểu rằng, với 10 dự án đầu tư có thể chỉ có 1 hoặc 2-3 dự án thành công nhưng bù lại 7-8-9 dự án thất bại thì cần phải được tính một cách tổng thể. Chẳng hạn như trong thời gian khoảng 7-10 năm chứ không thể tính hàng nằm để những người này có trách nhiệm về bảo toàn vốn như theo Luật quy định hiện nay.

Những cơ chế này hầu hết ở các nước đều rất cởi mở; trách nhiệm hình sự, trách nhiệm bảo toàn vốn, chỉ số đánh giá hiệu quả nguồn tiền đầu tư bằng công ăn việc làm mới, nguồn tiền mới, sản phẩm mới trong một giai đoạn dài hơi chứ không phải ngắn hạn thì nó sẽ là một cơ chế vừa khuyến khích, vừa thúc đẩy và hỗ trợ cho khu vực tư nhân đầu tư vào lĩnh vực ươm tạo doanh nghiệp khởi nghiệp, trong đó đặc biệt là nhóm khởi nghiệp có khả năng vươn ra trên thị trường quốc tế, kết nối với thị trường quốc tế, không chỉ giới hạn ở công nghệ cao, công nghệ mới mà thậm chí là công nghệ bình thương thôi nhưng có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị toàn cầu. Như vậy hệ sinh thái và chính sách đầu tư mạo hiểm sẽ được trải rộng hơn.

Hiện nay Cục đang chủ trương hợp tác với Cục phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) để phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ. Chúng tôi dự kiến có thể trở thành một chương trong Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, có Nghị định hướng dẫn thi hành cho loại hình Quỹ đầu tư mạo hiểm cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.

Năm 2016: Sẽ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp khởi nghiệp

Nói như vậy thì lộ trình thực hiện chắc sẽ còn khá lâu. Trong thời gian trước mắt nếu chúng ta cứ chờ đợi Luật, Nghị định ra đời thì các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hiện nay chắc hẳn sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn?

Cục trưởng Phạm Hồng Quất: Song song với việc đưa lên thành văn bản cấp Luật để ngang tầm với các Luật khác nhằm tạo ra một cơ chế bền vững thì chúng tôi có đề xuất những mô hình thí điểm. Chẳng hạn như Quỹ đầu tư thí điểm cho những doanh nghiệp khởi nghiệp hiện nay đang hoạt động tốt, đặc biệt theo Đề án Thung lũng Silicon Việt Nam mà Bộ KH&CN đã triển khai 2 năm nay. Vì cho các doanh nghiệp này được thí điểm nên họ được huy động vốn đầu tư của các nhà đầu tư, nhà nước có thể đối ứng và tính chỉ số đầu ra là sự gia tăng của doanh nghiệp.

Năm 2016, các doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ được hỗ trợ nhiều về mặt chính sách
Năm 2016, các doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ được hỗ trợ nhiều về mặt chính sách

Chúng tôi có thể cùng với Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất Chính phủ ban hành một Quyết định thí điểm thành lập một chính sách đầu tư mạo hiểm trong một số lĩnh vực và những kết quả thu được, bài học kinh nghiệm thu được từ mô hình thí điểm này sẽ được nhân rộng, nâng cấp lên thành văn bản Luật. Như vậy chúng ta sẽ có chính sách ngắn hạn và dài hạn để có thể xây dựng được Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Với chính sách ngắn hạn mà Cục trưởng đề cập ở trên thì liệu người nhận vốn, người được hỗ trợ vốn, thậm chí các tổ chức trung gian liệu có được hưởng lợi?

Cục trưởng Phạm Hồng Quất: Khi có Quyết định ban hành Hệ sinh thái cũng như có Quyết định thí điểm thành lập đầu tư mạo hiểm (dự kiến sẽ được ban hành sớm trong năm 2016) thì bản thân người nhận vốn, muốn kêu gọi vốn và người muốn đầu tư vốn sẽ được hưởng lợi trực tiếp theo một cơ chế rất là thông thoáng, ngang bằng với những quy định các nước trong khu vực.

Những người ở giữa trong việc tổ chức thúc đẩy khởi nghiệp, thúc đẩy kinh doanh, tư vấn, đào tạo cũng sẽ hưởng lợi. Họ sẽ được nhà nước đối ứng, được tạo điều kiện để có thể nhận được tiền quỹ ủy thác, quản lý thay cho các nhà đầu tư, đầu tư vào doanh nghiệp, theo dõi các doanh nghiệp bằng các chỉ số quốc tế để báo lại nhà đầu tư và họ cũng được hưởng phần trăm về cổ phần hoặc phí quản lý trong quá trình đó. Như vậy dần dần chúng ta sẽ hình thành những định chế trung gian chuyên nghiệp kết nối giữa người cần vốn và người có vốn.

Điều này có nghĩa hệ sinh thái sẽ hình thành nên một tầng lớp người chuyên đi gọi vốn giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp, các doanh nghiệp thì có người huấn luyện một cách chuyên nghiệp để làm sao gọi được vốn của nhà đầu tư ở trong nước cũng như nước ngoài

Theo quan điểm của tôi, nếu chúng ta làm được điều này ngay trong năm 2016, thì các hình thức đầu tư hiện có, những doanh nghiệp đang gọi vốn đầu tư, cần vốn hiện có trên thị trường sẽ được chính thức hóa, công nhận hợp pháp hóa chứ không phải tìm mọi cách để lẩn trốn thuế . Nói cách khác là tất cả đều được hoạt động một cách minh bạch trên thi trường đầu tư.

Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Hùng (thực hiện)

Clip: Trọng Trịnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm