Việt Nam cần chuẩn bị sớm để đuổi kịp thế giới triển khai 5G

(Dân trí) - “Việt Nam đã ra mắt mạng di động 4G hơi chậm hơn so với các nước. Do vậy, không nên chậm trễ trong việc khai thác mạng 5G. Triển khai mạng di động thế hệ mới này vào năm 2020 là bước đi thích hợp”, ông Thiều Phương Nam, Giám đốc Qualcomm Việt Nam, Lào, Campuchia, nói.

Không nên “chậm chân” với mạng 5G

Việt Nam mới chỉ phát triển mạng 4G trong 18 tháng qua nhưng các nước trên thế giới đang tích cực nghiên cứu để triển khai mạng di động thế hệ thứ 5 - 5G.

Chia sẻ với báo giới Việt Nam về việc liệu có quá sớm với Việt Nam khi nói về 5G, ông Jim Cathey - Phó Chủ tịch cấp cao và Chủ tịch khu vực Châu Á Thái Bình Dương & Ấn Độ, Qualcomm Technologies, cho rằng: “Không bao giờ là quá sớm để hoạch định tương lai và thực hiện quy hoạch. Việc lập kế hoạch sớm giúp thiết lập những nền tảng cần thiết cho các công nghệ tương lai. Việc triển khai 5G càng được chuẩn bị kỹ lưỡng, thì việc triển khai thực tế càng mạnh mẽ và hiệu quả hơn, không chỉ cho thị trường trong nước, mà có thể tạo ra những mô hình có khả năng nhân rộng ra thị trường nước ngoài”.


Đại diện Qualcomm cho rằng ở thời điểm này, việc trao đổi về tần số cho 5G là vấn đề quan trọng đối với Việt Nam.

Đại diện Qualcomm cho rằng ở thời điểm này, việc trao đổi về tần số cho 5G là vấn đề quan trọng đối với Việt Nam.

Đại diện Qualcomm cũng nói rằng, về mặt thời điểm, những hoạt động chuẩn bị cho 5G trên thực tế đang diễn ra khắp nơi trên thế giới, ở tầm quốc tế là Liên minh Viễn thông Thế giới (ITU), ở tầm khu vực là Liên minh Viễn thông Châu Á Thái Bình Dương (APT). Việt Nam đang tham gia rất tích cực trong quá trình này, nhằm mang lại hiệu quả kinh tế qua việc hài hòa hóa tần số.

Được biết, trong năm 2019, ITU sẽ đưa ra quyết định phân bổ băng tần cho 5G. Hiện nay, ITU chưa có quyết định cuối cùng, nhưng một số quốc gia đã có kết luận về băng tần 5G cho riêng họ, như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản… “Quy hoạch tần số là một vấn đề dài hạn, do đó, thời điểm hiện nay, việc trao đổi về tần số cho 5G là một việc thực tế và quan trọng”.

Ông Sudeepto Roy, Phó Chủ tịch Kỹ thuật, Qualcomm Technologies, nhấn mạnh, 5G mang lại nhiều lợi ích hơn là tốc độ cao. Với một quốc gia đang công nghiệp hóa và có ngành công nghiệp sản xuất đang phát triển mạnh mẽ như Việt Nam, kết nối thiết bị bằng công nghệ không dây là một yêu cầu rất quan trọng. Khi được triển khai, 5G sẽ là một giải pháp “thần kỳ” đáp ứng được nhu cầu kết nối một số lượng lớn thiết bị trong nhiều ngành kinh tế xã hội khác nhau, không chỉ gói gọn trong dịch vụ thoại hay dữ liệu thông thường. Hiện nay, chúng ta đang sử dụng 4G LTE. Nếu 4G LTE được củng cố và phát triển thật tốt, đó sẽ là tiền để để phát triển 5G trong tương lai.

Ông Thiều Phương Nam, CEO Qualcomm khu vực Đông Dương cho rằng: “Việt Nam đã ra mắt 4G hơi chậm hơn so với các nước. Do đó không nên để chậm chân với 5G. Bước triển khai đầu tiên vào năm 2020 là hướng đi thích hợp.

Tốc độ 4G tại Việt Nam chưa hoàn hảo

Nói về 4G tại Việt Nam chưa phải có tốc độ hoàn hảo, ông Jim Cathey cho rằng Qualcomm có nhiều công cụ để giúp các nhà mạng tối ưu hóa dịch vụ, có thể là tối ưu hóa trên mạng lưới, hoặc tối ưu hóa về phổ tần. Về mặt phổ tần, ngoài các băng tần hiện đang sử dụng cho 4G LTE, bổ sung băng tần 2.6GHz là một giải pháp để tăng tài nguyên tần số, nâng cao chất lượng dịch vụ.

“Khi mới bắt đầu triển khai 4G LTE luôn có những khó khăn, thách thức nhất định. Theo từng bước phát triển, từng vấn đề sẽ được khắc phục dần. Đến một thời điểm, chất lượng dịch vụ sẽ ổn định, nhưng điều này cần một khoảng thời gian nhất định”, ông Jim Cathey nhấn mạnh.


Ông Thiều Phương Nam, Giám đốc Qualcomm Việt Nam, Lào, Campuchia.

Ông Thiều Phương Nam, Giám đốc Qualcomm Việt Nam, Lào, Campuchia.

Ông Nam cũng nói thêm, trong giai đoạn đầu, các nhà mạng tập trung vào việc triển khai trên diện rộng, mở rộng độ phủ. Hiện giờ là giai đoạn các nhà mạng tối ưu mạng lưới hạ tầng LTE đã triển khai. Trong năm 2017, các kỹ sư Qualcomm đã làm việc với ba nhà mạng lớn nhất Việt Nam: Viettel, VNPT, Mobifone, trong những dự án tối ưu hóa hạ tầng mạng lưới. Trong năm nay, các kỹ sư Qualcomm sẽ tiếp tục làm việc trong các dự án tối ưu hóa với các nhà mạng Việt Nam. Trong các dự án kéo dài từ 3 đến 5 tháng, các kỹ sư Qualcomm và các nhà mạng làm việc tích cực để kiểm tra mạng lưới, chia sẻ công nghệ để tối ưu mạng lưới, tư vấn tính năng mới của LTE để cải thiện tốc độ và chất lượng dịch vụ.

Nói về các kinh nghiệm ở các nước trong việc triển khai mạng di động, ông Sudeepto Roy cho biết: “Tại Ấn Độ, dịch vụ 3G không tốt nhưng khi các nhà mạng triển khai 4G, chất lượng có sự khác biệt, do đó mức độ tăng trưởng người dùng rất ấn tượng. Sau khi trải nghiệm dịch vụ và dữ liệu 4G, tại Ấn Độ, người dùng muốn trải nghiệm tốc độ dữ liệu cao hơn nữa bằng việc triển khai 5G. Dân số 1,4 tỷ người tại Ấn Độ sẽ đưa đến nhu cầu tăng trưởng mạnh mẽ.

Với quốc gia đang phát triển như Việt Nam, tương tự những “con hổ châu Á” khác, ngành sản xuất phát triển rất tốt. Đó cũng có thể là động lực để phát triển 5G. Việt Nam đã có nền tảng 3G rất tốt, mức độ sử dụng cao. Việt Nam sẽ có công thức riêng, không giống các quốc gia khác”.

Khôi Linh