Vì sao tăng cước 3G?
(Dân trí)- Cước 3G tăng là một điều tất yếu từ quy định áp dụng mức giá dịch vụ viễn thông phải cao hơn giá thành. Đó là chia sẻ của Bộ TT&TT, các doanh nghiệp viễn thông trong buổi Toạ đàm Vì sao tăng cước 3G diễn ra sáng nay.
Đại diện Cục Viễn thông, Cục quản lý cạnh tranh và các doanh nghiệp tham gia buổi toạ đàm về tăng cước 3G (Ảnh: Khôi Linh)
Buổi giao lưu "Vì sao tăng cước 3G"do báo điện tử Infonet tổ chức, với khách mời là đại diện cơ quan quản lý nhà nước, đại diện các doanh nghiệp viễn thông và đông đảo PV báo chí tại Hà Nội đã nóng ngay từ những phút đầu tiên với hàng trăm câu hỏi của bạn đọc quan tâm.
Nhà mạng có “bắt tay” nhau hay không
Bỗng dưng 3 nhà mạng cùng đồng loạt tăng cước 3G, có phải là hành vi bắt tay nhau để khống chế thị trường hay không? (Độc giả Huỳnh Ngọc Trác - Sài Gòn).
Đọc báo Tuổi Trẻ có thông tin nói dấu hiệu nhà mạng bắt tay nâng giá cước 3G. Bộ TT&TT có thấy điều đó không ạ? (Độc giả Vĩnh Thiện (TP.HCM):
Ông Nguyễn Đức Trung, Cục Viễn thông: Đối với các DN chiếm thị phần khống chế thì phải đăng ký giá dịch vụ với chúng tôi. 3 DN đã có văn bản đăng ký từ tháng 8, VMS và Viettel và VinaPhone đăng ký điều chỉnh giá cước. Trong quá trình thẩm định, doanh nghiệp cần phải bổ sung, giải trình phương án chậm nhất là ngày 13/9/2013. Trên cơ sở giải trình của DN thì chúng tôi có văn bản chấp thuận cho các doanh nghiệp điều chỉnh giá cước, văn bản chấp thuận được ký cùng 1 ngày 4/10 nên có thể trùng thời điểm tăng giá của các doanh nghiệp. Chúng tôi không ấn định thời điểm tăng giá thành. Sự trùng thời điểm tăng giá có xuất phát điểm từ phía Bộ TT&TT.
Hiện kinh tế rất khó khăn, tại sao nhà mạng lại chọn thời điểm này để tăng cước 3G? Tại sao 3 mạng lại tăng cùng 1 ngày? Có phải là bắt tay nhau hay không?
Đại diện MobiFone: Thực ra MobiFone đăng ký tăng cước 3G bằng văn bản vào ngày 9/8/2013, trong đó đề xuất tăng cước từ ngày 1/9/2013. Tuy nhiên, sau khi có thẩm định, trao đổi và giải trình với Cục Viễn thông, cuối cùng ngày 4/10 chúng tôi nhận được văn bản chấp thuận của Cục Viễn thông. Để chuẩn bị cho việc tăng cước, chúng tôi phải làm rất nhiều việc. Chúng tôi phải chuẩn bị hệ thống, chuẩn bị về truyền thông, thông báo cho khách hàng, cập nhật trên web… Phải có thời gian chuẩn bị nhất định.
Cũng như các mạng khác, MobiFone có 2 chu kỳ tính cước là ngày 1 và 16 hàng tháng, như vậy tương ứng có 2 lựa chọn điều chỉnh cước là ngày 1 và 16/10. Từ ngày nhận văn bản chấp thuận của Cục Viễn thông đã qua ngày 1/10, nên chúng tôi quyết định chọn ngày 16/10 để tăng cước, khi ấy đã đảm bảo đủ thời gian chuẩn bị về kỹ thuật, cũng như truyền thông.
Ông Hồ Đức Thắng – Phó Giám đốc Công ty Vinahone: Như đại diện Cục Viễn thông cũng như đại diện Viettel đã phát biểu trước đó, từ cuối tháng 8 chúng tôi đã có văn bản điều chỉnh giá cước và xin tăng từ 15/9. Sau đó Bộ yêu cầu giải trình bổ sung và đầu tháng 10 Vinaphone mới nhận được sự chấp thuận từ phía cơ quan quản lý. Thường chu kỳ tính cước vào đầu tháng, nửa đầu tháng thì giá cước sẽ được tính tròn tháng vào ngày mùng 1, còn nửa đầu chu kỳ 2 (ngày 16) thì cước sẽ chỉ tính nửa tháng. Do đó, để đảm bảo quyền lợi của khách hàng thì chúng tôi chọn ngày 16/10 bắt đầu tăng giá, như thế người dùng sẽ chỉ bị tính nửa chu kỳ cước của tháng đó.
Ông Nguyễn Đức Trung, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông: Nguyên tắc quản lý Nhà nước đưa ra là quản lý giá là phi đối xứng, hiểu theo nghĩa tất cả các doanh nghiệp thống lĩnh thị trường (SMP) được phép bán trên giá thành. Bộ TT&TT không ấn định giá thành nhưng có ngưỡng để doanh nghiệp phải tuân thủ. Ví dụ, giá bán không được dưới giá thành, còn giá cụ thể do doanh nghiệp đặt ra. Chúng tôi cho rằng như vậy là chúng tôi bảo vệ thị trường. Có những nước để tự do cạnh tranh hoàn toàn và khi đó có sụp đổ thị trường, khi đó, người ta sẽ quay lại quy kết trách nhiệm của cơ quan chức năng quản lý Nhà nước về viễn thông.
Trong quản lý thị trường có nhiều vấn đề, trong đó có quản lý về giá. Nhiệm vụ của chúng tôi không để cho thị trường tự chỉ thông qua cạnh tranh mà phải có luật. Không chỉ riêng ngành viễn thông mà các ngành khác chắc cũng có vấn đề giá. Điều đặc thù của ngành viễn thông là tham gia cam kết quốc tế, theo đó, Cục Viễn thông phải tham gia quản lý giá thành. Các nước cũng như tiến hành như vậy. Nếu không làm như vậy thì dẫn đến tình trạng thế nào? Nếu các DN được phép bán dưới giá thành thì doanh nghiệp mới tham gia thị trường không có cơ hội tham gia thị trường này. Theo quy định, những doanh nghiệp mới tham gia thị trường được phép cung cấp dịch vụ dưới giá thành, đó là điều thuận lợi cho các doanh nghiệp mới. Quy định như vậy để DN thống lĩnh thị trường không được phép chèn ép DN mới tham gia thị trường.
Giá tăng có đi đôi với việc chất lượng sẽ tăng theo?
Xin cho hỏi cam kết của nhà mạng về chất lượng 3G? (Nhiều độc giả)
Ông Nguyễn Đình Chiến - Phó Tổng Giám đốc Công ty MobiFone: Cảm ơn độc giả đã quan tâm. Về câu hỏi này, tôi xin trả lời, MobiFone là mạng luôn cam kết có chất lượng tốt nhất, và cũng được NTD đánh giá là mạng có chất lượng tốt nhất so với các mạng khác cả về mạng 2G, 3G. Chúng tôi luôn cố gắng nâng cao chất lượng tốt nhất cho khách hàng khi có thể.
Cũng như Viettel, so với cam kết ban đầu khi xin giấy phép, chúng tôi đã tăng số trạm phát sóng lên 4, 5 lần. Về chất lượng trạm, chúng ta có 2 câu chuyện để nói là: Vùng phủ sóng và chất lượng sóng tại trung tâm các thành phố lớn. Về vùng phủ sóng, năm 2013 chúng tôi tăng 3000 trạm và đến 2014, dự kiến xây dựng lên 4000 trạm. Thứ hai là chất lượng sóng trong thành phố, chúng tôi liên tục đo kiểm để tối ưu hóa mạng lưới. Sắp tới chúng tôi dự kiến sẽ nâng cấp tất cả các trạm lên tốc độ 21Mbps, cao hơn rất nhiều so với tốc độ cam kết trước đây trong giấy phép (7,2Mbps).
Đồng thời chúng tôi dự kiến lắp thêm 1000 trạm micro cell, small cell đảm bảo phủ vùng lõm trong thành phố vì đây là khu vực nhà cửa nhiều, nhiều khi bị mất sóng. Việc mở rộng vùng phủ sóng và nâng cao chất lượng sóng trong thành phố để đảm bảo chất lượng dịch vụ cho khách hàng. Đó là vài con số chúng tôi muốn chia sẻ với độc giả. Khi nhà mạng điều chỉnh cước, đồng nghĩa là sẽ có nhiều cơ hội để tái đầu tư nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng. Mong bạn đọc hiểu, thông cảm và chia sẻ với các nhà mạng.
"Nhà mạng tăng cước 3G nhưng vấn đề chất lượng khách hàng luôn quan tâm. Tăng cước nhưng không có bất kỳ cam kết chất lượng nào?" (Độc giả Thanh Nga – Hà Tĩnh)
Độc giả có nick Facebook Ếch Xanh: "Chất lượng 3G hiện quá kém, đi ngoại tỉnh nhiều lúc phát khùng với mạng mẽo. Vậy nhà mạng có cam kết gì về chất lượng dịch vụ 3G sau khi tăng cước hay không?"
Ông Hồ Đức Thắng – Phó Giám đốc Công ty VinaPhone: Cảm ơn độc giả đã đặt câu hỏi này và chúng tôi rất đồng cảm với các khách hàng khi đã bỏ tiền ra mua dịch vụ thì bao giờ cũng muốn dịch vụ được cung cấp là tốt nhất, tương xứng với giá tiền đã chi trả. Cũng như các nhà mạng Viettel, MobiFone, sau khi được cấp phép cung cấp dịch vụ 3G thì VinaPhone đã có cam kết xây dựng dịch vụ theo lộ trình. Sau 3 năm cung cấp dịch vụ này thì VinaPhone đều thực hiện đúng cam kết Bộ đưa ra. Hàng năm Bộ cũng có đợt kiểm tra, đo kiểm tại khu vực Bộ chỉ định và VinaPhone đều đảm bảo chất lượng cung cấp, thậm chí còn cao hơn chất lượng của Bộ quy định.
Tuy nhiên, khi xây dựng mạng thì phải theo lộ trình chứ trong một thời điểm không thể một lúc có thể xây dựng mạng hoàn chỉnh ngay, vừa xây dựng vừa tìm hiểu kỹ thuật để tối ưu hóa mạng lưới; điều chỉnh trạm phát sóng để phù hợp nhu cầu người dân. Trong lúc điều chỉnh nâng cấp mạng lưới như vậy cũng có nơi, thời điểm chất lượng không đảm bảo yêu cầu khách hàng, các nhà mạng phải cố gắng. Chúng tôi hiểu là nhu cầu của khách hàng về chất lượng dịch vụ ngày càng tăng, do đó nhà mạng đã và đang hết sức cố gắng để tăng chất lượng dịch vụ, đảm bảo đáp ứng nhu cầu khách hàng.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng mong độc giả có sự chia sẻ với nhà mạng. Nếu chúng tôi đầu tư mạng không có hiệu quả đầu tư thì khó có điều kiện nâng cao chất lượng lưới, tái đầu tư mạng lưới. Vừa rồi VinaPhone xin điều chỉnh tăng giá cước theo gói cũng là để nâng cao chất lượng mạng lưới, đáp ứng nhu cầu của độc giả.
Tôi muốn hỏi là tại sao khi hết lưu lượng tốc độ cao nhà mạng lại hạ băng thông xuống còn 4KB/s (32 kbps) mà không phải là con số khác, tôi thấy tốc độ này là quá chậm để lướt web hay check mail đc. (Tuấn Phong - ngoanrazor@gmail.com). Tốc độ 3G ngoài gói chỉ có 32 K quá thấp không dùng được gì, vì sao?
Ông Hồ Đức Thắng – Phó Giám đốc Công ty VinaPhone: Khi chúng tôi xây dựng gói cước data thì có nhiều gói cước khác nhau để khách hàng lựa chọn. Trong đó gói cước không giới hạn (unlimited) là một trong những gói khách hàng có thể lựa chọn. Nếu như gói cước giá trị gói bình thường hết dung lượng thì chúng tôi vẫn tính cước, nhưng đối với gói cước không giới hạn (unlimited) thì khách hàng vẫn có thể sử dụng sau khi hết dung lượng giá cước mà không phải trả tiền.
Vì tài nguyên vô tuyến hữu hạn nên nguyên tắc xây dựng giá phải đảm bảo không được dưới giá thành. Vì thế gói cước không giới hạn (unlimited) khách hàng có thể có thể kiểm soát chi phí và nhà mạng vẫn tuân thủ quy định không bán dưới giá thành.
Góc độ quản lý nhà nước đối với dịch vụ 3G
Sở cứ nào để Bộ TT&&TT cho nhà mạng tăng cước 3G? (độc giả Nguyễn Minh Hiển – HN)
Ông Nguyễn Đức Trung - Phó Cục trưởng Cục Viễn thông - Bộ TT&TT: "Dịch vụ 3G được chính thức cung cấp tại Việt Nam vào tháng 12/2009 gồm 3 doanh nghiệp và 1 liên doanh. Từ Thông tư 16 năm 2012, Bộ TT&TT yêu cầu DN phải báo cáo giá thành. Về sở cứ để Bộ phê duyệt giá cước 3G của nhà mạng, chúng tôi căn cứ nhiều văn bản quy định như Luật Viễn thông, Luật Giá, Luật Cạnh tranh. Luật Viễn thông Quy định tại Điều 55 Luật Viễn thông và Nghị định hướng dẫn Luật Viễn thông có quy định tại Điều 38, Luật Giá quy định tại Điều 5, Luật Cạnh tranh quy định tại Điều 13, ... quy định giá cước viễn thông phụ thuộc vào một số yếu tố như sau: Giá thành, cung cầu trên thị trường và giá cước khu vực và quốc tế.
Đối với DN chiếm thị phần khống chế thì không được phép cung cấp dịch vụ dưới giá thành. Hanoi Telecom có thể cung cấp dịch vụ thấp hơn giá thành theo quy định cụ thể. Hiện nay, các doanh nghiệp đang bán dưới giá thành (các Doanh nghiệp chứng minh giá thành theo quy định Bộ đã ban hành), thứ 2 là cung cầu trên thị trường, có thể trước đây khác, bây giờ khác khi mà người sử dụng nhiều data hơn, thứ 3 là giá cước data của các nước trong khu vực và quốc tế đều cao hơn Việt Nam. Do đó, tại thời điểm này, DN yêu cầu tăng giá theo giá thành là như vậy.
Các doanh nghiệp kinh doanh di động là doanh nghiệp nhà nước, thế thì mục tiêu chính hoạt động của các doanh nghiệp này là gì. Tối đa hóa lợi nhuận hay mở rộng phục vụ khả năng cung cấp dịch vụ để người dân có thể sử dụng với chi phí phải chăng và rộng rãi. Theo báo cáo tổng lãi của các doanh nghiệp này trong năm 2012 không hề nhỏ. (Viettel là 27.000 tỷ, VNPT là 8.500 tỷ). Vậy nếu cân bằng giữa hai yếu tố này thì tỷ lệ lợi nhuận trên doanh thu như thế nào là phù hợp cho doanh nghiệp theo mô hình này? (Huy Trương – Sài Gòn)
Ông Nguyễn Đức Trung- P.Cục Trưởng - Cục Viễn thông:
Nếu xét trên toàn dịch vụ viễn thông thì hiện nay 3 doanh nghiệp điều chỉnh giá đợt này đều kinh doanh có lãi mặc dù lợi nhuận năm 2013 dự kiến sẽ giảm so với năm 2012. Đã là doanh nghiệp thì dù doanh nghiệp nhà nước, liên doanh hay cổ phần là phải kinh doanh và đều đặt mục tiêu có lợi nhuận. Nhà nước sẽ điều tiết để mục tiêu phát triển kinh tế tăng trưởng nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu mở rộng khả năng cung cấp dịch vụ để người dân có thể sử dụng dịch vụ với giá hợp lý.
Không phải tất cả doanh nghiệp di động đều là doanh nghiệp nhà nước như bạn hiểu có doanh nghiệp cổ phần, có doanh nghiệp liên doanh như SPT hay Hanoi Telecom.
Tỷ lệ lợi nhuận trên doanh thu chỉ là một trong nhưng tiêu chí doanh nghiệp mong muốn đạt được khi xây dựng phương án kinh doanh. Tỷ lệ này phụ thuộc nhiều vào khả năng của doanh nghiệp và hoàn cảnh thực tế từng thời kỳ ví dụ lạm phát cao, hay tốc độ biến động công nghệ nhanh thì tỷ lệ này cao ngoài tỷ lệ này còn phải tính lợi nhuận trên chi phí, vốn. Nhà nước không xây dựng tỷ lệ chung lợi nhuận trên doanh thu cho doanh nghiệp nhà nước, đó là quyền của doanh nghiệp.
"Tôi đọc báo thấy Bộ TT&TT nói giá cước 3G của Việt Nam rẻ hơn các nước Asean. Tôi không tin điều đó có thật. Bộ có thể đưa ra bằng chứng chứng minh việc này?"(Thành Hưng Chiến – TP Hải Phòng, và nhiều câu hỏi tương tự)
Ông Nguyễn Đức Trung – Phó Cục Trưởng Cục Viễn thông: Vấn đề này chúng ta đã nói nhiều lần, đó là giá thành. Theo thống kê, hiện 80% giá thành tính vào cơ sở hạ tầng. Chúng ta không tự sản xuất được thiết bị mà nhập khẩu. Vì thế về nguyên tắc giá thành phải tương đương đồng với các nước trong khu vực. Ví dụ về BTS ở Singapore với ở Việt Nam, mặc dù ở Singapore có mức thu nhập rất cao nhưng giá thiết bị cũng giống hệt như ở Việt Nam. Như vậy sự khác nhau giữa giá thành ở Việt Nam với thế giới có thể từ 2 - 10%. Con số này theo báo cáo DN và chúng tôi sẽ kiểm chứng, anh Sơn bên Cục Quản lý cạnh tranh sau này sẽ kiểm chứng thêm.
Cơ sở nào để quản lý giá thành dịch vụ?(nhiều người hỏi)
Ông Nguyễn Đức Trung - Phó Cục Trưởng Cục Viễn thông: Như tôi đã nêu, từ đầu năm DN phải báo cáo giá thành. Năm 2012, Bộ đã ban hành thông tư giá thành rất rõ quy định cụ thể cách tính như thế nào.
Bản thân chúng tôi trong quá trình xây dựng thông tư về giá thành, được thực hiện đúng quy trình, được xin ý kiến rộng rãi của nhân dân và các cơ quan chức năng trước khi ban hành. DN tính giá dựa trên phương pháp giá quy định tại thông tư 16/2012/TT-BTTTT.
DN phải đăng ký giá thành theo quy định tại thông tư 18/2012/TT-BTTTT quy định dịch dụ DN có vị trí thống lĩnh thị trường về dịch vụ, thông tư 11/2013/TT-BTTTT quy định dịch vụ phải báo cáo giá thành dịch vụ truy nhập internet trên mạng di động là dịch vụ có vị trí thống lĩnh của 3 DN: VinaPhone, MobiFone, Viettel và dịch vụ này phải báo cáo giá thành.
Nhà mạng đồng loạt tăng cước 3G do phát triển OTT đang phát triển và bị lỗ có hợp lý hay không? Tôi không dùng OTT vì sao đang phải trả giá cước đắt hơn 40%?
Ông Hồ Đức Thắng - Phó Giám đốc Công ty VinaPhone: Xin khẳng định là không phải do sức ép của dịch vụ OTT đang bị lỗ mà VinaPhone phải tăng giá cước 3G. Chúng tôi thực hiện việc điều chỉnh giá cước theo đúng nguyên tắc xây dựng giá bán không dưới giá thành và hiện giờ VinaPhone tôi đang thực hiện bán giá tiệm cận với giá thành.
Về ý kiến nhà mạng tăng giá cước 3G tới 40%, chúng tôi xin giải thích thêm: nguyên tắc xây dựng giá là khách hàng có thể đăng ký hoặc không đăng ký gói cước sử dụng. Mục tiêu khi xây dựng mạng 3G nhằm khuyến khích giới thiệu để khách hàng dùng dịch vụ trên mạng 3G nên khi xây dựng giá cước trong gói rẻ hơn rất nhiều so với giá cước ngoài gói. Lần này VinaPhone chỉ điều chỉnh giá cước trong gói, chứ không điều chỉnh giá ngoài gói. Trong lúc cung cấp dịch vụ khách hàng thấy có 1 số gói chưa đúng với mục đích sử dụng của khách hàng nên trong điều chỉnh giá dịch vụ 3G lần này, VinaPhone bỏ một số gói cước, giữ nguyên giá một số gói cước, đồng thời xây dựng một số gói cước giá thấp để đáp ứng nhu cầu sử dụng của khách hàng.
Tôi xin khẳng định lại một lần nữa, không phải giá cước dịch vụ 3G tăng tới 40% như phản ánh của độc giả, vì giá cước ngoài gói hiện được VinaPhone được giữ nguyên. Ngoài ra, tỷ lệ khách hàng dùng ngoài gói cước hiện cao hơn trong gói rất nhiều, tỷ lệ khách hàng dùng trong gói thấp. Do đó, đối tượng khách hàng chịu tác động việc điều chỉnh cước dịch vụ 3G tương đối thấp, chứ không phải toàn bộ khách hàng.
Ông Nguyễn Đức Trung – Phó Cục Trưởng Cục Viễn thông: Với chức năng quản lý Nhà nước, sau khi thẩm tra đề xuất của doanh nghiệp, nếu thấy phù hợp quy định thì Bộ TT&TT sẽ chấp thuận hoặc không chấp thuận cho việc điều chỉnh giá cước của doanh nghiệp. Sự tồn tại của các gói cước hoàn toàn do thị trường quyết định. DN tự quyết định duy trì các gói cước hay không. Cơ quan quản lý Nhà nước không can thiệp vào việc duy trì các gói cước cụ thể của DN.
Thưa ông, ngành viễn thông với mục tiêu hướng tới và thực hiện thị trường tự do cạnh tranh nhưng hiện nay các doanh nghiệp viễn thông lại làm người ta liên tưởng đến đến câu chuyện của ngành xăng dầu. Đó chính là sự độc quyền của các ông lớn. Nhiều người cho rằng đây là bước đi thụt lùi của ngành viễn thông. Bộ có ý kiến gì về điều này? (Chí Thanh – HCM)
Ông Nguyễn Đức Trung, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông: Điều bạn giả thuyết là không đúng, viễn thông là một trong những ngành tại Việt Nam có cạnh tranh và cạnh tranh rất tốt nên người dân đã có quyền được lựa chọn dịch vụ và sử dụng giá cước rất hợp lý. Phần lớn các doanh nghiệp viễn thông Việt nam đều cạnh tranh thông qua giảm giá mà cụ thể là dịch vụ truy nhập internet qua mạng di động giá cước rất thấp so với giá thành và so với giá cước khu vực. Hầu như các thiết bị viễn thông Việt Nam phải nhập, chi phí này chiếm tỷ trọng rất lớn trên 80% trong giá thành trong khi giá cước Việt nam chỉ bằng khoảng 39,6% (sau điều chỉnh) so với ASEAN.
Kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa buộc các doanh nghiệp kinh doanh phải xây dựng giá cước trên cơ sở giá thành dịch vụ, cung cầu của thị trường và tương quan dịch vụ trong nước và thế giới. Điều đó được quy định tại, Khoản 2 Điều 55 Luật Viễn thông: “Giá cước viễn thông được xác định dựa trên cơ sở các căn cứ sau đây: Trên cơ sở giá thành, quan hệ cung - cầu trên thị trường và tương quan phù hợp với giá cước viễn thông của các nước trong khu vực và trên thế giới”. Để doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh cần phải tách bạch trong kinh doanh tránh bù chéo giữa các dịch vụ. Từ khi ra đời dịch vụ di động 3G để thu hút khách hàng, tăng lưu lượng sử dụng, doanh nghiệp đã giảm giá cước truy nhập internet xuống dưới giá thành rất nhiều lấy các dịch vụ di động khác bù lỗ cho dịch vụ này. Nhận biết được việc này Bộ đã yêu cầu dịch vụ phải báo cáo giá thành có dịch vụ truy nhập internet qua mạng di động (Tại Thông tư 11/2013/TT-BTTTT có quy định: Dịch vụ truy nhập Internet (2G, 3G) nằm trong Danh mục dịch vụ viễn thông thực hiện báo cáo giá thành) và có quy định tại Thông tư 18/2013/TT-BTTT yêu cầu dịch vụ truy nhập internet qua mạng di động phải đăng ký giá cước đối với doanh nghiệp SMP.
Với giá cước như trước điều chỉnh 16/10/2013 thì việc doanh nghiệp điều chỉnh tăng cước là việc cần làm và nếu thị trường không có biến động lớn thì trong tương lại doanh nghiệp sẽ tiếp chỉnh điều chỉnh tăng cước như lộ trình doanh nghiệp đăng ký với Bộ để đảm bảo giá cước không thấp hơn giá thành để thị trường phát triển bền vững, tránh đổ vỡ.
Giá cước 3G hiện nay giống như Giá điện, chỉ có tăng mà không có giảm. Liệu đây có phải là đợt tăng giá cước 3G cuối cùng của các nhà mạng hay không? (Đinh Nguyễn Minh Tuấn)
Đại diện Cục Viễn thông: Không phải như bạn hỏi, trước năm 2013 đợt tăng cước này, phần lớn giá cước viễn thông Việt Nam đều giảm. Đây là lần tăng giá đầu tiên phần lớn các gói cước truy nhập internet của 3 doanh nghiệp. (tháng 4 và 7/2013 có điều chỉnh 1 số gói cước của VMS và Vinaphone). Việc có tiếp tục điều chỉnh giá cước hay không tùy thuộc vào giá thành dịch vụ. Nếu không có biến động đột biến thì giá cước này còn điều chỉnh tăng để tiến tới giá cước không thấp hơn giá thành. Bạn nên cân nhắc nhu cầu sử dụng của mình để lựa chọn gói cước hợp lý.
Chúng tôi là những sinh viên nghèo, chưa có tiền dùng 3G thoải mái, nhưng vừa qua lại tăng giá cước. Vậy Bộ có chính sách nào dành cho những khách hàng như chúng tôi hay không? (Độc giả Hùng Mạnh, Bình Phước).
Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, ông Nguyễn Đức Trung: Như tôi đã phân tích là có nhiều sự lựa chọn. Tùy thuộc vào túi tiền của mình hoàn toàn có thể lựa chọn gói cước phù hợp. Tôi ví dụ như gói cước của Viettel đưa ra chẳng hạn, thậm chí còn rẻ hơn trước. Nếu tôi là sinh viên, hay là công chức tôi sẽ lựa chọn gói cước đó. Hiện từng DN có những gói cước đáp ứng với nhu cầu của từng đối tượng khách hàng. Các DN thậm chí có gói cước 10 nghìn, cũng có gói cước trung bình 50 nghìn cho công chức, sinh viên, nhưng cũng có gói cước rất lớn thường dùng cho giới doanh nhân. Bản thân từng DN cũng có những gói cước riêng, chứ không phải chỉ đưa ra một mức giá cước chung.
Ông Nguyễn Việt Dũng, Trưởng phòng Kinh doanh, Tập đoàn Viettel: Như Cục Viễn thông và các đồng nghiệp VinaPhone và MobiFone đã nói, các nhà mạng cũng như Viettel đều có nhiều khách hàng dùng gói data dưới 20 nghìn. Vì vậy Viettel có gói cước 10 nghìn đồng, giảm giá tới 40%. Các bạn học sinh, sinh viên luôn được ưu tiên dùng các dịch vụ tốt với giá rẻ, ví dụ như gói MImax, bán cho khách hàng thông thường là 70 nghìn nhưng sinh viên chỉ là 50 nghìn thôi. Các bạn sinh viên có thể yên tâm sử dụng dịch vụ trong thời gian tới.
-Tôi thấy điện tăng, xăng tăng vậy tăng giá cước 3G có phải là sự thụt lùi của ngành Viễn thông hay không?
Ông Nguyễn Đình Chiến - Phó Tổng Giám đốc Công ty MobiFone: Năm 2011 MobiFone là nhà mạng đầu tiên cung cấp gói cước không giới hạn MIU với giá 60.000 đồng/ 500Mb. Sau 2 năm, giá cước gói MIU là 70.000 đồng/600Mb. Nếu tính về đơn giá trong gói, như vậy còn rẻ hơn thời điểm năm 2011. Trong khi đó, từ 2011 đến nay, các bạn cũng thấy xăng tăng bao nhiêu lần, điện tăng bao nhiêu lần, CPI tăng bao nhiêu. Như anh Trung, Cục phó Cục Viễn thông chia sẻ, 80% chi phí đầu tư 3G là thiết bị phải nhập khẩu. 20% chi phí còn lại chúng tôi cũng phải chịu tăng giá do tăng chi phí điện, nước, thuê mặt bằng. Do đó, việc bán dưới giá thành là rất nguy hiểm. Tuy nhiên việc tăng cước phải đảm bảo có lộ trình.
Từ khi các mạng di động cung cấp dịch vụ 3G, Bộ đã kiểm tra hay chưa? Nếu có kiểm tra thì có mạng nào không đạt tiêu chuẩn chất lượng hay không? (Nguyễn Cường - Sơn La)
Ông Nguyễn Đức Trung - Phó Cục Trưởng Cục Viễn thông: Như đã nêu, hiện nay tiêu chuẩn chất lượng về di động nói chung chủ yếu nằm ở chất lượng thoại. Còn chất lượng của dịch vụ Internet thì có quy định riêng, chủ yếu áp dụng cho mạng cố định ADSL. Về phần cam kết của DN với data, thì hiện kiểm tra theo cam kết của DN về chất lượng trong quá trình được cấp phép. Ví dụ DN cam kết có bao nhiêu trạm BTS thì chúng tôi sẽ kiểm tra số lượng BTS như vậy. Để đánh giá trên quan điểm của khách hàng thì chúng tôi đang hoàn thiện tiêu chuẩn cho dịch vụ data trên di động. Khi đấy chúng tôi sẽ đánh giá theo chất lượng do Bộ TT&TT ban hành. Đến thời điểm này, hàng năm chúng tôi vẫn kiểm tra chất lượng dịch vụ của DN nhưng kiểm tra sâu về data hiện nay thì chủ yếu theo cam kết của DN chứ chưa có tiêu chuẩn cụ thể.
Ông Nguyễn Đức Trung, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông: Cảm ơn độc giả đã có câu hỏi thú vị. Như đã nói, chúng tôi không ấn định mức cước của DN. Vừa rồi có một số giải thích về gói cước và chất lượng, tôi xin có giải thích tổng thể luôn. Ngày 4/10, Cục Viễn thông ký văn bản chấp thuận việc điều chỉnh giá cước của DN. Ngoài nguyên tắc tăng giá cước trên cơ sở giá thành, thì cũng có một nguyên tắc cơ bản là DN phải công bố thông tin về gói cước và chất lượng do doanh nghiệp cam kết tới khách hàng. Cục VT cũng có công cụ để kiểm tra và thường xuyên kiểm tra DN về cam kết chất lượng dịch vụ.
Hầu hết các nước trên thế giới đến thời điểm này đều dựa vào cam kết của DN về chất lượng. Về chất lượng, chúng tôi sẽ làm thêm một bước chặt chẽ hơn đối với DN. Hiện nay chúng tôi đang xây dựng tiêu chuẩn về 3G. Vừa rồi, khi trả lời về chất lượng, DN giải thích vấn đề xây dựng cơ sở hạ tầng trên quan điểm DN. Về phía Bộ TT&TT sẽ xây dựng tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ, sẽ quy định rõ vùng phủ sóng,… sau này khi tiêu chuẩn được ban hành chúng tôi sẽ đánh giá chất lượng trên cơ sở này. Đây là 1 thách thức đối với các DN.Tất nhiên, tiêu chuẩn khi xây dựng, ban hành sẽ được Bộ TT&TT lấy ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp.
Liên quan câu hỏi mức cước bao nhiêu? Chúng tôi không ấn định tăng bao nhiêu. Nhưng tính toán cho thấy đợt này trung bình giá cước tăng khoảng 20%. Thực ra có nhiều gói cước cho khách hàng lựa chọn. Thuê bao của Viettel có thể chọn gói giảm 40% chứ không nhất thiết chọn gói đắt. Nên chọn gói cước phù hợp với mình. Khi dung lượng tối đa với gói cước đã hết, nhà mạng có thông báo gói cước đã hết, khách hàng có thể mở rộng gói cước. Có thể có 1 gói cước tăng nhiều lần nhưng tùy thuộc túi tiền của khách hàng. Nhiều người quan tâm tốc độ tải dữ liệu thì quan tâm gói đắt. Thu nhập thấp thì quan tâm gói nhỏ. Hoàn toàn do lựa chọn của khách hàng: nhiều tiền vào nhà hàng đắt tiền, ít tiền vào hàng ăn bình dân.
Khôi Linh - Bảo Khánh