1. Dòng sự kiện:
  2. Triển lãm CES 2025

Vì sao khó có thể ủng hộ ứng dụng mobile Việt?

Việc các chợ ứng dụng trên iOS, Android, BlackBerry, Marketplace mở cửa cho người dùng VN được xem là một cơ hội cho những nhà lập trình ứng dụng trong nước. Thế nhưng, vì sao người dùng khó có thể ủng hộ cho những ứng dụng mobile Việt?

Thiếu ý tưởng

 

Nếu nhìn vào danh sách những ứng dụng Việt được bán trên các chợ ứng dụng App Store hay Google Play Store, có thể nhận thấy các lập trình viên ứng dụng trong nước đang tỏ ra khá bế tắc trong việc đưa ra những ứng dụng có tính sáng tạo thực thụ. Phần lớn các ứng dụng đều có cấu trúc tương tự như một phần mềm đọc sách, với dữ liệu là những thông tin được góp nhặt khá cẩu thả trên internet. Sự khác biệt có lẽ chỉ được thể hiện chút đỉnh qua các ứng dụng văn phòng như từ điển, bộ gõ tiếng Việt, đọc báo…

 

Ngay cả với game, mảng đem lại thành công cho rất nhiều lập trình viên ứng dụng trên thế giới thì các game Việt chỉ là những phiên bản “Việt hóa” của các trò chơi nổi tiếng như Gold Miner (đào vàng), Pikachu Kawai, Bejeweled (xếp kim cương)… Đến đây, có lẽ nếu không bàn tiếp về vấn đề sở hữu trí tuệ thì sẽ tốt hơn, bởi gần như chắc chắn sự sao chép của những trò chơi này đều không nhận được sự đồng ý từ tác giả thực sự của chúng.

 

Đắt đỏ và thiếu chuyên nghiệp

 

Xét trên khía cạnh sở hữu trí tuệ, khó có thể nhận định một ứng dụng nào đó có mức giá đắt hay rẻ bởi nó còn phụ thuộc vào sự sáng tạo, nội dung của từng ứng dụng. Tuy nhiên, nếu so sánh mức độ đầu tư của một ứng dụng Việt với những ứng dụng có mức giá tương tự của các lập trình viên trên thế giới, có thể thấy hầu hết mức giá mà các lập trình viên trong nước đưa ra là khá đắt.

 

Đơn cử như để mua một ứng dụng Việt (nằm trong top 200 ứng dụng được mua nhiều nhất) trên App Store là Truyện Tranh, người mua phải bỏ ra số tiền lên đến 200.000đ cho một ứng dụng có quá nhiều khuyết điểm về mặt nội dung lẫn sự ổn định. Phần nội dung là phần quan trọng nhất thì ứng dụng này chỉ thực hiện một việc đơn giản là tải về từ một website khác với chất lượng rất kém.

 

Trong khi đó với số tiền tương tự, người sử dụng có thể mua được khá nhiều những ứng dụng được đầu tư với chất lượng hơn hẳn của các công ty ứng dụng hàng đầu thế giới. Thời điểm hiện tại, số lượng những ứng dụng Việt được đầu tư với chất lượng tốt, có mức giá tương đối hợp lý như Lich Van Nien, SayIT, Note Plus, Tu dien Lac Viet… vẫn khá ít ỏi. Và người tiêu dùng vẫn phải “cắn răng” mua những ứng dụng có mức giá trên trời để ủng hộ các nhà lập trình ứng dụng trong nước.
 
Vì sao khó có thể ủng hộ ứng dụng mobile Việt?
Nhiều ứng dụng mang “mác” miễn phí những thực chất người dùng phải trả một mức phí không nhỏ để được sử dụng.
 

 

Tuy nhiên, tình trạng này dù sao vẫn đỡ hơn việc người tiêu dùng bị qua mặt bằng những ứng dụng tưởng chừng miễn phí, nhưng thực chất mức giá của chúng còn đắt hơn so với các ứng dụng trả phí. Những ứng dụng này ban đầu thường được cung cấp miễn phí nhưng nếu muốn có được nội dung bên trong, người dùng phải thanh toán một khoản phí không hề nhỏ. Chẳng hạn với ứng dụng có tên Ẩm thực Việt, người sử dụng phải thanh toán một số tiền tương đương 400.000đ nếu muốn xem hết nội dung của ứng dụng này. Hay với một ứng dụng tử vi miễn phí có tên Tử vi 12 con giáp năm 2012, người dùng cũng phải trả mức phí tương đương 200.000đ mới được… xem bói.

 

Đây được xem là một nghịch lý khi so sánh với thị trường ứng dụng cho máy tính, nơi mà các nhà sản xuất phần mềm trong nước phải “chật vật” giảm giá thành để khuyến khích người tiêu dùng sử dụng phần mềm Việt. Thì mặt khác, người sử dụng thiết bị di động đang phải trả mức giá khá cao so với chất lượng thực sự của sản phẩm.

 

Một điều khá nực cười là đối với các chợ ứng dụng Việt là không những chỉ người tiêu dùng sợ lầm khi mua phải những ứng dụng kém chất lượng mà ngay cả những lập trình viên ứng dụng đôi khi cũng… sợ người mua là người Việt. Lý giải việc này khá đơn giản bởi đa số những giao dịch từ Việt Nam đến nay phần lớn vẫn chưa thật sự minh bạch, đặc biệt là những giao dịch trên App Store của Apple. Số lượng những giao dịch thật sự “sạch” bằng thẻ tín dụng có xuất xứ từ Việt Nam đến nay vẫn không nhiều, và hầu hết trong số đó đều có nguồn gốc từ thẻ tín dụng ăn cắp hoặc các thẻ quà tặng “chùa”. Chính vì thế nếu gặp tình trạng này quá thường xuyên thì công lao của các lập trình viên ứng dụng cũng trở nên công cốc!

 

Mặt khác, đối với một ứng dụng trên các thiết bị di động vì việc cập nhật, sửa lỗi thường xuyên là việc rất quan trọng để ứng dụng có thể tương thích tốt hơn sự thay đổi của hệ điều hành. Hơn nữa, đó cũng được xem là một chế độ hậu mãi sau bán hàng buộc của phải có của một nhà cung cấp có trách nhiệm.

 

Vậy nhưng trên thực tế, tình trạng “đem con bỏ chợ” của các nhà lập trình ứng dụng Việt vẫn xảy ra khá thường xuyên. Khi ứng dụng còn bán chạy, các lập trình viên vẫn có thể duy trì việc cập nhật từ 3-6 tháng/lần, nhưng khi doanh thu không còn hấp dẫn, các lập trình viên ứng dụng thường “ngoảnh mặt làm ngơ” như chưa từng sở hữu chúng.

 

Chính vì thế mà nhiều trường hợp ứng dụng bị lỗi nhưng mãi chẳng thấy bản cập nhật sửa lỗi, và người mua cũng chẳng có thông tin gì để liên lạc với người cung cấp. Đó có thể được xem là những lý do tại sao mà đến nay nhiều người dù rất muốn những vẫn khó có thể ủng hộ ứng dụng Việt.

 

Theo Công Danh

 eChip Mobile