Vì sao các trang thương mại điện tử liên tục “rời cuộc chơi”?
(Dân trí) - Sau khi trang thương mại Adayroi chính thức đóng cửa, thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam trong những ngày cuối năm nhận tiếp tin không mấy khả quan khi ông lớn Hàn Quốc cũng sắp làm điều tương tự.
Thêm một sàn thương mại điện tử đóng cửa
Cụ thể, trong một thông báo mới nhất của Lotte gửi đến đối tác của mình qua email cho biết, website thương mại điện tử Lotte.vn sẽ ngừng hoạt động từ ngày 20/02/2020 vì lý do thay đổi kế hoạch kinh doanh trong tương lai.
Thông báo này cũng nêu rõ, từ ngày 20/01/2020 sẽ ngừng hoạt động website Lotte.vn và đơn vị này sẽ hoàn tất công nợ với đối tác từ ngày thông báo đến trước ngày 20/02/2020. Sau ngày 20/02/2020, mọi khiếu nại sẽ không được giải quyết.
Với việc thông báo dừng cuộc chơi của Lotte và các sàn khác cho thấy thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam thực sự đầy khó khăn mặc dù tốc độ phổ cập internet luôn ở mức cao nhất trong khu vực.
Tính trong thời gian gần đây, trang TMĐT của Vingroup là Adayroi đã phải dừng cuộc chơi và tiếp đến là Vinpro sau khi thâu tóm vienthonga.vn cũng ngừng hoạt động.
Đừng dạy hư người dùng nữa!
Một chuyên gia nhìn nhận, thị trường thương mại điện tử ở Việt Nam rất tiềm năng và có tốc độ tăng trưởng cao. Tuy nhiên khác với các thị trường tiềm năng khác, ở Việt Nam thói quen mua sắm và cách mà các sàn tiếp cận người dùng hoàn toàn khác biệt. "Tâm lý cứ lên online là phải hàng giá rẻ, các sàn ra sức khuyến mãi để lôi kéo khách hàng. Họ không tập trung vào các mấu chốt là hệ thống giao nhận, cách tiếp cận mà dùng tiền để lôi kéo. Điều này dẫn đến còn tiền đốt thì kéo được khách, hết tiền thì hết khách".
Trong khi đó, hoạt động kinh doanh TMĐT có ưu điểm nổi bật hơn so với kinh doanh truyền thống là tính linh hoạt cao độ về mặt cung ứng và giảm thiểu phí tổn cho các đối tác kinh doanh. Thay vì lựa chọn mô hình cho người dùng thấy rõ về lợi ích khi mua sắm online thì các sàn lại chọn phương án bỏ tiền túi khuyến mại khủng để hút khách, chiếm thị phần.
Đồng quan điểm, một đại diện sàn TMĐT đã dừng cuộc chơi khác cho rằng, các sàn TMĐT xưa đến nay tại VN vẫn đang tiếp tục làm hư người dùng. "Hư" ở đây là nhồi nhét vào khách hàng cái ý nghĩ mua online bao giờ cũng rẻ, cũng giảm giá nhiều thay vì mua online tiện như mua offline. Lấy ví dụ, khi tung ra các chương trình bán hàng, nhiều sàn giảm giá 15. 20% khiến khách hàng thích thú và mua sắm. Chính nhờ vậy doanh số tăng mạnh nhưng khi quay trở lại với mức giá không giảm sức mua thấp. Để tiếp tục kích cầu, các sàn lại tiếp tục "chơi chiêu" giảm tiếp nhưng giảm trên giá cũ và câu khách hàng. Thực tế giá đã giảm trên còn đắt hơn cả giá bán ngoài thị trường khiến cho khách hàng e dè và tránh xa hơn. Vị đại diện này cho rằng, thay vì tập hư cho khách hàng, hãy tập cho họ thói quen, mua hàng online tiện như mua offline, tiền nào của đó, giao đúng cho khách hàng sản phẩm chất lượng đúng thứ mà họ đang cần.
Do đó, một vị đại diện bán lẻ nhận định, để có thể phát triển tốt, cần phải làm tốt được hai yếu tố: đó là nâng cao trải nghiệm và tăng niềm tin của khách hàng.
Niềm tin là yếu tố quan trọng và giúp cho doanh nghiệp tồn tại. Để có thể xây dựng được niềm tin của người tiêu dùng, cần phải làm tốt từ nhiều khâu, từ khâu vận chuyển, quy trình hoàn trả hàng, thanh toán và chất lượng của hàng hoá...
Đồng thời, cần phải giải quyết tốt những khiếu nại, góp ý từ người tiêu dùng trên mọi phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là social (mạng xã hội)... giúp khách hàng tin tưởng và an tâm hơn trong việc mua sắm.
Do đó, để có thể chiếm lấy được niềm tin và giúp cho thị trường này phát triển, các đơn vị TMĐT cần xem xét lại quy trình của mình, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng thay vì chỉ là những khuyến mại thiếu lượng người dùng trung thành. Đây được xem là yếu tố then chốt cho sự phát triển TMĐT tại Việt Nam.
Vũ Anh