Vi phạm bản quyền phần mềm: Thiệt kinh tế - hại uy tín

Theo công bố của Liên minh Phần mềm doanh nghiệp (BSA), tỉ lệ vi phạm bản quyền phần mềm tại VN chiếm tới 92% - đứng đầu thế giới về mức độ vi phạm. Tuy nhiên, đáng lưu ý là việc vi phạm khiến VN chịu thiệt về kinh tế, hại về uy tín đối với quốc tế, nhất là trong bối cảnh VN đang nỗ lực gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO).

Thực trạng nóng

 

Chỉ trong 3 tháng qua tại địa bàn Hà Nội, các cơ quan đã phát hiện 2 vụ vi phạm bản quyền phần mềm (BQPM) quy mô lớn. Cuối tháng 1/2006, đoàn kiểm tra liên ngành phát hiện tại số nhà 106 Ngọc Khánh (Ba Đình) số lượng lớn thẻ chơi game online  do Cty tin học Ngô tự ý phát hành.

 

Đặc biệt, đoàn kiểm tra cũng phát hiện đây chính là "đại bản doanh" đặt máy chủ cung cấp trò chơi MU online lậu. Theo đánh giá của đoàn kiểm tra thì đây là vụ vi phạm trắng trợn, bởi trước khi bị phát hiện, chính Trung tâm game online (thuộc FPT) đã có khuyến cáo Cty này.

 

Ngày 9/3, đoàn kiểm tra liên ngành lại phát hiện vụ vi phạm BQPM có quy mô lớn và nghiêm trọng: Tại Cty TNHH kinh doanh thiết bị Việt Nhật (BEN), tại 314 phố Bà Triệu, đoàn kiểm tra đã thu 4 đĩa và 8 CPU có chứa các phần mềm vi phạm. Giá trị của 2 vụ vi phạm trên ước tính đã là trên dưới 1 tỉ đồng.

 

Theo ông Phan An Sa, Chánh Thanh tra Bộ Văn hoá - Thông tin (VHTT), đã qua rồi giai đoạn "giáo dục, khuyến cáo" đối với các tổ chức, cá nhân về vấn đề bản quyền. Tháng 6/2005, Bộ VHTT và BSA đã có văn bản gửi đến 12.000 DN yêu cầu việc tôn trọng BQPM. Tháng 11/2005, Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) cũng đã được Quốc hội thông qua. Đến đầu năm 2006, Chương trình hành động về hợp tác phòng và chống xâm phạm quyền SHTT  giai đoạn 2006 - 2010 cũng đã được các bộ, ngành cam kết. Thế nhưng, việc vi phạm BQPM vẫn diễn ra rất nghiêm trọng.

 

Cần giảm thiểu thiệt hại

 

Con số BSA đưa ra khiến người ta giật mình. Tỉ lệ vi phạm BQPM tại VN năm 2004 là 92%, gây thất thoát hơn 41 triệu USD - một sự thiệt hại lớn về kinh tế. Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Khoa học - Công nghệ thì còn nguy hại hơn thế, khi VN đã tham gia đầy đủ các công ước về bản quyền, nhưng các tổ chức, cá nhân vẫn vi phạm. Điều này đã gây tổn hại lớn về mặt uy tín, vì tạo tâm lý e ngại đối với các nhà đầu tư cũng như cản trở các nỗ lực nghiên cứu, phát triển phần mềm.

 

Theo nhiều chuyên gia, dù VN đang rất nỗ lực ngăn chặn việc vi phạm BQPM, song dường như khung pháp lý chưa đủ sức mạnh răn đe. Các chuyên gia cho rằng, mức phạt đến 500 triệu đồng (đối với các thiệt hại về vật chất) và từ 5 đến 200 triệu đồng (đối với các thiệt hại về tinh thần) vẫn còn là nhẹ. Một điểm đáng lưu tâm là dù sự vi phạm BQPM tại VN có tỉ lệ cao, quy mô lớn, song cũng chưa có vụ việc nào được khởi tố hình sự.

 

Năm 2006, VN đặt mục tiêu giảm tỉ lệ vi phạm BQPM xuống còn 84%. Trên thực tế, tỉ lệ này vẫn là con số cao ngất. Song, nếu thực hiện được mục tiêu này thì VN có thể tạo 3.000 việc làm mới trong ngành CNTT, tăng doanh thu của ngành CNTT trong nước thêm 750 triệu USD và đóng góp 760 triệu USD cho nền kinh tế VN.

 

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo, chưa chắc VN có thể thực hiện được nếu như các nỗ lực pháp luật không được thực hiện nghiêm khắc. Đề cập đến giải pháp cho vấn đề này, ông Phan An Sa cho biết: Năm 2006, Chính phủ sẽ thực hiện các "chiến dịch" kiểm tra, xử lý các vi phạm. Đây sẽ là những biện pháp mạnh nhằm giảm thiểu thiệt hại; đồng thời, tạo lập uy tín của VN trước các nhà đầu tư bằng những nỗ lực và cam kết.

 

Theo Phạm Anh

Báo Lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm