Nhân Tài Đất Việt 2005
Ứng dụng Hỗ trợ thi trắc nghiệm trên mạng LAN
(Dân trí) - E-Learning đang là một lĩnh vực thu hút nhiều sự quan tâm và đầu tư chính bởi sự cần thiết của ngành Giáo dục và khả năng ứng dụng mạnh mẽ của công nghệ thông tin. Chàng sinh viên Nguyễn Ngọc Trung của lớp Sư phạm Tin K36, trường ĐH Sư Phạm Thái Nguyên cũng là một trong những người quan tâm đến vấn đề này.
Khái niệm E-Learning nhằm chỉ đến phương pháp đào tạo, học tập, soạn giáo án, soạn đề thi và tổ chức thi thông qua hệ thống mạng máy tính. Đặc điểm của phương pháp này là không cần tổ chức lớp học tập trung, bài giảng trực quan sinh động. Chỉ với một máy tính được nối mạng, học viên có thể gặp “thầy giáo” bất cứ lúc nào.
Với sự ra đời của E-Learning, phương pháp dạy học truyền thống đã không còn chiếm ưu thế tuyệt đối và đang dần bộc lộ các mặt hạn chế của nó. Trong giáo dục nói chung và trong hoạt động giảng dạy nói riêng, phương pháp kiểm tra, đánh giá bằng thi trắc nghiệm có những ưu điểm vượt trội ở một số nội dung môn học và trong những yêu cầu đánh giá khách quan so với phương pháp kiểm tra đánh giá truyền thống.
Việc áp dụng thi trắc nghiệm để đảm bảo tính khách quan trong mọi cấp học đang thu hút được sự chú ý của nhiều người. Ở các nước phát triển, việc áp dụng thi trắc nghiệm được quan tâm phát triển đúng mức. Ở Việt Nam trong những năm gần đây, phần mềm phục vụ E-Learning đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều.
“Tuy nhiên, hệ thống phần mềm thi trắc nghiệm của chúng ta còn nhiều hạn chế. Các phần mềm hiện có trên thị trường chủ yếu mới chỉ chạy trên máy đơn, việc soạn câu hỏi, tạo đề thi còn nhiều bất cập và chưa đễ dàng, thuận tiện cho giáo viên. Thị trường cũng dang có phần mềm thi trắc nghiệm trên mạng LAN, nhưng những phần mềm này còn khá cứng nhắc, vai trò của giáo viên không được đề cao. Cụ thể như không thêm được môn học, không quan tâm tới việc lưu trữ các câu hỏi để tạo ngân hàng câu hỏi cho các giáo viên khác tham khảo và học sinh dùng để tự kiểm tra kiến thức của mình” – Trung nhận xét.
Trung cho biết thêm, việc tham gia làm một phần mềm E-Learning là một quyết định rất khó khăn bởi đầu ra của sản phẩm rất hẹp, cần sử dụng các công nghệ phức tạp để bảo mật đề thi đồng thời phải cạnh tranh với các phần mềm khác. Nhưng với mong muốn được ứng dụng sản phẩm và không sợ thất nghiệp, chàng sinh viên Nguyễn Ngọc Trung luôn vững tin mình sẽ làm được và thành công. Đến với cuộc thi Nhân tài Đất Việt 2005. Trung hy vọng mình sẽ tìm được đầu ra bằng chất lượng của sản phẩm và sự hỗ trợ từ ban tổ chức.
PV