TV LCD gây ô nhiễm môi trường hơn than đá?
(Dân trí) - Một báo cáo môi trường mới đây khẳng định: hoá chất dùng rộng rãi trong quá trình sản xuất TV LCD và chất bán dẫn có thể gây hại cho môi trường hơn cả nhà máy nhiệt điện dùng than!
Theo nghiên cứu mới công bố của tờ Geophysical Research ra ngày 26/6, nitrogen trifluoride (NF3), hoá chất cực kì độc hại với môi trường hiện đang được sử dụng rộng rãi trong quá trình chế tạo màn hình LCD, chất bán dẫn và kim cương nhân tạo. Tổng mức sản xuất của chất này có thể lên tới 8 ngàn tấn trong năm 2009. Tác hại của nitrogen trifluoride đối với môi trường, đặc biệt trong việc gây ra hiệu ứng nhà kính mạnh gấp 17 ngàn lần khí CO2.
Tác hại của chất này vẫn chưa được chú ý tới do không nằm trong danh sách 6 khí bị cấm bởi thoả thuận nghị định thư Kyoto về thay đổi khí hậu toàn cầu. Theo tờ New Scientist, chỉ trong năm nay, chất khí này tác động đến môi trường ngang với tổng lượng khí gây hại môi trường của Áo, khoảng 67 triệu tấn. Điều đó có nghĩa nó tác động tới quá trình ấm lên toàn cầu mạnh hơn tất cả lượng thải ra của khí PFC và sulfur hexafluoride (SF6), vốn được coi là nguy hiểm hơn.
Các điều khoản trong nghị định thư Kyoto không đề cập đến NF3 và vài khí khác do không được thông tin đầy đủ về tầm ảnh hưởng rất lớn của các khí này.
Tác hại của NF3 lên môi trường sẽ rất lớn trong thời gian tới do sự phát triển của thị trường màn hình phẳng, bao gồm LCD, đặc biệt khi nước Mĩ chuyển hoàn toàn sang truyền hình kĩ thuật số tháng 2 năm tới. Cùng lúc, các tổ chức theo dõi cảnh báo môi trường sinh thái sẽ bị tổn hại nếu rác thải điện tử độc hại không được xử lý đúng đắn. Sẽ có khoảng 80 triệu tivi analog truyền thống bị vứt bỏ chỉ riêng tại Mĩ trong năm 2009.
TV LCD thường được quảng cáo thân thiện với môi trường do dùng ít năng lượng hơn plasma và các loại tivi CRT thông thường.
Hoàng Hải
Theo Cnet