Tương lai mạng không dây ở Việt Nam

Theo đánh giá các chuyên gia nước ngoài, WiMax tại VN sẽ "bùng nổ" trong 1 hoặc 2 năm tới khi nó bước qua giai đoạn thử nghiệm. Đặc biệt, WiMax sẽ có ảnh hưởng sâu rộng tới lĩnh vực mạng di động vì có thể hỗ trợ những tiện ích đa phương tiện như xem video, TV, truyền dữ liệu tốc cao... với chất lượng đảm bảo và giá thành rẻ.

Hy vọng WiMax

Với những lợi ích và tính năng vượt trội so với Wi-Fi, mạng WiMax đang được xem là giải pháp thay thế đầy triển vọng một khi nó được đưa vào sử dụng thực tế tại Việt Nam. WiMax cung cấp khả năng kết nối Internet không dây nhanh hơn, tốc độ uplink và downlink cao hơn, sử dụng được nhiều ứng dụng hơn, và quan trọng là vùng phủ sóng rộng hơn, và không bị ảnh hưởng bởi địa hình.

 

Chính vì vậy, WiMax rất thích hợp cho việc "phổ cập" Internet tới các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, những nơi có địa thế hiểm trở, khó khăn cho việc đi lại.

 

Nói tới WiMax , người ta có thể nghĩ tới rất nhiều giải pháp thay thế mà công nghệ này có thể mang lại. Đó chính là khả năng thay thế đường Leased-line - giúp triển khai dịch vụ nhanh hơn đường cáp quang; đường DSL - giúp tiếp cận nhanh hơn các đối tượng người dùng băng rộng; các điểm hotspot Wi-Fi - giúp giảm giá thành đường Leased-line và triển khai các điểm hostspot một cách nhanh chóng hơn; khả năng roaming giữa các dịch vụ Wi-Fi và WiMax , mang lại nhiều lợi ích cho người sử dụng; giúp xây dựng mạng dữ liệu di động tốc độ cao nhưng với giá thành thấp hơn.

 

Dự kiến, WiMax di động sẽ phổ biến vào năm 2007 cho các sản phẩm "di động" như: máy tính xách tay, điện thoại di động, PDA, thiết bị không dây...Với WiMax di động, người dùng đầu cuối có thể truy cập Internet không dây tốc độ cao lên tới 1Mbps tại bất kỳ nơi nào trong vùng phủ sóng bán kính rộng nhiều km.

 

VDC (thuộc VNPT) là đơn vị đầu tiên triển khai các loại hình dịch vụ và công nghệ tiên tiến này tại Lào Cai. WiMax do VDC triển khai thử nghiệm hoạt động trong dải tần từ 3,3GHz đến 3,4GHz, với thiết bị nhập từ hãng Alvarion - sản phẩm BreezeMAX.

 

Các ứng dụng cơ bản của dự án được triển khai bao gồm: Truy nhập Internet tốc độc cao dựa trên mạng WiMAX (Broadband Internet Access); thoại VoIP; Cổng thông tin điện tử cho cộng đồng (Community Portal); và Trung tâm dữ liệu phục vụ cho mục đích phát triển nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp (Agricultural/Handicraft Database).

 

Đây chỉ là những ứng dụng được triển khai trong quá trình thử nghiệm, còn khi chính thức đi vào hoạt động, WiMax sẽ có mặt trong tất cả các lĩnh vực viễn thông như: Internet, điện thoại di động, điện thoại IP Phone, điện thoại VoIP...

 

WiMax di động và 3G, vẫn là thì tương lai

 

Để triển khai 3G hay Wimax, quan trọng nhất là cần phải có sự đón đầu, nghiên cứu nhu cầu của khách hàng trước. Ngay cả trên thế giới, hiện nay, có nhiều nước cũng đã cấp phép 3G nhưng dịch vụ không phát triển.

 

Đầu năm nay, sau khi có sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, đã có bốn doanh nghiệp là Tập đoàn Bưu chính Viễn thông VNPT, Tổng công ty Viễn thông quân đội Viettel, công ty FPT Telecom và Tổng công ty truyền thông đa phương tiện VTC được phép mở dịch vụ Wimax di động và cố định.

 

Sau đó bốn doanh nghiệp cũng đã được Bộ Bưu chính Viễn thông cấp phép cho thử nghiệm cung cấp dịch vụ Wimax cố định trong thời gian một năm. Nhưng riêng với Wimax di động, theo Vụ trưởng Vụ Viễn thông Phạm Hồng Hải, từ nay tới cuối năm Bộ Bưu chính Viễn thông vẫn chưa thể cấp phép cho doanh nghiệp nào thử nghiệm.

 

Cùng chung "số phận" với WiMax, 3G là công nghệ được 5 mạng di động hiện đang cung cấp dịch vụ trên thị trường là VinaPhone, MobiFone, S-Fone, Viettel Mobile, EVNTelecom và một "tân binh" chuẩn bị hoà vào thị trường di động là HaNoi Telecom hướng tới cũng chưa thể có động tĩnh gì trong năm nay.

 

Nguyên nhân thì có nhiều, cho tới hiện nay Bộ Bưu chính Viễn thông mới đang hoàn thiện việc xây dựng quy hoạch về tần số cho 3G. Tuy nhiên, vẫn theo ông Hải, đó không phải là lý do chính. Để triển khai 3G hay Wimax, quan trọng nhất là cần phải có sự đón đầu, nghiên cứu nhu cầu của khách hàng trước. Ngay cả trên thế giới, hiện nay, có nhiều nước cũng đã cấp phép 3G nhưng dịch vụ không phát triển.

 

Một đại diện của mạng di động E-Mobile 096 cho hay, giờ họ lại đang băn khoăn bởi cũng không biết tính như thế nào với công nghệ 3G nữa. Họ dự kiến sẽ chọn công nghệ này làm lợi thế hút khách của mình nhưng qua thăm dò thị trường, tình hình có vẻ ngược lại. Nhu cầu của khách hàng đối với những dịch vụ triển khai từ công nghệ 3G không cao nếu không nói là rất ít người dùng.

 

Tuy nhiên, VNPT với hai mạng điện thoại di động là VinaPhone và MobiFone đều đã và đang triển khai những công nghệ cận 3G là GPRS (2,5G) và dự kiến tới cuối năm nay, công nghệ EDGE (2,75G) sẽ được họ cung cấp tới khách hàng và năm 2007, khách hàng của VinaPhone và MobiFone sẽ chính thức được sử dụng những tiện ích của công nghệ 3G. Mạng di động Viettel cũng đã hoàn thành việc xây dựng đề án phát triển 3G cho mạng 098 của mình.

 

Quan điểm của Bộ Bưu chính Viễn thông là để doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ ứng dụng công nghệ Wimax hay 3G theo khả năng của họ, thậm chí có thể một doanh nghiệp triển khai cung cấp cả hai công nghệ cũng được. Tuy nhiên để được triển khai chính thức hai công nghệ trên, doanh nghiệp sẽ phải xây dựng được những đề án khả thi và đem lại hiệu quả cao nhất trình Bộ xem xét.

 

Theo ông Phạm Hồng Hải, hiện nay vẫn xảy ra tình trạng doanh nghiệp cứ xin cấp phép rồi để đó giữ chỗ. Và tình trạng đó rất dễ lại tái diễn vì để đầu tư phát triển hai công nghệ trên đối với doanh nghiệp không hề đơn giản.

 

Để doanh nghiệp di động có thể phát triển công nghệ 3G họ sẽ phải có một hạ tầng mạng mới. Wimax Mobile cũng tương tự, khi triển khai công nghệ này cho di động cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp sẽ phát triển thêm một mạng di động hoàn toàn mới.

 

Doanh nghiệp sẽ tốn chi phí cho việc xây dựng hạ tầng, cơ quan quản lý nhà nước thì lại lo cấp tần số, một mã mạng mới... Đây không phải là một bài toán có ngay lời giải, do đó sẽ không còn việc hễ doanh nghiệp cứ xin cấp phép là được Bộ đồng ý như trước đây nữa mà các quy định sẽ phải khắt khe hơn.

 

Theo Hiền Trâm

Xã hội thông tin