Từ vụ việc SCTV bị phạt: Giành thuê bao… rồi tính tiếp!

Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội (TT-TT) đã ra quyết định yêu cầu Công ty TNHH truyền hình Cáp Saigontourist (SCTV - liên doanh giữa Đài Truyền hình Việt Nam và Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn) phải dừng phát tín hiệu công nghệ analog tại Hà Nội và ra quyết định xử phạt hành chính đơn vị này. Đằng sau hành vi vi phạm của SCTV đặt ra nhiều câu hỏi với cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành.

Tính đến ngày 31/03/2014,

SCTV được Bộ TT-TT cấp giấy phép triển khai dịch vụ truyền hình cáp tại địa bàn Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc từ tháng 1-2012. Riêng khu vực Hà Nội, SCTV không được cung cấp dịch vụ cáp công nghệ tương tự (analog). Hiện SCTV đã cung cấp dịch vụ đến 11 quận, huyện trên địa bàn Hà Nội với ước tính có khoảng 20.000 thuê bao.

Theo kết luận của Thanh tra Sở TT-TT, tại địa bàn 8 quận, SCTV chỉ ký hợp đồng cung cấp dịch vụ truyền hình cáp kỹ thuật số với khách hàng. Tuy nhiên, trên hạ tầng mạng viễn thông của các khu vực này vẫn có tín hiệu truyền hình cáp analog nên người dân đã sử dụng tín hiệu này. Tại địa bàn quận Hoàng Mai, Hà Đông, huyện Thanh Oai, SCTV đã trực tiếp cung cấp dịch vụ truyền hình cáp analog cho khách hàng. Như vậy, SCTV đã vi phạm quy định khi thực hiện không đúng giấy phép đã được cấp, đồng thời vi phạm quy chế quản lý hoạt động truyền hình trả tiền. Trước tình hình trên, Sở TT-TT Hà Nội đã ra quyết định xử phạt SCTV vi phạm hành chính với số tiền phạt gần 8 triệu đồng và yêu cầu SCTV ngừng truyền dẫn tín hiệu truyền hình cáp analog tại Hà Nội trước ngày 1-8.

Phía sau sai phạm của SCTV, câu hỏi đặt ra là tại sao một hành vi vi phạm lớn lại có thể kéo dài đến như vậy? Phải chăng lĩnh vực truyền hình trả tiền đang có nhiều bất cập, không phù hợp với thực tiễn. Tìm hiểu được biết, từ năm 2013 trở về trước, đây là lĩnh vực chậm đổi mới nhất, có chất lượng không ổn định và khâu chăm sóc khách hàng kém nhất. Ngay tại nội thành Hà Nội có mật độ dân cư đông, nhưng không ít khu vực mà người dân không thể xem được truyền hình cáp, vì "nhà đài" chưa có hạ tầng. Điều đó cho thấy cả hai nhà đài là cáp TƯ và Hà Nội vì những lý do nào đó đều "không cần" thêm khách hàng.

Như đã phân tích ở trên, SCTV được Bộ TT-TT cấp phép đầu năm 2012, thì trong năm 2013 đơn vị này đã triển khai kinh doanh tại Hà Nội với một loạt chương trình miễn phí đầu thu HD, khuyến mãi giảm giá cho khách hàng và đã tạo cuộc cạnh tranh gay gắt với Truyền hình Cáp Việt Nam và Truyền hình Cáp Hà Nội. Cùng với đó, việc Bộ TT-TT lần lượt cấp phép cung cấp dịch vụ truyền hình cáp cho Viettel và FPT Telecom trong năm 2013 là "cú hích" khiến các nhà đài phải thay đổi bằng cách đẩy mạnh đầu tư cho hạ tầng, hợp tác, liên kết, nâng cao chất lượng và chăm sóc khách hàng.

Như vậy, có thể thấy rằng ở một góc độ nào đó, chiêu "lách" luật của SCTV đã đem lại sự lựa chọn cho khách hàng, thúc đẩy các nhà đài khác phải cạnh tranh và điều này có lợi cho khách hàng. Song, cũng từ việc này, ở góc độ quản lý nhà nước cho thấy nếu cơ quan quản lý không theo dõi chặt chẽ và có những phát hiện kịp thời qua khâu kiểm tra, thanh tra thì sẽ gây ra những lộn xộn trên thị trường.

Cụ thể, SCTV không được cung cấp cáp analog trên địa bàn Hà Nội, song đơn vị này vẫn cố tình "lách" quy định (bằng việc hợp tác với một đơn vị của Đài Truyền hình Hà Nội để đối tác ký hợp đồng trực tiếp với khách hàng) nhằm nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường Hà Nội và khu vực phía Bắc. Từ vi phạm này có thể gián tiếp gây thiệt hại cho khách hàng do người dân không biết vẫn mua ti vi thế hệ cũ - chưa tích hợp công nghệ kỹ thuật số, trong khi Hà Nội và cả nước đang triển khai số hóa truyền hình. Tất nhiên, SCTV cũng đã khắc phục vi phạm này bằng cách tặng miễn phí đầu thu cho khách hàng, nhưng như vậy vẫn là lãng phí cho chính DN và xã hội. Số tiền mà Sở TT-TT xử phạt vì hành vi vi phạm này không lớn, chưa đến 8 triệu đồng, nhưng nếu cơ quan quản lý nhà nước là Bộ TT-TT, Sở TT-TT địa phương không thực hiện tốt khâu "hậu kiểm" thì "sự kiện" SCTV còn có thể tạo ra tiền lệ xấu. Đặt giả thiết, cả Viettel và FPT Telecom cũng đã, đang triển khai cung cấp dịch vụ truyền hình cáp trên toàn quốc (nhưng không được triển khai cáp analog tại 8 tỉnh, thành phố trong đó có Hà Nội), giả sử nếu họ cũng "theo chân" SCTV làm liều, sẽ tiếp tục tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường, lúc đó vai trò của quản lý nhà nước sẽ bị "vô hiệu hóa"?!.

Ngay sau thông báo của Sở TT-TT Hà Nội, đại diện SCTV Hà Nội đã cho biết, đơn vị cũng báo cáo Bộ, Sở TT-TT Hà Nội từ tháng 5-2014 về kế hoạch hỗ trợ miễn phí đầu thu kỹ thuật số để 20.000 khách hàng SCTV được xem truyền hình cáp số thay thế cho cáp analog, đồng thời cho biết sẽ thực hiện việc chuyển đổi này xong trước ngày 31-7 (hiện SCTV đã phát được hơn 90% bộ đầu thu cho khách hàng)…

Theo Hà Nội mới