Truyền hình trả tiền: Sẽ phân bổ kênh phát sóng cho các đài
(Dân trí) - Nhằm điều tiết thị trường truyền hình trả tiền đang phát triển lộn xộn, cơ quan chức năng đề xuất phân chia các nhóm kênh và phân công cụ thể cho mỗi doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng chịu trách nhiệm phát sóng một nhóm kênh tại từng khu vực.
Thông tin từ Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử cho biết, Cục đang có kế hoạch đề xuất Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho xây dựng dự thảo Thông tư phân công các doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng truyền hình số mặt đất truyền dẫn các kênh truyền hình thiết yếu. Thông tư này sẽ phân chia các nhóm kênh và phân công cụ thể cho mỗi doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng chịu trách nhiệm phát sóng một nhóm kênh tại từng khu vực.
Động thái của cơ quan quản lý đưa ra nhằm chấn chỉnh tình hình phát triển thiếu quy hoạch của hệ thống truyền hình trả tiền (THT) tại các địa phương, dẫn tới thực tế thừa về số lượng nhưng thiếu chất lượng.
Theo số liệu thống kê vào cuối năm 2014, Việt Nam có 180 kênh truyền hình và phát thanh công ích, 40 kênh truyền hình nước ngoài, năm doanh nghiệp khai thác công nghệ truyền hình số mặt đất, ba nhà cung cấp dịch vụ THTT bằng phương thức truyền dẫn vệ tinh, 27 nhà cung cấp dịch vụ THTT bằng cáp. Trong đó, dịch vụ THTT đạt khoảng 7,5 triệu thuê bao với doanh thu ước chừng 10.000 tỉ đồng…
Theo phản ánh của khách hàng dùng dịch vụ THTT, ngay tại Hà Nội thu được 60 kênh nhưng số lượng kênh phát trùng lặp khá nhiều. Cụ thể, VTV1 bị trùng 6 lần, VTV2 trùng 5 lần, VTV3 trùng 6 lần, H1 trùng 4 lần, VTC1 trùng 2 lần, TodayTV trùng 6 lần, VTC16 trùng 2 lần.
Lý do khiến người dân thu được nhiều kênh truyền hình bị phát trùng lặp là các đơn vị phát sóng cùng truyền dẫn tín hiệu các kênh đó lên hệ thống và phát sóng ở cùng một khu vực. Cùng đó, còn diễn ra một thực tế khác, chỉ trừ một vài nhà cung cấp dịch vụ THTT lớn có đầu tư những chương trình riêng hoặc mua bản quyền một số chương trình, phim, trò chơi hấp dẫn của nước ngoài để phục vụ khách cũ và lôi kéo khách hàng mới. Phần còn lại, nhiều nhà cung cấp dịch vụ THTT vẫn tiếp tục dùng công nghệ “trộn” các kênh truyền hình có sẵn, chủ yếu là các kênh địa phương để chiêu dụ khách hàng. Sản phẩm đưa ra chỉ là số lượng dài các kênh nhưng chất lượng thì khó có thể hấp dẫn người xem.
“Chiêu” được các đài truyền hình sử dụng phổ biến nhất là phát đi phát lại nhiều tựa phim, nhiều chương trình giải trí…Thậm chí có đài phát đi phát lại vài bộ phim trong hàng tháng trời, khiến người xem ngán ngẩm. Tình trạng này được các nhà đài xác nhận tại một hội nghị vừa diễn ra, do Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam (VNPayTV) tổ chức. Đại diện các nhà đài cũng thừa nhận, hiện thị trường THTT đang có xu hướng phát triển “méo mó” . Do phải cạnh tranh về giá nên hầu hết các doanh nghiệp truyền hình trả tiền đều phải lấy tiền khách hàng trả trước để trang trải cho các hoạt động. Không chỉ các đơn vị nhỏ, ngay cả các “ông lớn” như SCTV và VTVcab đều lấy doanh thu ở các thành phố lớn để bù vào tình trạng khó khăn ở các thị trường mới.
Tại nhiều cuộc hội thảo đóng góp ý kiến, các doanh nghiệp THTT liên tục tố cáo lẫn nhau bán phá giá để cạnh tranh và đưa đề nghị Nhà nước phải quản lý giá thì một số doanh nghiệp khác lại phản bác
Mới đây, Bộ TT&TT cũng đã có văn bản trả lời VNPayTV về việc dịch vụ truyền hình trả tiền không nằm trong danh mục quản lý giá theo Luật giá. Tuy nhiên, cơ quan chức năng khẳng định, nếu cứ mãi diễn ra tình trạng này sẽ tạo ra một thị trường truyền hình lộn xộn và khó dự báo trước sẽ đi theo hướng nào.
Do đó, việc phân chia các nhóm kênh và phân công cụ thể cho mỗi doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng là điều cần thiết để bình ổn thị trường.
Phạm Thanh