Truyền hình trả tiền đối mặt với thuê bao rời mạng, thuê bao ảo
Do cạnh tranh trong lĩnh vực truyền hình trả tiền ngày càng khốc liệt, các nhà đài đang phải đối mặt với tình trạng thuê bao rời mạng, thuê bao ảo gia tăng. Có doanh nghiệp bị tới hơn 30% thuê bao rời mạng trong năm 2013, con số thuê bao ảo cũng lên tới 32%.
Mặc dù tung ra đủ chiêu thức kinh doanh mới nhưng VTC Digital vẫn có tới hơn 30% thuê bao rời mạng trong năm 2013. Ảnh: VTC
Ở phân khúc truyền hình cáp hiện nay Truyền hình cáp Saigontourist (SCTV) có mức phí thuê bao thấp nhất 60.000 đồng/tháng, Truyền hình cáp Hà Nội (HCATV) giữ mức giá trên 80.000 đồng/tháng, VTVcab có mức giá cao nhất 110.000 đồng/tháng. Lâu nay SCTV chiếm lĩnh thị trường miền Nam, còn ở Hà Nội chủ yếu do VTVcab và HCATV phát triển nhưng kể từ khi SCTV đầu tư mạnh ra thị trường Hà Nội và thực hiện chính sách giảm giá "sốc" để thu hút thuê bao mới, nhiều gia đình đã cắt dịch vụ của VTVcab và HCATV chuyển sang dùng dịch vụ của SCTV.
Theo Công ty VTC Dịch vụ Truyền hình số (VTC Digital), năm 2013 mặc dù lần đầu tiên dịch vụ truyền hình vệ tinh có lãi, với mức lợi nhuận 50 tỷ đồng kể từ khi chính thức cung cấp dịch vụ từ năm 2009 đến nay, nhưng thực tế VTC Digital lại gặp khó khăn rất lớn trong phát triển thuê bao. Ông Hoàng Lê Sơn - Giám đốc VTC Digital cho biết, năm 2013 chỉ tiêu thuê bao rời mạng dưới 20% của VTC không đạt được, thực tế số thuê bao rời mạng của doanh nghiệp lên tới hơn 30%. Mặc dù VTC đã thực hiện nhiều chính sách ưu đãi để níu kéo khách hàng như tặng cước thuê bao, giảm giá đầu thu tới gần 50%, cho đổi đầu thu cũ lấy đầu thu mới, bổ sung thêm nhiều gói kênh chương trình hấp dẫn, nhưng con số thuê bao phát triển mới chỉ tương đương với số lượng thuê bao rời đi. VTC Digital rất vất vả mới giữ được số lượng thuê bao như cuối năm 2012.
Ông Lê Đình Cường - Phó Tổng thư ký kiêm Chủ tịch Hiệp hội truyền hình trả tiền cũng cho biết, năm 2013 nhà cung cấp dịch vụ truyền hình vệ tinh K+ đã bỏ ra tới hơn 30 triệu USD chi riêng cho bản quyền Ngoại hạng Anh, nhưng khi mùa giải chuẩn bị bắt đầu hãng này bị tụt mất hơn 50.000 thuê bao, đến khi giải Ngoại hạng Anh chính thức phát sóng, mặc dù tung ra nhiều chương trình khuyến mại K+ cũng chỉ lấy lại được 30.000 thuê bao. Trong cả năm 2013 mặc dù bỏ bộn tiền mua độc quyền Ngoại hạng Anh nhưng K+ cũng phát triển rất chậm và chỉ cầm chân ở con số 400.000 thuê bao.
Dịch vụ truyền hình IPTV MyTV của VNPT trong năm 2013 đã phát triển mới được 200.000 thuê bao, đạt con số 800.000 thuê bao. Thế nhưng, theo ông Huỳnh Ngọc Tuấn, Giám đốc Công ty Phần mềm và Truyền thông VASC, MyTV cũng phải đối phó với thực trạng lượng thuê bao ngưng, hủy ngày càng tăng. Điều này buộc VASC bắt đầu triển khai một số chính sách hỗ trợ thuê bao ngưng, hủy nhằm mục tiêu giữ chân khách hàng và giảm chi phí phát triển thuê bao mới.
Không chỉ đối phó với tình trạng thuê bao rời mạng, truyền hình cáp analog còn phải đối mặt với tình trạng thuê bao ảo, tức là thuê bao vẫn dùng tín hiệu truyền hình nhưng nhà đài lại không thuê được cước.
Theo ông Cường, từ nhiều năm nay các đơn vị truyền hình cáp đang phải với đối mặt với thực tế là có rất nhiều thuê bao ảo. Các thuê bao ảo này phần lớn là có đăng ký sử dụng một thời gian, sau đó họ cắt dịch vụ không dùng nữa song lại tự đấu nối tín hiệu vào để xem tiếp mà không trả phí cho nhà cung cấp dịch vụ.
Ông Cường cho biết, số lượng thuê bao ảo rất lớn và tất cả các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình cáp analog như: Truyền hình cáp Saigontourist (SCTV), Truyền hình cáp Việt Nam (VTVcab), Truyền hình cáp Hà Nội (HCATV), Truyền hình cáp TP.HCM (HCTV) đều phát hiện ra vấn đề này từ hơn 3 năm nay nhưng rất khó xử lý triệt để. Khi kiểm tra các nhà cung cấp phát hiện có gian lận thì chỉ cắt tín hiệu, nhưng khi vừa đi khỏi là người dùng lại tự đấu nối lại. Có thời điểm HCATV bị tới 30%, thậm chí VTVcab còn có tới 32% thuê bao ảo.
Theo Minh Quyên
ICTNews