Trung Quốc khuyến khích tố giác tham nhũng qua Internet

(Dân trí) - Internet đang trở thành một công cụ đắc lực để tố giác tham nhũng và hối lộ tại Trung Quốc trong thời gian qua, trong đó cư dân mạng tại nước này đóng vai trò quan trọng trong việc phát giác những vụ việc sai trái của quan chức.

Sức mạnh của Internet

Thời gian qua nhiều quan chức cao cấp tại Trung Quốc đã bị phát giác hành vi tham những hoặc sai trái mà những manh mối đầu tiên được bắt nguồn từ chính những người dùng Internet tại nước này.

Gần đây nhất là trường hợp của Yuan Zhanting, thị trưởng thành phố Lan Châu, tỉnh Cam Túc, khi bị các cư dân mạng trong nước phát hiện ra trong những bức ảnh ông tham dự các sự kiện đã đeo nhiều chiếc đồng hồ đắt tiền khác nhau, mà trong đó có những chiếc lên đến 200.000 Nhân Dân Tệ (tương đương 31.746USD), một số tiền quá lớn nếu so với thu nhập của quan chức trong nước.

Trung Quốc khuyến khích người dân tố giác tham nhũng qua Internet
Chính phủ Trung Quốc đang muốn tận dụng số lượng người dùng Internet đông đảo trong nước trong cuộc chiến chống tham nhũng

Tương tự, hồi tháng 9 vừa qua, Yang Dacai, một quan chức thuộc Ban An toàn Lao động tại tỉnh Thiểm Tây cũng đã bị sa thải sau khi nhiều người dùng Internet đã cho đăng tải những hình ảnh cho thấy Dacai mang những chiếc đồng hồ sang trọng mà ông không thể mua bằng tiền lương của mình.

Trong tháng 10, Cai Bin, một quan chức quản lý đô thị ở tỉnh Quảng Đông, đã bị sa thải sau khi “khoe” trên mạng Internet rằng mình đang sở hữu 22 ngôi nhà ở khác nhau.

Không chỉ về vấn đề tham nhũng, nhiều quan chức tại Trung Quốc cũng đã bị sa thải sau khi những hành vi sai trái của mình bị tố giác trên mạng Internet. Chẳng hạn mới đây Lei Zhengfu, người đứng đầu một huyện thuộc thành phố Trùng Khánh đã bị cách chức chỉ 63 giờ sau khi một đoạn video “cảnh nóng” của ông và một phụ nữ bị rò rỉ trên Internet.

Chính phủ Trung Quốc khuyến khích người dân tố cáo tham những qua Internet

Cư dân mạng tại Trung Quốc đang rất tích cực trong hoạt động chống tham nhũng thông qua Internet, bên cạnh đó, bản thân chính phủ tại nước này cũng tạo điều kiện cho người dân có thể dễ dàng tố giác các hành vi tham nhũng và sai trái của quan chức thông qua Internet.

Hồi tháng 9 vừa qua, chính phủ Trung Quốc đã cho mở cửa trang web chống tham nhũng chuyên tiếp thu các phản hồi về hành vi tham nhũng và sai trái do người dân tố cáo thông qua Internet. 

Danh tính của người tố cáo có thể được công khai hoặc giấu kín nhằm bảo vệ an toàn cho họ. Đặc biệt, tiến trình điều tra và xác minh các tố giác của người dân sẽ được công khai ngay trên chính trang web này để giúp những người tố cáo có thể theo dõi, tạo niềm tin cho người dân.

“Đây được coi là biện pháp đấu tranh chống tham nhũng hiệu quả trong giai đoạn hiện nay”, Dan PingYang, Viện khoa học Xã Hội Trung Quốc cho biết. “Chẳng hạn khi các quan chức đi ăn cơm hay đến một nhà hàng, một người dân có thể đăng tải thông tin lên trang web, lập tức ủy ban kiểm tra chống tham nhũng sẽ đến kiểm tra xem các quan chức này sử dụng tiền riêng hay tiền công cho bữa ăn. Điều này nhắm ngăn chặn hành vi tham nhũng”.

Động thái kêu gọi sự giúp đỡ của người dân trong việc chống tham nhũng được coi là cần thiết, khi Đảng Cộng Sản Trung Quốc đã đưa ra cảnh báo rằng hành vi tham nhũng có thể dẫn đến sự sụp đổ của Đảng và sự sụp đổ của nhà nước.

Các chuyên gia cho rằng cuộc chiến chống tham nhũng của Trung Quốc, với sự tham gia nhiệt tình của cư dân mạng, đã tạo ra một giai đoạn mới và trên hết tạo được lòng tin với người dân trong nước.

Mặc dù đã phần nào chứng minh được sự hiệu quả trong cuộc chiến chống tham nhũng, tuy nhiên các chuyên gia cảnh báo chiến dịch chống tham nhũng qua Internet cũng có giới hạn và đôi khi có thể làm hại người vô tội.

Chẳng hạn như mới đây một người dùng Internet đã tố cáo Li Yunqing, một kỹ sư cao cấp đã nghỉ hưu sống tại tỉnh Quảng Châu đang sở hữu 24 căn nhà và có các dấu hiệu tham nhũng. Tuy nhiên các cuộc điều tra sau đó cho thấy Li không phải là thành viên của Ủy ban nhân dân xã cũng như không phải là quan chức của Đảng. Tài sản của Li thuộc sở hữu của con trai và là thành quả sau nhiều năm làm việc vất vả. Vụ việc đã khiến cho cuộc sống gia đình của Li Yunqing bị đảo lộn đáng kể.

Theo Zhang Youde, Trưởng khoa Quản lý xã hội thuộc trường Đại học Khoa học chính trị và Luật Thượng Hải cho rằng những người tố cáo qua Internet phải chịu trách nhiệm về pháp lý nếu họ quá ranh giới và vi phạm sự riêng tư của người khác. Zhang cũng cho rằng cần đưa ra một đạo luật phù hợp để kiềm chế các tác động tiêu cực mà chiến dịch “chống tham nhũng qua Internet” mang lại cho xã hội.

Phạm Thế Quang Huy
Tổng hợp